Sau phần bào chữa của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài, hôm qua 23.3, phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo sai phạm trong vụ hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng tiếp tục với phần bào chữa của 8 bị cáo còn lại. Theo đó, 8 bị cáo thuộc các sở, ngành TP.HCM bị truy tố vì không yêu cầu Công ty Diệp Bạch Dương, do bị cáo Dương Thị Bạch Diệp làm giám đốc, cung cấp bản chính sổ hồng tài sản 57 Cao Thắng; không kiểm tra pháp lý, tình trạng biến động nhà đất 57 Cao Thắng dẫn đến không phát hiện được tài sản này đã bị Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp vay vốn tại Agribank TP.HCM. Hậu quả, nhà nước mất quyền sở hữu với tài sản 185 Hai Bà Trưng và không xác lập được quyền sở hữu với tài sản 57 Cao Thắng.
Thấy có lợi nên hoán đổi tài sản
Là bị cáo duy nhất không có luật sư bào chữa, bị cáo Vy Nhật Tảo (65 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM) tự bào chữa rằng năm 2008 Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM có nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở xuống cấp. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa luôn được nhắc tới, dẫn đến bị cáo chịu sức ép rất lớn. Nhận thấy việc hoán đổi là có lợi cho trung tâm, bị cáo vì tập trung chuyên môn mà không kiểm tra thường xuyên, thiếu giám sát theo dõi và chỉ đạo cán bộ... nên không biết tài sản 57 Cao Thắng của bị cáo Diệp đã đem thế chấp ngân hàng. Vì vậy, bị cáo Vy Nhật Tảo mong HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội cũng như việc bị cáo không tư lợi cá nhân, để có mức án khoan hồng.
Luật sư Trần Văn Tạo, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Rum (68 tuổi, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL), đề nghị HĐXX tuyên ông Rum không phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án. Theo luật sư Tạo, tại tòa ông Rum nhận trách nhiệm nhưng việc nhận trách nhiệm này không phải đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như cáo trạng quy kết.
“Cáo trạng buộc tội ông Rum khi ông ký văn bản đề nghị chủ trương hoán đổi nhà 185 Hai Bà Trưng lấy nhà 57 Cao Thắng. Nhưng thực chất đó chỉ là ý kiến phản hồi với cấp trên, ghi nhận, ủng hộ chủ trương hoán đổi. Việc hoán đổi này cả hai bên đều có lợi: Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM có trụ sở mới lớn hơn, to đẹp hơn; Công ty Diệp Bạch Dương có mặt bằng để sáp nhập các khu đất kế bên xây khách sạn. Còn cáo trạng nói ông Rum thiếu kiểm tra tình trạng căn nhà 57 Cao Thắng nên mới xảy ra hậu quả là không đúng, bởi chức năng nhiệm vụ của Sở VH-TT-DL TP.HCM không phải là đi kiểm tra hiện trạng nhà”, luật sư Tạo trình bày.
Đối với 6 bị cáo còn lại, luật sư bào chữa cũng đề nghị HĐXX xem xét vai trò, trách nhiệm trong vụ án để có mức án nhẹ hơn mức án do Viện KSND đề nghị. Trong khi đó, Viện KSND đề nghị tuyên bị cáo Vy Nhật Tảo, Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT) 5 - 6 năm tù; Nguyễn Thành Rum, Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT) 4 - 5 năm tù; Lê Văn Thanh và Huỳnh Kim Phát (cùng nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM) 3 - 4 năm tù; Lê Tôn Thanh (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL), Trần Nam Trang (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Agribank trưng bằng chứng có thế chấp tài sản 57 Cao Thắng
Chiều qua, đại diện Agribank đề nghị HĐXX tuyên buộc UBND TP.HCM hủy bỏ các quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với nhà đất 57 Cao Thắng, buộc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM và UBND TP.HCM giao lại tài sản 57 Cao Thắng cho Agribank để ngân hàng xử lý thu hồi nợ. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Agribank đưa ra các chứng cứ chứng minh có việc bà Diệp đã thế chấp 57 Cao Thắng cho ngân hàng; trái ngược với lời khai của bị cáo Diệp là không có việc thế chấp.
Cụ thể, về hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng, luật sư nêu ngày 8.11.2008 Công ty Diệp Bạch Dương có “cam kết thế chấp tài sản” với nội dung đưa 15 bất động sản thế chấp vay 67.000 lượng, bao gồm tài sản 57 Cao Thắng. Ngày 31.12.2008, giữa Công ty Diệp Bạch Dương và Agribank TP.HCM ký 3 hợp đồng tín dụng (HĐTD), về việc công ty vay của Agribank 67.000 lượng vàng SJC; đồng thời ký hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng, trong đó có nội dung thế chấp cho khoản vay 8.700 lượng vàng SJC/67.000 lượng vàng SJC và HĐTD khác được đảm bảo bằng tài sản này. Hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định pháp luật.
Sau khi thanh toán và giải chấp một số tài sản, đến ngày 30.12.2011, hai bên ký hợp đồng bổ sung 3 HĐTD trên, với nội dung, tài sản bên Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp còn lại 8 bất động sản, trong đó có nhà đất 57 Cao Thắng.
Ngoài ra, luật sư của Agribank cũng cho rằng nếu Công ty Diệp Bạch Dương không thế chấp, đưa bản chính cho ngân hàng giữ thì làm gì có câu chuyện công ty này làm văn bản (ngày 4.1.2011 - PV) mượn lại bản chính giấy chủ quyền 57 Cao Thắng từ ngân hàng để phía công ty tiến hành thủ tục hoàn công 57 Cao Thắng.
Lý giải việc hợp đồng công chứng thế chấp không được lăn tay, luật sư nêu Công ty Diệp Bạch Dương đứng tên chủ quyền 57 Cao Thắng, do đó khi công chứng chỉ cần 2 loại giấy tờ là giấy chứng nhận và giấy tờ pháp lý của công ty này.
Liên quan đến nội dung luật sư trình bày, HĐXX thông báo đã yêu cầu Phòng Công chứng số 1 cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến HĐTD và thế chấp đối với tài sản 57 Cao Thắng.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bảo vệ quyền lợi của Sacombank, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM và Viện KSND sẽ đối đáp lại.
Bình luận (0)