Xét xử sai phạm tại Sadeco: Bị cáo không có động cơ tham ô?

06/01/2022 06:30 GMT+7

Ở phiên xét xử sai phạm xảy ra tại Sadeco, bào chữa bổ sung, bị cáo Nguyễn Hữu Thành (Công ty Nguyễn Kim) trình bày, trước đây theo nhận thức của bị cáo thì hành vi của mình không phạm tội.

Hôm qua (5.1), phiên tòa xét xử sai phạm tại Sadeco tiếp tục với phần các luật sư bào chữa cho 20 bị cáo.

Phần bào chữa xoay quanh sai phạm trong phát hành và chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của của Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (Sadeco) cho cổ đông chiến lược Công ty Nguyễn Kim, nhưng không thẩm định giá, đấu giá, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thiệt hại nhà nước là hơn 669,6 tỉ đồng.

Ông Tề Trí Dũng nhận sai trước tòa trong vụ án ngàn tỉ

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) trình bày bản thân nhận thức hành vi của mình là sai phạm, nên không bào chữa gì thêm. Bị cáo đề nghị các luật sư (LS) chỉ nêu thêm các tình tiết giảm nhẹ nếu có, mà không cần thiết phải phân tích nhiều về việc tội danh. Trước đó, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đề nghị bị cáo Dũng từ 20 - 22 năm tù.

Các bị cáo tại tòa

Độc Lập

Bào chữa cho bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco), bị VKS đề nghị từ 19 - 21 năm tù ở 2 tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “tham ô tài sản”, các LS cho rằng đối với hành vi phát hành 9 triệu cổ phần, khi tiếp nhận và giữ chức vụ Tổng giám đốc Sadeco vào tháng 2.2017 thì bị cáo Phúc chỉ đang tiếp tục thực hiện công việc mà HĐQT giao; còn hành vi chi không đúng quy định, gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỉ đồng, LS đề nghị HĐXX xem xét lại khoản thiệt hại là hơn 2,7 tỉ đồng, căn cứ vào chứng cứ trong hồ sơ vụ án; đối với tội danh “tham ô tài sản”, LS đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh này. Bởi vấn đề then chốt trong việc chuyển tiền thù lao, quỹ khen thưởng HĐQT Sadeco thành “kinh phí hoạt động” của HĐQT đã thực hiện từ trước thời điểm bị cáo Phúc được bổ nhiệm Tổng giám đốc Sadeco, và nó như là thông lệ của Sadeco. Hơn nữa, bị cáo Phúc không có động cơ để tham ô và trên thực tế bị cáo cũng không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào từ quỹ thù lao khen thưởng năm 2017, 2018.

Là bị cáo duy nhất của Công ty Nguyễn Kim bị đưa ra xét xử và bị VKS đề nghị mức án 6 - 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Thành đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của mình không phạm tội.

Theo LS, bị cáo Thành tham gia HĐQT Sadeco với tư cách là người được ủy quyền, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cổ đông là Công ty Nguyễn Kim tại Sadeco. Quá trình tham gia Sadeco, ông Thành tuyệt đối tin tưởng vào việc xác định giá cổ phần của phòng ban chuyên môn Sadeco, cũng như sự đồng ý về chủ trương của các cơ quan chủ quản chủ sở hữu (UBND TP.HCM, Thành ủy TP.HCM - PV). Vì vậy, ông Thành đã biểu quyết tán thành phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim vì cho rằng đây là phương án tốt nhất, mang lại lợi ích cho các bên.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Thành trình bày trước đây theo nhận thức của bị cáo thì hành vi của mình không phạm tội. Nhưng khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, ông cho rằng mình có nhận thức pháp luật hạn chế dẫn đến có sai phạm. Tuy nhiên, khi LS bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, ông tôn trọng quan điểm của LS vì “LS có dẫn chứng pháp luật rõ ràng”, nên mong HĐXX xem xét. Một số bị cáo được bào chữa trong ngày, đa số LS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.