Xích lô, bàn thờ vào Top 18 trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe

09/07/2019 11:31 GMT+7

Sau 2 tháng khởi động và bình chọn, Top 18 trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019 chính thức lộ diện. Trong đó có 5 bài thi do khán giả bình chọn và 13 bài do ban giám khảo lựa chọn.

Ban giám khảo của cuộc thi gồm nhà thiết kế Thuận Việt, nhà thiết kế Linh San, Hoa hậu H'Hen Niê và Á hậu Lệ Hằng đã có buổi hội ý, làm việc để lựa chọn những bài thi tốt nhất. Bám sát các tiêu chí về tính thẩm mỹ, sự độc đáo, sáng tạo cũng như yếu tố khả thi khi thực hiện và hiệu ứng trình diễn trên sân khấu, các giám khảo đã thống nhất lựa chọn ra 13 bản vẽ bước vào phần thi thuyết trình. Kết quả này hoàn toàn độc lập với 5 bài thi được người hâm mộ bình chọn nhiều nhất vòng online. 
Đại diện ban giám khảo cho biết vì có nhiều bài thi đạt chất lượng, được đầu tư về ý tưởng và tiệm cận với tiêu chí của Miss Universe nên họ quyết định nâng số bài lựa chọn lên 13 thay vì 10 bài như dự định ban đầu. Ban tổ chức đánh giá Top 18 năm nay phong phú về ý tưởng, không chỉ về ẩm thực, phương tiện giao thông, văn hóa cổ truyền... mà còn sử dụng nhiều chất liệu từ truyền thống dân tộc như Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh... và tạo hiệu ứng trình diễn trên sân khấu.
Điểm mới trong cuộc thi năm nay là sự xuất hiện của các mentor sẽ đồng hành và hỗ trợ xuyên suốt thí sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm là Ngô Mạnh Mạnh Đông, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Minh Công. Với kinh nghiệm trong việc thiết kế cho các đại diện đi thi quốc tế, cũng như hiểu được yêu cầu của một sản phẩm, sự đồng hành của bộ ba nhà thiết kế sẽ góp phần hỗ trợ các tác giả trong việc hoàn thành trang phục để Hoàng Thùy mang đến Miss Universe 2019. Vòng thi thuyết trình của Top 18 dự kiến diễn ra ngày 23.7 tại TP.HCM.

Thiết kế Xe xích lô của Nguyễn Quốc Việt lấy ý tưởng từ một phương tiện giao thông. Bản vẽ được đánh giá cao bởi sự độc đáo, sáng tạo

Ảnh: BTC

Lấy ý tưởng từ câu chuyện Thánh Gióng, thiết kế của Trương Kiều Vi được khen ngợi bởi độ hoành tráng

Ảnh: BTC

Bộ thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh con cò, gần gũi và quen thuộc, hiền lành và chịu khó, gắn bó với dân cày. Theo tác giả, hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng đến dáng vẻ của người phụ nữ Việt với nét dịu hiền, chịu thương, chịu khó. Thiết kế còn được đánh giá cao về khả năng tạo hiệu ứng trên sân khấu

Ảnh: BTC

Thiết kế Mùa gặt của Đinh Thiên Phú lấy ý tưởng từ cây lúa nước

Ảnh: BTC

Trang phục Vùng đất chín rồng lấy cảm hứng từ sông Mê kông. Dòng sông đã mang lại sự trù phú cho miền đất Nam bộ. Trang phục lấy màu vàng kim làm chủ đạo, là màu của sự vĩnh hằng và thịnh vượng như những gì hàng năm dòng sông đã bồi đắp, vun vén cho thiên nhiên và con người nơi đây

Ảnh: BTC

Thiết kế Vũ điệu trên sông Hàn của tác giả Đặng Mỹ Linh

Ảnh: BTC

Thiết kế Cà phê phin sữa đá khiến người xem thích thú bởi độ sáng tạo và hiệu ứng khi trình diễn. Theo tác giả, cà phê phin là hình thức pha chế bình dân và đại chúng của Việt Nam. Thức uống này được chấp nhận bởi nhiều lứa tuổi, giới tính… và từ lâu đã thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế

