10 năm sau thất bại đầy cay đắng của U.23 VN tại trận chung kết bóng đá nam SEA Games 22, nhiều người vẫn chưa thể quên sự cố trọng tài đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của U.23 Thái Lan.
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 2: Cay cú là... đấm
|
Thái Lan được 'giúp đỡ'
Báo Thanh Niên khi đó đã làm một loạt bài không chỉ phê phán cách điều hành đầy thiên vị cho đội khách của tổ trọng tài (TT) ở trận chung kết này, mà còn lên án mạnh mẽ sự tắc trách của ban tổ chức (BTC) môn bóng đá nam, trong đó có vai trò không nhỏ của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF). Điều cực kỳ phi lý ở đây là tuyệt đối không có bất kỳ một ý kiến phản đối nào từ BTC trận đấu về việc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã phân công TT Salleh, người Malaysia bắt trận chung kết khi đội U.23 Malaysia vừa thua đau trước U.23 VN ở bán kết. Chưa kể, giám sát trận chung kết lại cũng là người Thái Lan - điều cấm kỵ vì đội bóng quê hương ông này đá ở trận chung kết.
Tại trận đấu cuối cùng, như một hành động “trả đũa”, TT Salleh đã từ chối pha thoát xuống hợp lệ của Đặng Thanh Phương và cho rằng anh việt vị nên không công nhận bàn thắng xứng đáng của VN.
Ông sẵn sàng rút thẻ đỏ cho Quốc Vượng, nhưng với hai lần phạm lỗi nặng tương tự của cầu thủ Phaitoon - Thái Lan (giở tiểu xảo và đánh nguội với Tài Em), trọng tài này chỉ 1 lần rút thẻ vàng. Cũng chính vì mất trụ cột, lâm vào cảnh thiếu người ở tuyến giữa, VN đã không giữ được thế trận tốt và thất bại. Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan Thavatchai Sajakul đã thừa nhận Thái Lan được “giúp đỡ” khi một cầu thủ của U.23 VN bị TT đuổi và họ chỉ còn 10 người trên sân.
Thắng thua trong bóng đá là lẽ thường nhưng sự cẩu thả, vô trách nhiệm và uy tín thấp của VFF hồi đó với AFC đã khiến giấc mơ chinh phục đỉnh cao nhất của U.23 VN tại đấu trường SEA Games tan thành mây khói. Một việc làm chính đáng (và bắt buộc phải thế) của BTC trận đấu - VFF là khi thấy phân công vô lý của AFC, phải lên tiếng kịp thời để công tác TT được đảm bảo vô tư nhất, công bằng nhất. Thậm chí tờ Kompas của Indonesia đã nhận định: “Các cầu thủ U.23 VN sẽ không ra sân với trạng thái tâm lý tốt nhất khi biết cầm còi là TT người Malaysia”.
Các anh trong BTC dở lắm !
Thời điểm đó, mỗi ngày chúng tôi nghe hàng chục cú điện thoại từ bạn đọc cũng như nhiều người hâm mộ gửi thư về tòa soạn thể hiện sự bức bối và chua xót. Báo Thanh Niên đã ghi nhận vô vàn ý kiến phản đối của giới TT trong nước, của những chuyên gia bóng đá có uy tín về vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Mùi - nguyên Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia - đã chỉ trích BTC SEA Games 22 thiếu linh hoạt và không lường trước được tình huống bất hợp lý trong bố trí giám sát và TT trận chung kết, từ đó đặt mình vào thế khó. Ông Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng đoàn bóng đá SLNA hồi đó - cũng bức xúc: “Tôi thật sự bần thần về trận thua của U.23 VN vì nếu quan sát kỹ, TT đã không công bằng. Tôi đã nói thẳng với các anh có trách nhiệm trong BTC là các anh dở lắm. Đâu có chuyện VN mới loại Malaysia mà lại để TT người Malaysia thổi cũng như Thái đá với mình mà giám sát TT lại là người Thái. Chúng ta chỉ cần TT thổi công bằng, mà muốn thế phải là TT trung gian. Ta có quyền yêu cầu TT trung gian người Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng BTC đã không làm hoặc không thể làm”.
Thời gian đó, cựu TT Vương Cường đến tận tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội để bày tỏ chính kiến của mình. Ông phân tích rất thấu đáo: “Không chỉ ở chung kết mà trận đầu tiên giữa VN với Thái Lan cũng do TT Salleh bắt. Nhiều tình huống, Thái Lan đáng bị thẻ vàng nhưng đều được cho qua. Ví dụ, tình huống 2 hậu vệ Thái Lan cản rất thô bạo pha tấn công nhanh của Văn Quyến ở khu vực 16 m 50 nhưng không bị thẻ vàng. Nhưng ở một pha tương tự, Thong Lao cũng bị phạm lỗi ở khu 16 m 50 thì VN bị thẻ vàng dẫn đến quả phạt gỡ hòa ở phút 80. Cuối trận, Quyến tiếp tục bị đè, bị đối thủ dùng giày đạp nhưng cầu thủ Thái vẫn không bị phạt. Nếu nhạy cảm và trách nhiệm cao thì BTC và VFF phải tỏ thái độ khác khi biết ông Salleh bắt trận cuối. Tôi không thể hiểu nổi tại sao BTC lại không có ý kiến gì về giám sát TT người Thái. Tôi thử hỏi VFF nếu ở giải trong nước, liệu VFF có cử giám sát là người của Thể Công khi Thể Công đá với Cảng Sài Gòn hay không? Tôi không thể dùng lời nào để kết luận việc này. VFF cực kỳ tắc trách, vô trách nhiệm”.
Bức xúc vì sự việc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Nguyễn Danh Thái khi đó đã yêu cầu VFF và môn bóng đá SEA Games 22 làm tường trình về việc tại sao TT Malaysia và giám sát TT Thái Lan được làm ở trận chung kết. VFF cần phải báo cáo rõ quyền hạn của BTC môn bóng đá nam trong toàn bộ sự việc. Có phải BTC không hay biết sự sắp xếp của AFC, hay không lường trước được các diễn biến để rồi tự đặt mình vào thế buộc phải chấp nhận? Có phải đây là sự nhún nhường vì một nguyên nhân khác, bất chấp quyền lợi của bóng đá VN?
Lan Phương
>> Đoàn thể thao Việt Nam khu vực phía nam xuất quân dự SEA Games 2013
>> SEA Games 2013: Chủ nhà Myanmar tin vào những con số may mắn
>> U.23 Singapore mất chân sút số 1 ở SEA Games 2013
>> HLV Hoàng Văn Phúc vẫn chờ Hoàng Thịnh cho SEA Games 2013
Bình luận (0)