Trưởng đoàn và Ban huấn luyện môn bóng bàn VN tại kỳ SEA Games lần thứ 24 năm 2007 đã phải dùng đến quyết định chẳng đặng đừng này để phản đối cách trọng tài bắt quá thiên vị ở các trận bán kết đồng đội nam.
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 8: Cơn ác mộng của Riedl
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 7: Pha 'rùng mình' của bóng đá nữ
Trưởng đoàn, Ban huấn luyện và các tuyển thủ bóng bàn VN phản đối Ban tổ chức |
Cũng vì chiếc HCB
Số là ở trận quyết đấu tranh chấp ngôi đầu bảng B ở nội dung đồng đội nam giữa tuyển bóng bàn VN và Indonesia diễn ra ngày 4.12.2007, đội nào thắng sẽ tránh gặp đối thủ mạnh nhất là Singapore ở trận bán kết, và có cơ hội đoạt HCB. Bởi vì ở kỳ SEA Games này, bóng bàn Singapore không có đối thủ. Bằng chứng là họ đã đoạt trọn bộ HCV ở tất cả nội dung thi đấu (7 nội dung) lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games.
Tuy vậy, dù xác định không thể cạnh tranh với Singapore, nhưng nếu đoạt HCB thì cũng đã là thành công lớn đối với bóng bàn VN và Indonesia. Tuy nhiên, trớ trêu là đội chủ nhà Thái Lan (nằm ở bảng A cùng với Singapore và dĩ nhiên phải xếp vị trí thứ 2) dù thực lực kém VN và Indonesia, nhưng cũng có tham vọng đoạt HCB đồng đội nam. Mặc dù vậy, Thái Lan ngại gặp đội VN hơn thay vì Indonesia ở trận bán kết, bởi các lần gặp trước đội Thái Lan luôn thua VN một khoảng cách khá xa. Vì thế, chủ nhà Thái Lan đã tìm mọi cách gây ức chế các tuyển thủ VN trong trận đấu với Indonesia với mục đích chính là phải làm sao tuyển bóng bàn VN thua trận và xếp nhì bảng để gặp Singapore. Trong khi họ sẽ gặp Indonesia dễ thở hơn.
Toan tính như thế, nên không lạ gì khi thấy Ban tổ chức (BTC) môn bóng bàn Thái Lan xếp toàn các trọng tài người Thái ra bắt trận quyết định giữa VN - Indonesia. Nhận thấy “âm mưu” của nước chủ nhà, HLV trưởng Lê Xuân Phong của tuyển bóng bàn VN khi đó đã nhắc đi nhắc lại các tuyển thủ phải thi đấu hết sức cẩn trọng và tránh để mắc sai sót, vì nếu chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng sẽ bị trọng tài bắt lỗi. Tuy vậy, ông Lê Xuân Phong cũng hy vọng là nếu có bị bắt ép, thì nếu các tuyển thủ VN chơi tốt vẫn có nhiều hy vọng chiến thắng vì Indonesia chỉ có một tay vợt chủ lực là Hussein có trình độ hơn các tay vợt VN, còn lại thì đều thua kém.
“Trời ơi, lại lỗi giao bóng”
Thế nhưng, không ngờ sự thể bắt ép của các trọng tài Thái Lan lại quá mức đến thế. Ở trận đầu, nếu như tay vợt Đoàn Kiến Quốc của VN không có trình độ hơn hẳn tay vợt số 2 của Indonesia là Mardiyono thì cũng khó mà thắng với tỷ số 3-2. Mặc dù vậy, cũng vì Kiến Quốc thắng, nên ở trận thứ 2 tay vợt Tuấn Quỳnh gặp ĐKVĐ SEA Games khi đó là Hussein của Indonesia, đã phải chịu cực khổ với ông trọng tài Sutip Pramitasil.
Thêm nữa, cũng là do Tuấn Quỳnh bất ngờ chơi như lên đồng thắng set đầu 11-9.
Chính vì vậy, nhận thấy nguy cơ đội VN có thể tạo cách biệt và dễ dàng thắng trận, ông trọng tài Sutip đã “hành” Tuấn Quỳnh bằng cách bắt lỗi giao bóng từ set thứ 2.
Trước đó, các tay vợt VN rất ít bị mắc lỗi này. Nên sau khi bị bắt lỗi 1 lần, rồi 2 lần cũng không tránh khỏi bị áp lực và có tranh cãi đôi chút. Nhưng rồi cứ liên tục bị bắt lỗi một cách có hệ thống từ set này qua set khác khiến Quỳnh nổi quạu thật sự.
Anh nhiều lần dừng trận đấu đến gần ông trọng tài Sutip để phân trần, thậm chí còn thử làm động tác giao bóng như thế nào để ông trọng tài này chấp nhận là đúng quy định…
Chưa kể, Quỳnh còn chạy lên tận khán đài VIP phản ảnh với ông Trưởng ban Trọng tài môn bóng bàn Niwat Semangern, và thực hành lại động tác giao bóng để ông này kiểm định là đúng hay sai. Sau khi được chấp nhận, Quỳnh trở lại thi đấu. Ấy vậy mà, ông Sutip vẫn tiếp tục bắt lỗi giao bóng. Trận này, cuối cùng Quỳnh phải chấp nhận thua ngược một cách cay đắng 2-3.
Nhiều khán giả VN có mặt ở Nhà thi đấu Klang Plaza hôm đó đã liên tục thốt lên: “Trời ơi, lại lỗi giao bóng!”. Không chỉ có khán giả VN, mà nhiều CĐV người Thái cũng cảm thấy xấu hổ thay cho vị trọng tài đồng hương của mình, bởi vì cách điều hành trận đấu cứ y như trò hề. Trước tình cảnh quá sức chịu đựng, Ban huấn luyện và Trưởng đoàn Bóng bàn VN, ông Phạm Đức Thành phản đối và đề nghị BTC phải thay ngay trọng tài khác.
Trước sự quyết liệt của phía VN, BTC đành phải thay trọng tài ở 2 trận kế. Nhưng khi 2 đội hòa 2-2, đến trận quyết định thứ 5 giữa Tuấn Quỳnh gặp Mardiyono thật bất ngờ khi ông trọng tài Sutip trở lại bắt chính. Phía VN dĩ nhiên phản đối kịch liệt cách hành xử kỳ lạ của BTC, thậm chí dọa rằng nếu không thay trọng tài khác thì các tay vợt VN không thi đấu nữa.
BTC đành đổi trọng tài... cũng người Thái là Wirath Sathum thay ông Sutip. Nhưng với các tay vợt VN, dù sao đó cũng là một chiến thắng về tinh thần, nhờ vậy Tuấn Quỳnh vượt qua rào cản tâm lý đã chơi thăng hoa thắng Mardiyono 3-0 để đưa đội VN đứng đầu bảng một cách oanh liệt. Tuy sau đó, ở trận bán kết VN bất ngờ để thua Thái Lan và mất chiếc HCB, nhưng với chiến thắng tinh thần sau sự kiện bị trọng tài ép trắng trợn của môn bóng bàn đã lan truyền nhanh là nguồn khích lệ lớn cho các môn khác vốn cũng luôn bị trọng tài ép đủ điều.
>> Rafael Nadal hủy trận đấu từ thiện vì tái chấn thương
>> Trọng tài quyền Anh Olympic 2012 bị tố cáo thiên vị
>> Sevilla cho rằng trọng tài thiên vị Barca
Bình luận (0)