'Xin cho chúng em ở lại'

19/09/2018 04:34 GMT+7

Nghị quyết 76 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường.

Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện nghị quyết này hôm 17.9 vừa qua, cả báo cáo của Chính phủ lẫn cơ quan thẩm tra đều khẳng định, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Trong đó, bức tranh giảm nghèo đang tồn tại “nghịch lý” khi nhiều hộ, nhiều xã, huyện không muốn thoát nghèo, thậm chí còn “phấn đấu” để trở thành hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đồng bằng, điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lại có số hộ tái nghèo và số hộ nghèo mới phát sinh nhiều hơn những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn hơn rất nhiều.
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17.9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung đã thừa nhận vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách giảm nghèo khi không chỉ người dân mà cả chủ tịch xã cũng có người gửi con mình đi làm con nuôi để nhận tiền hộ nghèo. “Thậm chí, có những huyện đã thoát nghèo rồi nhưng cán bộ huyện vẫn loay hoay xuống “xin cho chúng em ở lại” để được hưởng cơ chế huyện nghèo”.
Xin được nghèo để tiếp tục được hưởng cơ chế, trợ cấp là biểu hiện rõ nhất của thứ tâm lý ỷ lại, trục lợi chính sách trong giảm nghèo. Tệ hơn, đó không chỉ là nhận thức của một bộ phận người dân mà còn là nhận thức của một bộ phận không nhỏ những lãnh đạo chính quyền tại các địa phương.
Thực tế, vấn đề trục lợi chính sách giảm nghèo đã được nói tới từ lâu song cho tới nay gần như vẫn chưa có cơ chế hay biện pháp để chấm dứt tình trạng này và người ta vẫn chấp nhận nó như một sự hiển nhiên. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã phải thốt lên: Không ở nơi nào mà người nghèo lại trở thành một vinh dự khi nhận được những ưu đãi, ưu tiên của nhà nước, được lãnh đạo tới thăm, mời lên sân khấu để trao quà như ở VN.
Có lẽ, chính sự “tôn vinh” người nghèo và quan trọng hơn là chính sách giảm nghèo dựa chủ yếu vào những ưu tiên về chính sách và ngân sách là nguồn cơn sinh ra trạng thái tâm lý ỷ lại, “không muốn thoát nghèo” và tệ trục lợi chính sách giảm nghèo của một bộ phận người dân và cán bộ các địa phương.
Vì vậy, để đạt được các mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững thì cuối cùng vẫn phải quay trở lại câu chuyện “con cá” hay “cần câu”. Và quan trọng hơn, phải làm sao để những cán bộ địa phương nhận thức được rằng, trong những hình thái của trục lợi chính sách thì trục lợi chính sách giảm nghèo là điều đáng xấu hổ nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.