Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Xoành xoạch thay đổi lời khai về 3 triệu USD

18/12/2019 06:18 GMT+7

Xét xử vụ MobiFone mua AVG: cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son liên tục thay đổi lời khai về 3 triệu USD nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT AVG.

Ngày làm việc thứ hai của phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án liên quan dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG diễn ra căng thẳng khi bị cáo được cho là chủ mưu cầm đầu - cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son liên tục thay đổi lời khai.

Nguyễn Bắc Son lại thay đổi lời khai, thừa nhận đã nhận hối lộ 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Ngày 17.12, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT, để làm rõ các tội danh: vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ. Bị cáo buộc với vai trò chủ mưu cầm đầu nên bị cáo này trước đó bị HĐXX cho cách ly khi thẩm vấn các bị cáo còn lại trong vụ án.

Cựu Bộ trưởng bất ngờ phản cung

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bất ngờ phản cung, phủ nhận lời khai nhận hối lộ 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Trong quá trình trả lời xét hỏi, bị cáo Son nhiều lần cho biết bản thân sức khỏe yếu, bị “lãng tai” nên đề nghị HĐXX hỏi to, rõ. Trong phiên xét xử buổi sáng, diễn biến bất ngờ nhất là bị cáo này phản cung, không thừa nhận việc đã được Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT AVG, mang 3 triệu USD đến biếu tại nhà riêng như lời khai tại cơ quan điều tra trước đó.
“Tôi không nhận được đồng nào”, bị cáo này khẳng định và cho biết trước phiên xét xử đã có đơn gửi HĐXX xin thay đổi lời khai.
“Vì sao bị cáo thay đổi lời khai”, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi. “Lúc đó, tôi muốn giữ mạng sống của mình, sức khỏe lại yếu, thần kinh hoảng loạn. Các điều tra viên dồn tôi, nói rằng quân của anh khai hết rồi nên anh phải khai ra nhận bao nhiêu tiền”, bị cáo Son đáp.
Thẩm phán Toàn truy tiếp: “Sức khỏe hoảng loạn có nghĩ ra được con số 3 triệu USD không? Sao không nghĩ ra con số 1 triệu hay 10 triệu?”. Bị cáo Son trình bày: “Không phải đầu tiên tôi khai con số 3 đâu. Lúc đó, sức khỏe tôi rất yếu. Tôi đã 2 lần ngất trên bàn làm việc của cơ quan điều tra. Lần thứ nhất, tôi ngất đi 3 ngày, lần thứ hai 1 ngày sau mới tỉnh lại. Lúc đó, cơ quan điều tra yêu cầu làm việc liên tục cho đến ngày tôi khai như vậy”.
Chủ tọa Nguyễn Xuân Thu hỏi tiếp: “Vì sao bị cáo khai chi tiết ngày, giờ, số tiền mà Phạm Nhật Vũ đến đưa cho bị cáo tiền? Kể cả mục đích sử dụng tiền này vào đâu, vẽ cả vị trí để tiền?”. “Lúc đó, sức khỏe tôi yếu và các anh điều tra viên dồn. Thần kinh không tốt lắm. Thực sự không khỏe, tòa kiểm tra lại sổ sức khỏe suốt từ tháng 2 đến tháng 6, ngày kiểm tra 2 lần. Tôi có đề nghị cho nghỉ nhưng các anh điều tra không cho nghỉ”, ông Son khai và tiếp tục khẳng định không nhận tiền biếu của Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone, và Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone.

Vì sao cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phản cung nhưng vẫn biết chỗ giấu 3 triệu USD - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Chủ tọa sau đó đã cho công bố lời khai tại tòa của các bị cáo. Theo đó, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khai đã đưa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD.
Bị cáo Lê Nam Trà khai sau khi nhận 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ đã trích 700.000 USD trong số này biếu Nguyễn Bắc Son. Bị cáo Cao Duy Hải khai trong khoản tiền 500.000 USD nhận được đã trích ra 200.000 USD biếu ông Son. HĐXX tiếp tục trích lá thư bị cáo Nguyễn Bắc Son viết gửi cho vợ con mình. Trong đó, có nội dung quan trọng: “Anh mong em và con tha lỗi cho những sai lầm của anh... Anh đã khai báo với cơ quan điều tra về việc sau khi ký hợp đồng mua bán AVG và MobiFone, Phạm Nhật Vũ đến cho anh 3 triệu USD...”.
Khi được hỏi tại tòa, các bị cáo Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều khẳng định lời khai của mình là đúng và không thay đổi. HĐXX cho gọi bị cáo Phạm Nhật Vũ (do sức khỏe đang được chăm sóc tại bệnh viện - PV) để sẵn sàng đối chất.

