'Xin cảm ơn, má Chi...'

06/01/2023 07:17 GMT+7

Có một bác sĩ mà nhiều thế hệ cha mẹ nuôi con theo phương pháp Kangaroo cũng như các em bé từng được nuôi theo phương pháp này nay đã trưởng thành vẫn gọi là “má Chi, ngoại Chi”.

“Má lặng lẽ làm vì các con và những bà mẹ đang tuyệt vọng. Bước vô, chúng tôi gọi bác sĩ (BS), ra viện kêu “má Chi”. Cứ như vậy gần 30 năm qua, má có hàng ngàn đứa con Kangaroo ở khắp nơi”, bà Trần Thị Hiếu Hạnh, Trưởng nhóm cha mẹ chăm sóc con theo phương pháp Kangaroo (KMC) ở TP.HCM, chia sẻ.

“Má Chi, ngoại Chi” là ai mà được trao gửi thật nhiều ân tình đến thế?

Niềm tin không giới hạn

Năm 1996, tỷ lệ trẻ tử vong do sinh non, suy dinh dưỡng tại VN luôn nằm trong tốp đầu các nước đang phát triển. BS Lương Kim Chi (lúc đó đang công tác tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ, TP.HCM) đau đáu với nỗi đau của những bà mẹ phải lìa con ngay khi bé chào đời vì các bệnh lý sinh non. Nhận được lời mời, BS Chi cùng một nữ hộ sinh ở BV Từ Dũ đã đi học về phương pháp nuôi con Kangaroo tại Colombia.

Thăm khám các sản phụ sinh non tại Khoa Sơ sinh, BV TWG Long An

BS Chi nay 64 tuổi, đã nghỉ hưu được 5 năm. Từ năm 2019, BS Chi được mời làm Trưởng khoa Sơ sinh thuộc BV TWG Long An (TP.Tân An, tỉnh Long An). “Ở tuổi này, tôi không cần tiền bạc hay danh vọng gì nữa. Tôi về Long An, trực ở viện từ thứ hai đến thứ bảy mới về nhà ở Sài Gòn. Bởi tại đây, tôi lại được tiếp sức cho những bà mẹ và các em bé đang chống chọi với tử thần”, BS Chi bộc bạch.

Chúng tôi tò mò về vị BS đã về hưu vì sao có thể chiếm trọn những ân tình của bao thế hệ người bệnh? Một ngày giữa tháng 12.2022, sau nhiều lần lỡ hẹn vì BS Chi luôn bận rộn từ 7 giờ sáng đến sau 4 giờ chiều, chúng tôi mới được gặp bà ở Khoa Sơ sinh, BV TWG Long An. BS Chi cũng mới trở về từ một hội thảo trẻ sinh non ở Tây Ban Nha. Bà nhớ lại cảm giác lâng lâng sau chuyến đi trình bày chương trình Kangaroo mà bà theo đuổi suốt 26 năm qua: “Lúc đầu các vị giáo sư, tiến sĩ y khoa đâu có quan tâm gì tới tôi, vì mình ở nước nhỏ quá mà. Nhưng sau khi nghe bài trình bày của tôi thì mấy vị ấy đứng dậy vỗ tay quá trời. Họ không ngờ ở một nước đang phát triển như mình mà lại điều trị giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tốt đến vậy”.

T.L, một cô công nhân mới 19 tuổi, ở Bình Dương, luôn xem BS Chi là người thân vì bác đã cứu cả mẹ lẫn con cô cách đây vài tháng. Khi thấy bụng to lên, T.L nghĩ do mới sinh xong nên bị xổ người. Cho đến một ngày, cô bị đau gò bụng dữ dội phải đi khám thì BS nói đã mang thai hơn 6 tháng. Dù cố gắng giữ nhưng T.L đã sinh bé vào tuần 26, bé chỉ nặng 800 gr. “Khi trạm xá đưa bé lên BV TWG Long An hồi sức thì được ngoại Chi điều trị và đặt tên con là Thiện Hiếu. Thấy con èo uột quá, tụi em lại kiếm sống chật vật và đang nuôi bé lớn 10 tháng tuổi nên hai vợ chồng nghĩ dại bỏ trốn. Ngoại Chi đã tìm tụi em và thuyết phục nuôi con. Cũng nhờ ngoại Chi đi quyên góp và ban giám đốc BV hỗ trợ thêm một phần, nên giờ bé mới được vầy”, T.L vừa nói vừa khóc khi kể lại hành trình gian nan làm mẹ lần 2.

Đến nay, bé con của T.L đã được gần 9 tháng, nặng hơn 8 kg. T.L vẫn tranh thủ lúc ngoại Chi rảnh việc để gọi hỏi thăm và được nghe ngoại động viên như ngày mới vào viện. BS Chi luôn dặn các bà mẹ: “Đã là niềm tin thì không được giới hạn. Chỉ cần con tin thì con sẽ vượt qua ải gian nan này”.

