Xin cầu cũ về làm... cầu mới, có 'chậm chân'?

30/03/2023 18:35 GMT+7

Trong lúc cơ quan chức năng đang giải quyết tờ trình của UBND H.Buôn Đôn (Đắk Lắk) xin các dầm cầu cũ sắp bị dỡ bỏ để về làm cầu dân sinh trên địa bàn thì một đơn vị thi công đường đã vội phá bỏ cầu.

Mới đây, tỉnh Đắk Lắk triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 1 có chiều dài hơn 52 km, với tổng mức đầu tư 1.053 tỉ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn T.Ư). Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Sau khi tuyến tỉnh lộ 1 (đoạn qua H.Buôn Đôn, Đắk Lắk) được thi công và có chủ trương phá bỏ 7 cây cầu cũ, thay thế bằng các cầu mới, vào cuối tháng 2.2023, UBND xã Ea Bar và Ea Nuôl (H.Buôn Đôn), đã có tờ trình gửi UBND H.Buôn Đôn, đề nghị cấp huyện báo cáo đến UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở GT-VT hỗ trợ các dầm cầu cũ được tháo dỡ trên tuyến tỉnh lộ 1 cho 2 xã nêu trên để xây dựng 6 chiếc cầu dân sinh trên địa bàn.

Thiếu cầu dân sinh

Ngày 8.3 vừa qua, UBND H.Buôn Đôn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở GT-VT, Sở Tài chính tỉnh này xem xét đề nghị trên của UBND xã Ea Bar và Ea Nuôl.

Theo UBND H.Buôn Đôn, trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều cầu dân sinh, nhiều cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn cần phải được sửa chữa, thay thế hoặc xây dựng mới để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xin cầu cũ về làm... cầu mới, có "chậm chân"? - Ảnh 1.

Chiếc cầu tại Km7 trên tỉnh lộ 1 đang bị phá bỏ.

HOÀNG BÌNH

UBND H.Buôn Đôn nhận định, số dầm cầu cũ được thay thế và thu hồi trên tỉnh lộ 1 còn tốt, có thể sử dụng để xây dựng các cầu dân sinh trên địa bàn. "UBND H.Buôn Đôn kính đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở GT-VT và các cơ quan có liên quan xem xét hỗ trợ cho huyện số dầm cầu được tháo dỡ từ các cầu cũ để huyện tận dụng khi xây dựng các cầu dân sinh trên địa bàn", trích tờ trình của UBND H.Buôn Đôn.

Ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, cho biết trên địa bàn xã đang thiếu nhiều cầu dân sinh, đặc biệt là việc thiếu cầu qua suối Ea Piết (buôn Ko Đung), khiến nhiều hộ dân phải đi đường vòng, tốn kém thời gian, bất tiện trong sản xuất. "Xã đề xuất xin dầm cầu cũ để về xây dựng mới hoặc tu sửa lại 3 cây cầu trên địa bàn. Nếu được chấp nhận sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời cũng tiết kiệm được một khoản kinh phí", ông Tấn nói.

Xin cầu cũ về làm... cầu mới, có "chậm chân"? - Ảnh 2.

Cầu tại Km11 trên tỉnh lộ 1 bị phá bỏ hoàn toàn.

HOÀNG BÌNH

Theo ông Y Dhin Êban, trú buôn Ko Đung (xã Ea Nuôl), do chưa có cầu bắc qua suối Ea Piết nên vào mùa mưa, người dân trong phải đi vòng hơn 10 km để đến rẫy, rất tốn thời gian. Nếu có cầu qua suối Ea Piết thì người dân chỉ phải đi khoảng 3 - 4 km là đến rẫy, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức.

Đã đập nát cầu cũ

Mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo, giao Sở GT-VT tỉnh này chủ trì, phối  hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý đề nghị của UBND H.Buôn Đôn.

Hiện Sở GT-VT Đắk Lắk đang mời các bên đến làm việc, kiểm tra hiện trường đồng thời rà soát chủng loại số lượng cấu kiện cầu cũ được thu hồi để có phương án xử lý phù hợp.

Ông Lê Văn Nuôi, Phó chủ tịch UBND H.Buôn Đôn cho rằng, sau khi có đề xuất của huyện, các bên liên quan đang tiến hành kiểm tra, thẩm định lại chất lượng các cầu. Nếu cầu nào đủ điều kiện thì sẽ cho tận dụng lại, cầu nào không đủ tiêu chuẩn thì phải bỏ.

Xin cầu cũ về làm... cầu mới, có "chậm chân"? - Ảnh 3.

Nhiều kết cấu của cầu cũ bị đập nát, không thể tái sử dụng

HOÀNG BÌNH

Trong khi các bên đang xúc tiến các công việc để xử lý tờ trình của UBND H.Buôn Đôn thì một số cây cầu cũ trên tỉnh lộ 1 đã được đập bỏ. PV Thanh Niên ghi nhận vào chiều 29.3, cầu số 3 (Km11, giáp giữa xã Tân Hòa và xã Ea Nuôl) đã bị phá bỏ hoàn toàn; cầu số 2 (Km7, xã Ea Nuôl) đã được đào bỏ lớp dầm bê tông trên mặt cầu, để trơ sắt thép.

Theo ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở GT-VT Đắk Lắk, tờ trình của UBND H.Buôn Đôn là chính đáng, hiện Sở đang xúc tiến các công việc liên quan để xử lý. Về việc đơn vị thi công đập bỏ 2 cây cầu nêu trên, ông Trà khẳng định không phải đập bỏ mà đang tháo dỡ. "Người ta làm đường thì phải dỡ cầu. Tài sản sau khi tháo dỡ cầu vẫn còn đó, sẽ có bàn giao, giao nhận đầy đủ. Chúng tôi phải làm theo quy trình và phải xin ý kiến của UBND tỉnh, không phải một vài ngày là xử lý ngay được", ông Trà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.