Bị cáo Son không nhớ đã sử dụng 3 triệu USD vào việc gì

Trong phiên xét xử buổi chiều, HĐXX cho biết lúc nghỉ trưa, bị cáo Nguyễn Bắc Son đề nghị gặp riêng để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, đây là phiên tòa công khai, nên bị cáo cứ trình bày trước tòa. Tại bục khai báo, bị cáo Son xin thay đổi lời khai vào buổi sáng và giữ lại lời khai tại cơ quan điều tra.
Ông Son thừa nhận đã nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ, nhưng không đưa cho con gái như lời khai trước đây mà chi tiêu cá nhân. Ông Son cũng thừa nhận có nhận quà biếu của ông Lê Nam Trà là 200.000 USD và ông Cao Duy Hải là 200 triệu đồng.
Bị cáo Son khẳng định, quá trình thực hiện dự án mua cổ phần AVG đã không đặt điều kiện hay gợi ý gì, số tiền 3 triệu USD là do bị cáo Vũ tự nguyện mang đến để cảm ơn sau khi hoàn thành dự án. Tuy nhiên, bị cáo cũng khai không nhớ rõ đã sử dụng số tiền này vào mục đích gì và hứa sẽ hoàn trả lại trong thời gian sớm nhất.
Khi được hỏi vì sao thay đổi lời khai, bị cáo Son đáp: “Tôi cũng không hiểu tâm trạng của mình thế nào? Tôi thấy làm sao phải bảo đảm đúng những gì đã làm, đã diễn ra”, và khẳng định dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn đủ sức để trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai mình là người bút phê vào các tờ trình của cấp dưới để đưa dự án vào dạng mật theo ý kiến tham gia của Bộ Công an. Ngoài ra, ông Son cũng ký các quyết định thành lập tổ thẩm định dự án MobiFone mua AVG và bút phê để Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký vào Quyết định 236 phê duyệt dự án đầu tư.
“Tại sao bị cáo không ký mà lại giao cho Trương Minh Tuấn không phụ trách mảng này ký”, HĐXX đặt câu hỏi. Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết: “Anh Tuấn là người được tôi giao cho ngay từ đầu chỉ đạo việc này. Phụ trách tổ thẩm định của dự án. Sau này, tôi mới nhận là sai, còn trước khi thực hiện không biết”.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận, dự án MobiFone mua AVG có giá trị lớn nên khi triển khai thuộc thẩm quyền của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo bị cáo, trong thương vụ này, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến Thủ tướng cơ bản chấp thuận nên hiểu là Thủ tướng đã đồng ý.
“Bị cáo nên nhớ vai trò của mình là bộ trưởng thì không thể nhầm lẫn những cái tối thiểu. Không thể coi thông báo là một quyết định, bị cáo hiểu điều đó không?”, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi. “Trong văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ có yếu tố pháp luật nên chúng tôi hiểu là Thủ tướng đã đồng ý”, bị cáo Son đáp.
“Bị cáo có vai trò, năng lực, nhưng tại sao ở cơ quan điều tra bị cáo khai không có quyết định của Thủ tướng là sai thẩm quyền, còn tại tòa lại khai khác. Lời khai ở đâu là đúng?”, trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Son cho biết sau này mới biết là sai còn trước đó hiểu là đúng rồi.
Lời giải thích này lập tức bị thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lại: “Ai cũng nói tôi không hiểu gì cả, nhưng ai cũng chễm chệ ngồi ở ghế bộ trưởng và chủ tịch HĐTV. Nếu không hiểu gì thì làm bộ trưởng làm gì”.
Tại phiên tòa ngày 17.12, bị cáo Son bày tỏ đã nhận thức được sai lầm của mình trong việc chỉ đạo, phê duyệt chủ trương mua AVG với tư cách là Bộ trưởng Bộ TT-TT. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng bị cáo bị truy cứu với vai trò chủ mưu trong vụ án là quá nặng.

