Xét xử sai phạm tại Sadeco: Bị cáo Tề Trí Dũng đề nghị xem xét lại tội tham ô

29/12/2021 16:18 GMT+7

Bị cáo Tề Trí Dũng đề nghị xem xét lại tội tham ô. Còn bị cáo Trần Công Thiện (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco) thay đổi lời khai so với hôm qua, khi nói rằng về sâu xa, tài sản Văn phòng Thành ủy cũng là tài sản nhà nước.

Trong ngày 29.12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nam Sài Gòn - Sadeco) và đồng phạm gây thiệt hại cho Sadeco 3,6 tỉ đồng, khi chỉ đạo cấp dưới chi tiền của Công ty Sadeco cho nhiều cá nhân không thuộc diện đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát, học tập” trái quy định; “tham ô tài sản” hơn 4,6 tỉ đồng, khi có hành vi gian dối chiếm hưởng nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn Văn phòng Thành ủy, IPC không chuyên trách.

Bị cáo Tề Trí Dũng

ĐỘC LẬP

Về hành vi tham ô tài sản, trả lời đại diện Viện KSND (VKS) TP.HCM, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận đã được nhận 1,7 tỉ đồng (nhưng nộp thuế 35% tổng số tiền nên chỉ còn thực nhận 1,2 tỉ đồng), vì nghĩ đây là tiền thù lao khen thưởng của công ty nên đương nhiên được nhận. “Bị cáo không nghĩ đó là tiền tham ô. Khi bị khởi tố, bị cáo đã nộp lại hết số tiền này”, bị cáo Tề Trí Dũng khai.

Ngoài ra, bị cáo Dũng cũng cho rằng, không sử dụng tiền này để chi xài cá nhân mà đều làm từ thiện. Sau đó, thấy dư luận trong công ty ồn ào là ban giám đốc có thu nhập cao, bị cáo bức xúc nên đề nghị bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc Sadeco) rút tên mình khỏi danh sách nhận tiền. “Sau khi CQĐT vào làm việc, nói tiền này bị cáo nhận là sai nên bị cáo đã trả lại tiền cho Sadeco thông qua bị cáo Phúc”, bị cáo Tề Trí Dũng trình bày.

Ngoài bị cáo Dũng, các bị cáo: Hồ Thị Thanh Phúc, Phạm Văn Thông, Huỳnh Phước Long, Phạm Xuân Trung... đều đề nghị HĐXX xem xét lại tội tham ô.

Bị cáo Phúc nói thời điểm duyệt khoản thù lao khen thưởng đó, bị cáo Phúc mới về Sadeco nên nghĩ khoản chi đó là phù hợp. Bản thân bị cáo cũng không nhớ mình đã nhận bao nhiêu tiền. Khi chuyển tiền cho các thành viên chuyên trách thì không thấy ai phản hồi gì nên nghĩ rằng chi hợp lý. Bị cáo nhận thức rằng mình chi đúng. Tuy nhiên, sau khi làm việc với CQĐT thì bị cáo biết mình sai nên đã yêu cầu những người nhận tiền hoàn trả lại cho Sadeco.

Đối với nội dung cáo trạng truy tố tội tham ô, bị cáo Phúc đề nghị HĐXX xem xét vì bị cáo không đồng ý với nội dung cáo trạng. Bị cáo khẳng định mình không tham ô mặc dù thừa nhận mình chính là người đại diện theo pháp luật của Sadeco.

Bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM) cũng cho rằng, "nghĩ đây là tiền thù lao khen thưởng khi kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ" chứ không nghĩ mình nhận tiền này là sai.

Bị cáo Huỳnh Phước Long (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco) cũng cho rằng đó là tiền thù lao mình đương nhiên được nhận, bị cáo không quản lý số tiền này, cũng không chiếm đoạt của ai, sau này bị cáo cũng tự nguyện trả lại nên khi bị truy tố tội tham ô tài sản, thấy rất băn khoăn…

Hôm qua (28.12), trả lời HĐXX, bị cáo Trần Công Thiện (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco) trình bày không đồng ý với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” do VKS TP.HCM truy tố đối với mình.

Theo bị cáo Thiện, vốn của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco không phải là tài sản nhà nước, đây là tài sản của Đảng bộ TP.HCM, là một tổ chức chính trị.

Tuy nhiên, trong chiều nay, khi VKS thẩm vấn, bị cáo Thiện nói về sâu xa thì vốn của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco cũng là tài sản nhà nước được chuyển qua tổ chức chính trị. Do bị cáo nhận thức chưa đủ, không hiểu nên đã xem nhẹ về quản lý. “Đến thời điểm này, bị cáo mới nhận thức được tài sản này dù là tài sản tổ chức chính trị nhưng được quản lý theo tài sản nhà nước”, bị cáo Trần Công Thiện nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.