Lập luận trở lại quan điểm của đại diện Viện KSND TP.HCM (gọi tắt là VKS) rằng, thuốc H-Capita là thuốc giả, một số luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo nêu: “VKS nghi ngờ tính khách quan, hợp pháp các tài liệu của đoàn công tác Bộ Y tế xác minh nguồn gốc, chất lượng thuốc H-Capita là đã phủ nhận kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an. Vì 3 tài liệu giải mật tại tòa mà Bộ Y tế cung cấp đã được Bộ Công an ghi nhận”. Từ đó, các LS cho rằng, các bị cáo làm giả giấy tờ, nguồn gốc thuốc và thuốc vẫn đảm bảo chất lượng.
Trước đó, chiều 27.9, VKS khẳng định không sử dụng các tài liệu của Bộ Y tế cũng như nghi ngờ tính hợp pháp kết quả này (thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng - PV) của đoàn công tác Bộ Y tế tại Ấn Độ. VKS nhấn mạnh: “Đoàn công tác Bộ Y tế tại Ấn Độ đi theo sự phân công của ai, thu thập thông tin cách nào. VKS cho rằng việc Bộ Y tế đi xác minh là không khách quan, không đúng thủ tục quy định theo bộ luật tố tụng hình sự; CQĐT chưa xác minh tính xác thực của tài liệu này, do đó VKS không sử dụng trong việc đánh giá chứng cứ tại phiên tòa này”.
Cục Quản lý dược nói phải “căn cứ Luật dược”
Tiếp tục “phản biện” VKS, bà Nguyễn Minh Hoài, cán bộ Cục Quản lý dược, thành viên đoàn công tác Bộ Y tế đi làm việc tại Ấn Độ, trình bày với HĐXX, khi đoàn Thanh tra Chính phủ thanh tra tại Bộ Y tế để xác định bản chất thật của lô thuốc H-Capita 500 caplet, thì gần như cùng thời điểm Cục Quản lý dược đã có văn bản trước đề nghị phía Ấn Độ hỗ trợ xác minh. Tại Ấn Độ, đoàn công tác đã đi thực tế và thu thập các tài liệu liên quan đến lô thuốc và được Cục Quản lý dược, Phòng Thương mại, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán VN tại Ấn Độ xác nhận tính hợp pháp của hàng hóa và Bộ Y tế đã gửi kết quả đến CQĐT xem xét. Theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, trên các thùng hàng H-Capita do VN Pharma nhập về có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và dán tem chuyển từ Ấn Độ về Singapore. “Trong kết luận, Cơ quan ANĐT cho rằng có căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc được sản xuất tại nhà máy ở Ấn Độ. Đồng thời kết quả xác minh nguồn gốc lô thuốc H-Capita cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận tại Kết luận số 1574 ngày 13.9.2019 đã được Thủ tướng đồng ý”, bà Hoài nói. Theo bà Hoài, việc VKS không sử dụng tài liệu mà Bộ Y tế cung cấp hợp pháp; không sử dụng kết quả điều tra; không sử dụng kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ là chưa đảm bảo thực tế khách quan và đề nghị HĐXX xem xét sử dụng các tài liệu này để làm rõ bản chất sự việc.
Về chất lượng lô thuốc, theo bà Hoài, các kết quả kiểm nghiệm đều cho rằng là thuốc kém chất lượng, quy định tại khoản 23, điều 2 luật Dược 2005. Đây là văn bản pháp lý cao nhất tại thời điểm xảy ra vụ án. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ giả, nhãn mác giả kết luận là thuốc giả thì không đúng quy định.
VKS: “Thuốc giả về xuất xứ, lẫn chất lượng”
Một lần nữa, đối đáp trở lại, đại diện VKS nêu, Cục Quản lý dược khẳng định thuốc chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng, nhưng kết luận điều tra có nhiều thứ không đạt, như: màu sắc thuốc đăng ký là đỏ (trong khi nhập về hồng), có vỉ thuốc rỗng; một số hộp thuốc không đúng số lượng vỉ, nhãn mác không đầy đủ thông tin được duyệt; “tờ hướng dẫn sử dụng” và “tờ hướng dẫn sử dụng được duyệt” khác nhau về thành phần tá dược; thậm chí có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng. Từ đó, VSK kết luận đây là thuốc giả cả về xuất xứ, lẫn chất lượng.
VKS tiếp tục đặt vấn đề với Cục Quản lý dược về việc cấp phép lô thuốc từ Công ty Helix Canada nhưng khi Cục Quản lý dược cung cấp tài liệu thì lại là thuốc được sản xuất đạt tiêu chuẩn của Ấn Độ. Từ đó, VSK nêu ra hàng loạt câu hỏi: Vậy tiêu chuẩn thuốc của Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Nhà máy sản xuất thuốc Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Chất lượng thuốc sản xuất tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Giá thuốc sản xuất tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau... mà các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá thuốc để chuyển tiền ra nước ngoài, chuyển thuốc về VN và thu lợi bất chính hơn 6 tỉ đồng. Theo VKS, Cục Quản lý dược là cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân thì Bộ Y tế phải hướng dẫn nhập khẩu thuốc có chất lượng tốt để phục vụ nhân dân. Nhưng kết quả cấp phép lại là một công ty không có thật ở đất nước có nền y học hiện đại trên thế giới (Canada - PV). Bộ Y tế tìm cách né tránh trách nhiệm vấn đề này trước nhân dân. Các câu hỏi này, đề nghị Cục Quản lý dược và Bộ Y tế trả lời thì sẽ rõ hơn bản chất vụ án.
Dù nhiều lần tranh luận qua lại, nhưng các bên vẫn giữ quan điểm riêng. HĐXX yêu cầu VKS, các luật sư ngưng tranh luận và HĐXX sẽ xem xét trong giờ nghị án. Sau khi 12 bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào chiều nay (1.10).
Kiến nghị điều tra việc doanh nhân Ngô Nhật Phương có tài liệu mật
Đáng chú ý, trong phiên tòa sáng qua (30.9), VKS đề nghị tòa xem xét, kiến nghị điều tra liên quan đến việc doanh nhân Ngô Nhật Phương - người được xác định có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án - có các tài liệu mật. Theo VKS, tại tòa, ông Phương trình bày ông đã cử người giúp Hiệp hội Dược Ấn Độ nộp tài liệu đến CQĐT, chứng minh thuốc H-Capita là thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và đạt tiêu chuẩn... Từ đó, VKS cho rằng các tài liệu này phải do CQĐT thu thập nhưng ông Phương lại có. Cơ quan công tố nhận định việc này có dấu hiệu của hành vi “làm lộ bí mật nhà nước” vì để cá nhân không có thẩm quyền có thông tin mật của Bộ Y tế. Từ đó, VKS kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra làm rõ cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến văn bản mật của Bộ Y tế.
|
Bình luận (0)