'Xin cứu lấy Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội'

10/04/2024 15:55 GMT+7

Đây là lời khẩn cầu của nhiều nhà đầu tư Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khi nói về tình trạng khủng hoảng quản trị nghiêm trọng của trường kéo dài đã nhiều năm nay.

Nhiều năm qua, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) vướng những vụ việc lùm xùm về đầu tư, về đào tạo, về học thuật… Nhưng còn một bê bối khác mà trường vướng phải từ năm 2017 đến nay, đó là tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về tư pháp, hành pháp, về nội bộ nhà trường. 

Bộ GD-ĐT đã có nhiều cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường cũng như nhóm các nhà đầu tư của trường, nhưng đến nay vẫn bế tắc. Hệ quả của cuộc khủng hoảng này là rất lớn, thậm chí có nguy cơ trường bị giải thể, nếu như các nhà đầu tư không tìm được giải pháp để giải quyết.

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từng có nhiều đóng góp trong đổi mới giáo dục đại học

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từng có nhiều đóng góp trong đổi mới giáo dục đại học

HUBT

4 năm hoạt động không có hội đồng trường 

Mới đây, Báo Thanh Niên nhận được đơn tố cáo của ông Lại Việt Hùng, Trưởng ban liên lạc Các nhà đầu tư HUBT, đại diện cho số cổ đông có tổng số góp vốn trên 40% của trường. Đơn tố cáo của ông Lại Việt Hùng bao gồm nhiều nội dung, trong đó có việc các nhà đầu tư bất lực nhìn khối tài sản giá trị cả nghìn tỉ đồng của mình có dấu hiệu bị thao túng.

Ông Hùng cho biết, theo yêu cầu của luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, HUBT cũng như tất cả các cơ sở giáo dục đại học khác trên cả nước phải thành lập hội đồng trường. Tháng 6.2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định chuyển HUBT từ loại hình dân lập sang tư thục. Điều này càng đòi hỏi các nhà đầu tư phải khẩn trương tổ chức hội nghị để bầu hội đồng trường (là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan tại trường đại học). Chỉ sau khi có hội đồng trường, nhà trường mới có hiệu trưởng (vì chỉ có hội đồng trường mới có thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng).

Tuy nhiên, hơn 4 năm nay, HUBT hoạt động trong tình trạng không có hội đồng trường. Việc điều hành các hoạt động hàng ngày của nhà trường được thực hiện bởi một ban giám hiệu có từ nhiệm kỳ hội đồng quản trị trước đó (khi trường còn hoạt động theo loại hình dân lập). Lãnh đạo ban giám hiệu là GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng HUBT, người đã gần 100 tuổi và theo xác nhận của một số nhà đầu tư, ông đã không còn đủ sức khỏe trực tiếp điều hành các hoạt động của nhà trường từ nhiều năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một nhà đầu tư khác là TS Nguyễn Kim Sơn (nguyên trợ lý hiệu trưởng, nguyên Chánh Văn phòng HUBT) cho rằng HUBT đang trong tình trạng không có thủ lĩnh, như một dàn nhạc không có nhạc trưởng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của gần 900 cổ đông (mà phần lớn họ là cán bộ, giảng viên, người lao động đang trực tiếp làm việc tại HUBT), của người học, ảnh hưởng tới sự phát triển của trường.

"HUBT đã có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước trong thời kỳ sau đổi mới, đặc biệt là trong đổi mới giáo dục đại học. Trường là minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vì vậy xin Bộ GD-ĐT và các cơ quan hãy cứu lấy trường", TS Sơn khẩn thiết đề nghị.

Vì đâu nên nỗi?

Theo TS Nguyễn Kim Sơn, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển HUBT sang loại hình tư thục, ban giám hiệu đương nhiệm đã có động thái tìm cách trì hoãn việc thành lập hội đồng trường. Bằng chứng là nhà trường nhận được quyết định của Thủ tướng ngày 7.6.2019 nhưng đã ỉm đi. Gần một năm sau thì sự việc bị bại lộ, ban giám hiệu mới đưa ra thông báo và thảo luận trong cuộc họp hội đồng quản trị ngày 9.5.2020.