Ảnh: BTC

Thiết kế Nữ chiến binh Bahnar củA Y Lum gây bất ngờ cho người xem. Theo tác giả, việc khai thác hình ảnh những chiến binh trong lễ hội truyền thống đưa vào bộ trang phục dân tộc nhằm thể hiện sự tự do, mạnh mẽ của người phụ nữ đồng thời nêu cao tinh thần truyền thống đoàn kết dân tộc vốn có của người dân Việt Nam

Ảnh: BTC

Bản vẽ Thuần Việt của Nguyễn Thành Trung được thực hiện với ý tưởng mang áo dài đến quốc tế. Tác giả khéo léo kết hợp với hoa sen và đàn bầu để thể hiện nét văn hóa nước nhà

Ảnh: BTC

Thiết kế Chợ nổi được lấy ý tưởng từ chợ nổi Cái Răng, hình ảnh người phụ nữ miền Tây sông nước chèo xuồng chở nông sản cùng với tiếng hò reo đặc trưng. Tác phẩm thể hiện sự thẩm mỹ thông qua chiếc áo bà ba được đưa vào cùng với hình ảnh chiếc xuồng chở hoa quả trái cây

Ảnh: BTC

Thiết kế Cánh diều vàng của Ngô Chí Tây biểu tượng cho sự vươn mình ra thế giới của Việt Nam

Ảnh: BTC

 

Bộ trang phục Xề u xế u được lấy cảm hứng từ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Thiết kế chia làm 2 phần: phần bodysuit bên trong với hình ảnh chính là cặp mặt nạ mang hai nét mặt buồn-vui được đặt ở trọng tâm. Phần kết cấu sau lưng sử dụng hình ảnh của hai loại đàn là đàn tranh và đàn bầu tượng trưng cho sự gắn kết bền chặt giữa con người Việt Nam và nghệ thuật đờn ca dân tộc

Ảnh: BTC

Nguyễn An Dương lấy ý tưởng từ bộ môn múa rối nước. Bên cạnh giới thiệu loại hình nghệ thuật dân gian, bộ trang phục còn thể hiện được màu sắc mỹ thuật của dân tộc, kiến trúc đình làng, chất liệu và kỹ thuật thêu thùa đính kết truyền thống

Ảnh: BTC

Sơn Tinh Thủy Tinh của Lương Đức Minh dẫn đầu vòng bình chọn online. Thiết kế được kỳ vọng sẽ giúp Hoàng Thùy tỏa sáng trên đấu trường quốc tế nhờ độ hoành tráng và ý nghĩa

Ảnh: BTC

Dù vướng nhiều tranh cãi nhưng Bàn thờ vẫn vào Top 18 nhờ bình chọn của khán giả. Song không ít người cho rằng thiết kế phản cảm, không phù hợp để dự thi quốc tế

Ảnh: BTC

Ngọc Phương Đông lấy ý tưởng từ hình ảnh cây lúa nước. Điểm nhấn của mẫu thiết kế này là phần khung phía sau với hình tượng chim lạc được đặt hướng đầu lên trên mang ý nghĩa tinh hoa Việt Nam phát triển và hội nhập cùng thế giới

Ảnh: BTC

Hoa sen của Vũ Hương Giang vẫn nhận được sự đón nhận của người hâm mộ. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ hình tượng quốc hoa của dân tộc, khai thác vẻ đẹp người phụ nữ Việt như trong sáng, bình dị, đức hạnh… Những yếu tố dân tộc được thể hiện rõ nét qua các chi tiết nón đội đầu, mấn, yếm, áo dài…

Ảnh: BTC

Bản vẽ lấy cảm hứng từ nhà nước Văn Lang của Đỗ Thị Thu Vân giữ vị trí thứ 5 vòng bình chọn. Thiết kế là sự kết hợp của hình ảnh Vua Hùng và hình ảnh chiến binh tay cầm vũ khí xông pha, bảo vệ bờ cõi. Phần mũ đội được thiết kế theo mũ đội của Vua Hùng. Về phần trang phục có thiết kế cổ áo dài truyền thống và mặt trống đồng to được đeo ở phía sau

Ảnh: BTC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.