Xét xử sai phạm tại Sadeco: VKS khẳng định ông Tất Thành Cang phạm tội

06/01/2022 13:43 GMT+7

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang và đồng phạm, đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, có căn cứ.

Ngày 6.1, sau khi các luật sư (LS) bào chữa cho 20 bị cáo, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã đối đáp trở lại quan điểm của luật sư về sai phạm của bị cáo Tất Thành Cang và 19 bị cáo khác trong vụ án phát hành và chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (Sadeco) cho cổ đông chiến lược Công ty Nguyễn Kim, nhưng không thẩm định giá, đấu giá, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thiệt hại nhà nước là hơn 669,6 tỉ đồng.

VKS đối đáp trở lại các quan điểm của luật sư

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, về quan điểm của LS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tất Thành Cang (50 tuổi, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) không phạm tội, VKS một lần nữa khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.

Thứ nhất, luật sư cho rằng bị cáo Tất Thành Cang không phải là chủ thể của tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, mà chủ thể ở đây là Văn phòng Thành ủy. Theo VKS, bị cáo Tất Thành Cang là người chỉ đạo, phụ trách Văn phòng Thành ủy, điều đó thể hiện qua việc cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy phải xin ý kiến của bị cáo về việc phát hành cổ phiếu.

Thứ 2, luật sư cho rằng bị cáo Tất Thành Cang là nạn nhân của hành vi gian dối do cấp dưới là đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco báo cáo không trung thực, ngụy tạo Tờ trình 12A, trong khi Hội đồng quản trị Sadeco căn cứ vào tờ trình 13 để quyết định xác định giá trị chuyển nhượng cổ phần. VKS đối đáp, nêu thực tế diễn biến quá trình chuyển nhượng cổ phần cho thấy, Công ty Nguyễn Kim và Sadeco tiếp xúc với nhau từ tháng 11.2016. Đồng thời, việc chuyển nhượng chỉ hoàn tất khi bị cáo Tất Thành Cang bút phê “đồng ý”. Hơn nữa, theo VKS, quá trình thẩm vấn tại tòa, bị cáo Cang cũng thừa nhận không yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo hoặc cung cấp tài liệu về việc một cổ đông cụ thể là ai, có thực hiện đấu giá công khai hay không. Do vậy, mặc nhiên được hiểu bị cáo biết và đã quyết định nên bị cáo phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Bị cáo Tất Thành Cang lắng nghe VKS đối đáp

NGỌC DƯƠNG

Về việc ông Tất Thành Cang phủ nhận có mối quan hệ với Công ty Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng, rằng “ông Tất Thành Cang gọi Dũng đến nhà dùng cơm thân mật, truyền đạt ý kiến cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco”, VKS đánh giá lời khai của bị cáo Dũng là có căn cứ. Bởi, xuyên suốt thời gian chuyển nhượng, chỉ có duy nhất Công ty Nguyễn Kim được tiếp xúc, làm việc và cuối cùng là ký hợp đồng trót lọt với giá thấp, mà không có bất kỳ một đơn vị nào được tiếp cận; lời khai của bị cáo Dũng nhất quán từ giai đoạn điều tra đến lời khai nhận tội tại tòa, phù hợp với quá trình, diễn biến của hành vi phạm tội, cho thấy bị cáo Cang là người định hướng từ việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim để Tề Trí Dũng cùng các bị cáo khác thực hiện chuyển nhượng cổ phần.

Ông Tề Trí Dũng nhận sai trước tòa trong vụ án ngàn tỉ

Tài sản tổ chức Đảng là tài sản nhà nước

Về quan điểm của luật sư cho rằng tài sản Văn phòng Thành ủy, tức tài sản của tổ chức chính trị không phải là tài sản nhà nước. VKS nêu tổ chức chính trị thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 luật Tài sản công. Ngoài ra, khoản 3, luật Tài sản công quy định rõ “tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Do đó, tài sản của tổ chức Đảng, là tài sản của tổ chức chính trị, do vậy, đó chính là tài sản của Nhà nước.

Về tội danh tham ô tài sản, VKS nêu việc chi trả khoản thù lao, tiền thưởng như thế nào là quyền của đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước, việc của Sadeco là phải chuyển số tiền này về cho chủ sở hữu. Khi các cá nhân quản lý tài sản của Sadeco đã có hành vi gian dối, cố ý làm các thủ tục để chuyển cho các cá nhân sử dụng cho mục đích cá nhân, không chuyển về cho đại diện chủ sở hữu, là hành vi trái pháp luật. Số tiền bị thiệt hại khi đang do Sadeco quản lý, sở hữu chưa được chuyển về cho Văn phòng Thành ủy và IPC, nên Sadeco là khách thể bị thiệt hại trong vụ án và các bị cáo sai phạm bị truy tố về tội “tham ô tài sản” là có căn cứ.

Đối với đề nghị của một số luật sư về việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự (người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm) cho các bị cáo vì đã có hành vi ngăn chặn tội phạm, khi Sadeco ban hành Nghị quyết 46/2018 chấm dứt hợp đồng hợp tác giữa Sadeco và Công ty Nguyễn Kim, trước cả thời điểm Thanh tra TP.HCM ban hành kết luận thanh tra vào tháng 10.2018 và trước cả thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 12.2019.

Song, VKS cho rằng việc chấm dứt hợp đồng hợp tác chỉ được thực hiện sau khi Thanh tra TP.HCM thực hiện việc thanh tra tại IPC, cho nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên cho các bị cáo là không phù hợp.

Chiều nay, luật sư của bị cáo Tất Thành Cang và đồng phạm sẽ tranh luận trở lại sau khi VKS đối đáp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.