67 bị cáo bị truy tố về 10 tội danh
Có 67 bị cáo bị truy tố về 10 tội danh: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong 67 bị cáo, có 15 người là cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP.HCM bị truy tố vì gây thất thoát hơn 365 tỉ đồng, gồm Phó cục trưởng Nguyễn Thị Bích Hạnh và 14 bị cáo: Phạm Minh Tuấn, Lê Hữu Thanh, Nguyễn Hòa Bình, Cao Văn Tỵ, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Thành, Hứa Quang Sơn, Trần Thị Túy Nga, Lê Thúy Hằng, Trần Bảo Thịnh, Đặng Thị Huỳnh Yến, Võ Quang Lâm, Đặng Thị Minh Châu.
Bên cạnh đó, còn có 3 bị cáo: Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.3) và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.5, cùng TP.HCM) bị Viện KSND tối cao truy tố về tội nhận hối lộ hơn 7,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có 7 cán bộ hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng.
Thủ đoạn của ‘ông trùm’ đang bỏ trốn trong vụ án Thuduc House
22 CÁN BỘ "TIẾP TAY" CHO TỘI PHẠM
Chủ mưu vụ án được xác định là Trịnh Tiến Dũng, song bị can đang bỏ trốn và cư trú tại Mỹ từ năm 2019. Bộ Công an tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 - 2020, bị can Dũng thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở VN và nước ngoài để xuất nhập khẩu hàng hóa linh kiện điện tử. Các mặt hàng nhập khẩu là chíp, RAM, SD Card, Mini PC... đều là hàng giả, đã qua sử dụng nhưng được nâng khống giá gấp nhiều lần. Việc này nhằm lợi dụng chính sách của nhà nước khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất 0%.
Nhóm của Dũng sau đó ký hợp đồng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để bán linh kiện điện tử cho Thuduc House thông qua trung gian là Công ty CP Wood Trading (Thuduc House chiếm giữ 50% vốn, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nắm giữ 8% và bà Tạ Thị Thu Hòa giữ 42%). Doanh nghiệp này sẽ ký giả cách hợp đồng xuất khẩu cho những công ty của Dũng ở nước ngoài rồi xin hoàn thuế.
Từ tháng 2.2018 - 8.2019, Wood Trading mua hàng từ 2 công ty do Dũng chỉ đạo rồi bán lại cho Thuduc House. Hàng hóa sau đó được mua bán lòng vòng qua các công ty "ma" của Dũng.
Cơ quan điều tra cáo buộc, để hợp thức hóa hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty, với giá trị hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó có 10% tiền thuế GTGT (365 tỉ đồng).
Để được hoàn thuế, Thuduc House lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP.HCM. Cựu Tổng giám đốc Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng cùng cấp phó Nguyễn Ngọc Trường Chinh ký cam kết "số liệu kê khai là đúng" và "chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai". Thuduc House sau đó được hưởng lợi gần 19 tỉ đồng (tương đương 0,6% trên tổng trị giá tiền hàng mua vào), Wood Trading hưởng lợi hơn 3,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, để xảy ra các sai phạm trên, Viện KSND tối cao xác định có sự buông lỏng của các công chức hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I (thuộc Cục Hải quan TP.HCM). Các công chức này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao nên không phát hiện 4 lô hàng trị giá hơn 8,2 tỉ đồng khai báo không trùng khớp với hàng hóa thực tế, từ đó để "bỏ lọt" tội phạm buôn lậu.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 6.6
BA CÁN BỘ THUẾ NHẬN HỐI LỘ HƠN 7,3 TỈ ĐỒNG
3 cán bộ quản lý thuế thuộc Chi cục Thuế Q.1, Q.3 và Q.5 đã nhận tiền từ bị can Lưu Thị Ngát, từ đó tạo điều kiện cho 17 công ty "ma" của bị can này bán hóa đơn GTGT cho các công ty thuộc nhóm Trịnh Tiến Dũng. Sau đó, các công ty thuộc nhóm Trịnh Tiến Dũng xuất hóa đơn GTGT cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh hợp thức đầu vào để khấu trừ thuế.
Cáo trạng xác định cựu cán bộ thuế Chi cục Thuế Q.1 Đào Thị Nga nhận hối lộ 776 triệu đồng, cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.5 Ngô Huỳnh Lũy nhận hối lộ 497 triệu đồng, cựu cán bộ thuế Chi cục Thuế Q.3 Nguyễn Phương Nam nhận hối lộ hơn 6,1 tỉ đồng.
Đối với cá nhân đưa hối lộ, do chủ động khai báo hành vi đưa tiền trước khi bị phát giác, giúp Cơ quan CSĐT làm rõ hành vi nhận hối lộ của cán bộ thuế nên người đưa hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Tự nâng khống, mua bán hàng cho nhau để vận chuyển trái phép tiền
Ngoài các hành vi trên, cáo trạng xác định Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm lập hợp đồng, chứng từ xuất nhập khẩu, vận chuyển trái phép gần 1.760 tỉ đồng. Trong đó vận chuyển từ VN ra nước ngoài hơn 1.200 tỉ đồng, vận chuyển từ nước ngoài vào VN gần 556 triệu đồng.
Các công ty trong nước của Dũng mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức hóa việc nâng khống giá trị hàng. Sau đó các công ty trong nước bán hàng hóa đã được nâng khống giá cho các công ty ở nước ngoài, hợp thức hóa việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về VN hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức hóa việc chuyển tiền trái phép từ VN ra nước ngoài.
Bình luận (0)