Xét xử vụ án 'mua bán logo xe vua': Các bị cáo đưa hối lộ làm cán bộ bị biến chất!

04/10/2018 06:17 GMT+7

HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân khiến đội ngũ cán bộ của cơ quan nhà nước bị thoái hóa, biến chất .

Sau một ngày xét xử sơ thẩm, chiều 3.10, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới 14 năm tù và Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù cùng về tội “đưa hối lộ”; Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù về tội “môi giới hối lộ”; 7 bị cáo đồng phạm giúp sức Thới, Vân “đưa hối lộ” bị tuyên 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) đến 10 năm tù.
Đây là vụ án “mua bán logo xe vua” cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu về hàng chục tỉ đồng, do Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá vào tháng 8.2015. Vụ án còn liên quan đến 79 CSGT, TTGT bị "tố" nhận hối lộ nhưng đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
79 CSGT, TTGT “thoát” vì khai không nhận hối lộ
Theo cáo trạng, từ tháng 1.2014 - 8.2015, sau khi Vân, Thới thu được hàng chục tỉ đồng thông qua việc mua bán logo xe vua cho các tài xế, các bị cáo đã chi gần 6 tỉ đồng để đưa hối lộ cho Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) và 79 cán bộ CSGT, TTGT (bao gồm cả bị cáo Chân) trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Cụ thể, Thới tổ chức in và bán logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, thu về trên 22,7 tỉ đồng; trong đó, Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9 - 150 triệu đồng. Vân in logo chữ “xe chở hàng”, “ông mặt trời” bán cho chủ xe, thu về hơn 7,9 tỉ đồng và sử dụng 627 triệu đồng để đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT, với lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 2 năm điều tra vụ án, trong 10 bị cáo bị đưa ra xét xử thì chỉ duy nhất Nguyễn Cảnh Chân từng là CSGT, do bị cáo này thừa nhận đã "cầm" của Thới hơn 1,2 tỉ đồng (nhận qua chuyển khoản ngân hàng - PV), trong đó Chân giữ lại 300 triệu đồng tiêu xài cá nhân, còn lại đưa cấp trên nhằm bảo kê xe chở quá tải cho nhóm của Thới. Tuy nhiên, do “sếp” của Chân không thừa nhận nên bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với số tiền Thới đưa.
Đối với 79 cán bộ CSGT, TTGT liên quan, cơ quan điều tra (CQĐT) nhận định lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ được liệt kê. Qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị cáo, có những số điện thoại các bị cáo liên lạc là của CSGT, TTGT mà CQĐT đang xác minh, làm rõ. Điều đó thể hiện lời khai của các bị cáo về mối quan hệ đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là có căn cứ. Tuy nhiên, theo CQĐT, đa số các cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Dù có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh. Do đó, CQĐT chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của 79 CSGT, TTGT theo lời khai của các bị cáo.
HĐXX cũng nhận định rằng, do cáo trạng không truy tố 79 CSGT, TTGT liên quan nên HĐXX không đưa những người này tham gia tố tụng trong quá trình xét xử.
Tòa đổi khung, hình phạt nặng hơn
Qua xét hỏi, tranh luận công khai tại tòa, HĐXX nhận định ý thức chủ quan của các bị cáo muốn thực hiện hành vi bán logo cho các tài xế, thu tiền về, sau đó đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT nhằm mục đích “mua đường”, để không bị CSGT, TTGT thổi phạt khi vi phạm lỗi quá tải, nên cần xử nghiêm. Đối với các bị cáo đồng phạm của Vân và Thới, dù một số không phải là người trực tiếp tham gia thỏa thuận, đưa tiền cho CSGT, TTGT nhưng lời khai của các bị cáo này đều xác định đã bán logo và đem tiền về cho Vân, Thới; đi canh đường giúp Vân, Thới, nên các bị cáo đều biết được mục đích bán logo và hành vi đưa hối lộ của Vân, Thới.
HĐXX phân tích, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vì động cơ vụ lợi cá nhân đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động thích đáng của cơ quan nhà nước, là nguyên nhân khiến đội ngũ cán bộ của cơ quan nhà nước bị thoái hóa, biến chất…; đồng thời gây bức xúc trong quần chúng nhân dân đối với các xe chở quá tải lưu thông trên đường, là hậu quả gián tiếp của việc gây ra hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng.
Đáng chú ý, cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định số tiền mỗi lần các bị cáo đưa hối lộ cho CSGT, TTGT từ 3 triệu đồng - 150 triệu đồng để định khung hình phạt. Vì vậy, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo theo khoản 2 điều 364 bộ luật Hình sự năm 2015, hối lộ dưới 500 triệu đồng, với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù. Tuy nhiên, theo quyết định đưa ra xét xử và tại phiên tòa, HĐXX nhận định các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, liên tục, đưa hối lộ cho nhiều CSGT, TTGT, vì vậy phải xác định tổng số tiền đưa hối lộ để định khung hình phạt. Từ đó, HĐXX xét xử Thới theo khoản 4 điều 364 bộ luật Hình sự, của hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên, khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù; Vân bị xét xử ở khoản 3, của hối lộ dưới 1 tỉ đồng, với khung hình phạt từ 7 - 12 năm tù.
Bị cáo Chân cũng bị tòa chuyển khung phạt từ khoản 2 điều 365, hối lộ từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù sang khoản 4 diều 365, hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên, với khung hình phạt từ 8 - 15 năm tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.