BS Chi thăm khám các em bé sơ sinh tới sau 16 tháng

Ngọc Dương

Mẹ là chiếc lồng ấp hoàn hảo nhất

Bệnh nhân của BS Chi tại BV TWG Long An toàn những ca “độc, lạ”. Chúng tôi theo chân bác tới thăm chị Bùi Thị Út (32 tuổi, quê ở H.Cần Giuộc, tỉnh Long An) vừa sinh con ở tuần 28 thai kỳ. Chị Út đang ấp bé trai chỉ 1,2 kg và ráng nặn sữa cho con bú. Chị mới trải qua cơn ác mộng tại nhà vào tuần trước. Hôm đó, vào nửa đêm, chị bị đau bụng dữ dội. Gia đình gọi taxi đưa Út vào BV nhưng ngay trên taxi, chị đã sinh bé trai. May mắn là cả hai mẹ con an toàn, bé được mẹ ấp ngay 30 phút sau sinh tại BV.

“Chưa bao giờ mình sợ thế, đây là đứa con thứ 2 của mình. Đứa đầu sinh đủ tháng, đủ cân. Còn bé này chỉ 1,2 kg. May có ngoại Chi mà hai mẹ con ổn rồi. Giờ bé đã cai được ô xy áp lực cao, chỉ thi thoảng mới thở ô xy nhẹ. Ngoại Chi nói qua tuần là con có thể tự thở không cần máy nữa”, chị Út khoe.

Má lặng lẽ làm vì các con và những bà mẹ đang tuyệt vọng. Bước vô, chúng tôi gọi bác sĩ, ra viện kêu “má Chi”. Cứ như vậy gần 30 năm qua, má có hàng ngàn đứa con Kangaroo ở khắp nơi.

Bà Trần Thị Hiếu Hạnh, Trưởng nhóm cha mẹ chăm sóc con theo phương pháp Kangaroo (KMC) ở TP.HCM

Những trường hợp như chị Út trong hai năm BS Chi về BV ở Long An không hiếm. Từ ngờ vực, dần dà các BS, nữ hộ sinh ở đây đã tin vào “chiếc lồng ấp hoàn hảo nhất” chính là người mẹ của các em bé. Vì vậy, 3 chiếc lồng ấp hiện đại của BV này vẫn đắp chiếu mà không được sử dụng. BS Chi chia sẻ: “Ở BV này, 100% không cách ly mẹ và con sau sinh. Ca 700 gr năm 2020 tôi điều trị, ngay khi chào đời cũng nằm trên người mẹ luôn sau sinh, không rời”.

BS Chi cho biết thêm: Chiếc lồng kính cơ học có tác dụng giữ ấm, cách ly bé này với bé kia để tránh nhiễm trùng và dễ quan sát bé. Mỗi bé phải được nằm 1 lồng ấp, nhưng khi quá tải lại ghép 2 - 3 bé/lồng. Lúc này, nó không đủ nhiệt độ cho từng bé, giảm chức năng chống nhiễm khuẩn, việc quan sát bé cũng khó khăn hơn. Hơn nữa, cách ly là bé không có sữa mẹ. Dù các BV có ngân hàng sữa mẹ nhưng bệnh nhân vẫn phải trả gần 1,3 triệu đồng/lít sữa cho phí thanh trùng sữa. Chưa kể, tuy sữa mẹ phù hợp về giống loài nhưng trẻ sơ sinh cần sữa non của mẹ hơn. Trẻ bú sữa mẹ sau sinh 3 - 4 tháng thì chắc chắn không bằng sữa non. Mặt khác, phí nằm lồng ấp trung bình mỗi ngày khoảng gần 1 triệu đồng/bé. Đó là gánh nặng lớn bên cạnh tâm lý người mẹ đang sợ hãi.

BS Chi vừa đón một bệnh nhi lạ mà quen vào khoa. Đó là bé Moon, 13 tháng tuổi. Moon cũng là cái tên mà BS Chi đặt cho bé khi em sinh thiếu tháng tại BV TWG Long An với cân nặng chỉ 800 gr. Moon còn bị nhiễm một loại siêu vi trong bào thai gây thiếu máu. Đến đợt truyền máu thứ 2 thì Moon bị sốt viêm màng não, gia đình đưa em lên tuyến trên. “Lên một BV nhi tại TP.HCM, bé bị cách ly nên mẹ em mất sữa. Moon chỉ được ăn dịch truyền. Bé phải nằm viện gần 4 tháng, qua 2 BV để trị viêm màng não. Khi về, Moon bị móp hẳn một bên đầu do nằm quá lâu trong viện không được trở mình”, BS Chi nói.

BS Lương Kim Chi và mẹ Moon đang mát xa trị liệu cho bé

Chị Đặng Thị Mộng Tuyền (23 tuổi), mẹ của Moon, nhớ lại: “Ngoại Chi đặt tên con là Moon, mong con sẽ sáng như trăng rằm. Moon giỏi lắm, mẹ ấp được 1 tuần là cai ô xy hoàn toàn trong khi ở tuổi thai của bé nếu thở máy phải mất cả tháng. Chỉ không may con bị viêm màng não”. Hiện tại, chị Tuyền cho Moon đến BS Chi để mát xa trị liệu với hy vọng đầu bé tròn lại. Mẹ của bé dù mất sữa suốt 4 tháng khi Moon đi trị bệnh ở TP.HCM nhưng đã cố gắng vắt sữa và giờ thì lại cho con bú mẹ hoàn toàn.

Hiện nay mẹ Moon cũng trở thành một tư vấn viên tình nguyện cho các bà mẹ Kangaroo ở Long An, như cách đây gần 20 năm BS Chi từng gầy dựng nhóm các bà mẹ như vậy ở BV Từ Dũ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.