Theo nguồn tin của PV Thanh Niên ngày 25.5, lãnh đạo TAND Q.4 đã phân công thẩm phán thụ lý vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Hữu Linh. Bị can Linh đang cư trú tại Q.2 (TP.HCM), bị Viện KSND Q.4 truy tố tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, theo khoản 1 điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt 6 tháng đến 3 năm tù.
tin liên quan
Được cho ở nhờ, gã đàn ông nhiều lần dâm ô con của chủ nhàĐây là vụ án gây bức xúc dư luận từ đầu tháng 4 vừa qua, khi trên mạng xã hội xuất hiện clip về một người đàn ông ôm hôn, sàm sỡ bé gái khoảng 7 - 8 tuổi trong thang máy.
Cơ quan điều tra vào cuộc, xác định vụ việc xảy ra tại chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, P.1, Q.4) và người có hành vi dâm ô bé gái 8 tuổi là Nguyễn Hữu Linh. Quá trình điều tra, bị can Linh khai do uống bia rượu nên đã có những hành vi như trên.
Cáo trạng nhận định hành vi của Nguyễn Hữu Linh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Đồng thời, bản thân bị can là người từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến cơ quan tư pháp, nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
[VIDEO] Vụ dâm ô bé gái trong thang máy: Cư dân Galaxy yêu cầu xử lý nghiêm thủ phạm
|
Bao giờ xét xử ?
|
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Trương Thị Minh Thơ cho biết, theo điều 277 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Ngoài ra, bà Thơ cũng cho biết thêm đối với vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với vụ án Nguyễn Hữu Linh, bà Thơ phân tích: “Dựa vào quy định về phân loại tội phạm theo bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ông Linh bị truy tố với khung hình phạt cao nhất 3 năm tù, sẽ rơi vào trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Vì vậy, thời hạn để thẩm phán đưa vụ án ra xét xử là 30 - 45 ngày. Một vụ án mà hành vi phạm tội rõ ràng, gây bức xúc dư luận thì việc thẩm phán đưa ra xét xử sớm là cần thiết”.
Trong khi đó, theo nguồn tin của PV, tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử sớm trong tháng 6.2019.
Nên xử công khai
Một khía cạnh khác nhiều quan tâm trong vụ án Nguyễn Hữu Linh và án dâm ô, xâm hại tình dục nói chung, là tòa sẽ xét xử công khai hay xử kín. Bởi người bị hại trong các vụ án này thường không mong muốn xuất hiện công khai trước nhiều người trong phiên xét xử; nhưng việc xét xử công khai bị cáo sẽ tăng tính răn đe đối với loại tội phạm gây bức xúc dư luận xã hội. Đặc biệt, trong vụ án Nguyễn Hữu Linh, bị can từng là người công tác và giữ trọng trách nhất định trong ngành tư pháp, nên dư luận có ý kiến cho rằng “sẽ được xử kín?”.
tin liên quan
Đề xuất vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em trong thang máy làm án lệTrao đổi với PV Thanh Niên chiều 25.5, nhiều cư dân chung cư Galaxy cho biết họ mong muốn vụ án được đưa ra xét xử công khai.
Trong khi đó, theo Chánh án TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) Vũ Thanh Lâm, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ những trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
“Theo quy định, bị cáo không phải là đối tượng được quyền yêu cầu HĐXX xử kín. Đối tượng được pháp luật bảo vệ là người bị xâm hại. Trong vụ này, người bị hại dưới 18 tuổi nên đại diện hợp pháp người bị hại nếu có yêu cầu xét xử kín thì HĐXX sẽ xem xét, nhưng khi tuyên án phải công khai”, ông Vũ Thanh Lâm nêu.
Đặt trường hợp cụ thể vụ án Nguyễn Hữu Linh, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng “HĐXX nên xem xét, cân nhắc kỹ”. “Hành vi xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em đang gây bức xúc dư luận, đặc biệt Nguyễn Hữu Linh từng là người có chức vụ trong ngành tư pháp, cho nên vụ án khi xét xử ngoài xử nghiêm để răn đe thì cũng cần đặt vấn đề tuyên truyền pháp luật. Vì vậy việc xét xử công khai cũng là cần thiết”, LS Hoan đề xuất.
tin liên quan
Toàn văn dự thảo hướng dẫn một số điều của BLHS về tội dâm ô, hiếp dâm...Cũng theo LS Hoan, để vụ án xét xử được công khai, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, thì khi xét xử công khai HĐXX có thể sắp xếp một phòng khác (tức phòng kín) cho người bị hại. Người bị hại và gia đình sẽ theo dõi việc xét xử qua màn hình, đồng thời trả lời HĐXX tại phòng kín.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc sử dụng, sắp xếp một phòng kín cho đương sự tham gia phiên tòa không phải là chuyện hiếm, thực tế đã được áp dụng trong một số phiên tòa ở TP.
“Việc linh hoạt sắp xếp như trên vừa đảm bảo tính công khai, vừa bảo vệ hình ảnh, quyền riêng tư của đương sự”, LS Chánh nhìn nhận và cho biết thêm: “Cách ly bị cáo và người bị hại, đồng thời để cháu bé ở một phòng riêng biệt chỉ có cha mẹ cũng là cách nhằm giảm thiểu tâm lý hoang mang, lo sợ của cháu bé so với trực tiếp đối diện bị cáo trong một phòng xét xử với quá nhiều người tham gia tố tụng”.
Bình luận (0)