“Chồng tôi có thể trốn đi nước ngoài nhưng đã ở lại”

Vợ tỉ phú Phạm Nhật Vũ: chúng tôi còn nợ gần 1.000 tỉ sau vụ MobiFone - AVG - Thực hiện: Thái Sơn - Anh Vũ

Trong phần xét hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna (vợ cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ) đề nghị HĐXX xem xét để cho chồng mình được hưởng sự khoan hồng đặc biệt của pháp luật.
“Chồng tôi đã nhận thức rõ những sai phạm và trước khi bị bắt giam đã về nhà động viên vợ con khắc phục không để cho nhà nước bị thiệt hại. Chúng tôi gom góp hơn 1 năm, vay mượn rất nhiều để trả lại số tiền gốc và lãi. Đến thời điểm này, chúng tôi phải mang khoản nợ gần 1.000 tỉ đồng”, bà Kolmakova trả lời HĐXX.
Cũng theo bà Kolmakova, chồng bà là người duy nhất trong lịch sử các vụ án của Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại với số tiền lớn.
“Là người vợ tôi chứng kiến sự việc khi xảy ra, chồng tôi đã đứng lại chịu trách nhiệm, không trốn tránh, không bỏ đi dù có cơ hội ở nước ngoài và dù có nhiều người khuyên như vậy. Anh Vũ tâm sự mình khắc phục, không lấy tiền của người dân và nhà nước, tôi cũng đồng ý với chồng thực hiện việc này”, bà Kolmakova kể. 

Ông Trương Minh Tuấn thừa nhận nếu không ký Quyết định 236 thì không có 200.000 USD

Trước tòa, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết nếu không ký vào Quyết định 236 phê duyệt chắc chắn dự án MobiFone mua AVG sẽ không được thực hiện. Sau khi dự án hoàn thành, bị cáo Tuấn có nhận được điện thoại của bị cáo Phạm Nhật Vũ hẹn gặp tại cơ quan, sau đó ông Vũ mang biếu một lẵng hoa và gói quà, trong đó có 200.000 USD.
Ông Tuấn phân trần, thời điểm đó sát tết, sau đại hội Đảng, ông vừa được trúng cử nên hiểu là quà chúc mừng và nhận. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận khoản tiền này có liên quan đến dự án mua AVG, nếu bị cáo không ký quyết định phê duyệt dự án thì không được ông Phạm Nhật Vũ biếu khoản tiền này. 

Kẻ nhận triệu đô, người kiếm “vài đồng mua sữa cho con”

Trước tòa, bị cáo Hoàng Duy Quang, thẩm định viên thuộc Công ty thẩm định giá AMAX, khai không có kinh nghiệm, năng lực gì trong lĩnh vực định giá doanh nghiệp, nhưng vẫn ký khống vào báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp và chứng thư thẩm định để xác định giá trị doanh nghiệp của AVG lên tới 16.500 tỉ đồng.
Trong khi trên thực tế, AVG lỗ lũy kế, giá trị tài sản chỉ còn khoảng chưa đến 2.000 tỉ đồng, nhưng được MobiFone mua với giá 8.900 tỉ đồng. MobiFone sau đó đã thanh toán cho AMAX số tiền 440 triệu đồng tiền thẩm định theo hợp đồng và bị cáo Quang được hưởng lợi 60 triệu đồng tiền hoa hồng, nộp thuế thu nhập cá nhân 6 triệu đồng, còn lại 54 triệu đồng sử dụng cá nhân.
“Do quy định của công ty khi ký khống thì được phần trăm hoa hồng, nên bị cáo ký để kiếm thêm ít tiền mua sữa cho con”, bị cáo Quang nghẹn ngào nói trước tòa. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.