Phải mất gần 5 tháng tranh cãi, thảo luận, các nhà đầu tư mới tổ chức được hội nghị trù bị nhà đầu tư (19, 20.10.2020), thông qua được những nội dung cơ bản để chuẩn bị hội nghị bầu hội đồng trường. Dự kiến hội nghị này sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11.2020.

GS Trần Phương (người thứ hai từ trái sang) tại nhà riêng, đang ngồi nghe đoàn tổ chức hội nghị trù bị các nhà đầu tư HUBT báo cáo, tháng 10.2020

GS Trần Phương (người thứ hai từ trái sang) tại nhà riêng, đang ngồi nghe đoàn tổ chức hội nghị trù bị các nhà đầu tư HUBT báo cáo, tháng 10.2020

NKS

Ngày 24.10.2020, đoàn chủ tịch và thư ký hội nghị trù bị nhà đầu tư đã đến nhà GS Trần Phương để báo cáo kết quả hội nghị. "Lúc đó GS Trần Phương còn tỉnh táo. Ông tỏ ra rất vui với kết quả hội nghị trù bị, nhất trí với việc tổ chức hội nghị chính thức sẽ diễn ra sau đó chục ngày. Thế nhưng đùng một cái, ngày 26.10.2020, có người đưa công văn có chữ ký của GS Trần Phương vào trường, nội dung công văn là tạm dừng hội nghị chính thức các nhà đầu tư", TS Sơn nhớ lại.

Sau đó, một số nhóm khác nhau thể hiện "âm mưu" tổ chức hội nghị nhà đầu tư để bầu hội đồng trường. Nhưng các hội nghị này được các nhóm nhà đầu tư khác cho là được chuẩn bị theo các cách thức bất hợp pháp, hoặc hội nghị được tổ chức bởi cá nhân không đủ tư cách triệu tập hội nghị. Vì thế mà các hội nghị này đều bị bãi bỏ kết quả, hoặc không tổ chức được.

Một mình một kiểu

Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, HUBT được thành lập từ tháng 6.1996, vốn dĩ là một trường dân lập, với nền tảng tài chính được huy động từ nhiều cổ đông. Hiệu trưởng đầu tiên của trường, và cho đến nay (trên giấy tờ) là GS Trần Phương. Một thời gian ngắn sau khi thành lập trường, GS Trần Phương giữ thêm chức chủ tịch hội đồng quản trị (kiêm hiệu trưởng).

Giai đoạn HUBT mới thành lập, quản lý giáo dục đại học của nhà nước đang ở thời kỳ chuyển đổi. Trường đại học dân lập là một loại hình mới mẻ nên các quy định pháp luật liên quan tới mô hình này còn lỏng lẻo. Về sau, hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện nhằm đưa hoạt động của các trường ngoài công lập vào quy củ.

Tuy nhiên, mặc cho các quy định của nhà nước, HUBT vẫn tồn tại và hoạt động theo cách "một mình một kiểu". Tiêu biểu là từ hàng chục năm nay GS Trần Phương vẫn giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng dù theo quy định thì GS Trần Phương không còn đủ tiêu chuẩn.

Cụ thể, năm 2000 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 86/2000/QĐ-TTg ban hành quy chế trường đại học dân lập, trong đó quy định về độ tuổi của chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng. Theo đó, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng phải không được quá 70 tuổi vào thời điểm được đề cử vào các vị trí này. Ngoài ra, một cá nhân không được phép giữ chức hiệu trưởng trường đại học dân lập quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Trong điều lệ trường đại học mà Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành năm 2014 thì độ tuổi của hiệu trưởng trường đại học tư thục được nới ra, nhưng cũng không được quá 75 tuổi đối với nam và 70 tuổi với nữ. Thực hiện luật Giáo dục ban hành năm 2005 thì HUBT thuộc loại hình tư thục (dù năm 2019 trường mới chấp hành yêu cầu chuyển sang loại hình này).

Như vậy, cho dù với quy định nào, GS Trần Phương cũng đều không đủ tiêu chuẩn điều kiện để làm hiệu trưởng HUBT.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.