Xin đừng chậm trễ nữa

09/08/2022 21:58 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa đến ngày 15.8 - thời điểm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động hết thời hạn nộp hồ sơ, song hiện mới chỉ có 1,2 triệu người lao động (tức gần 1/3 đối tượng thụ hưởng chính sách) được phê duyệt hồ sơ.

Một chính sách tưởng như rất đơn giản về mặt thủ tục hành chính: người lao động chỉ cần làm đơn đề nghị theo mẫu và có xác nhận của chủ nhà trọ để gửi doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị để gửi bảo hiểm xã hội, UBND cấp huyện, sau 11 ngày tiền sẽ đến tay người lao động mà không phải nộp thêm bất kỳ giấy tờ gì. Thế nhưng, đã hơn 4 tháng trôi qua, gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng với dự kiến có 3,4 triệu lao động được thụ hưởng, lại “ì ạch” giải ngân.

Có lẽ chưa một chính sách nào, Chính phủ phải 4 lần ra công điện đôn đốc, chỉ đạo, nhắc nhở, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động. Bộ LĐ-TB-XH cũng đã lập tới 6 đoàn công tác để đôn đốc các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc hỗ trợ đúng thời hạn trong tháng 8.

Thế nhưng, tính đến 3.8, mới chỉ có 51 tỉnh, thành phê duyệt hồ sơ của 17.300 doanh nghiệp, với 1,2 triệu lao động. Tỷ lệ lao động được hỗ trợ thuê trọ chỉ đạt 5,4%, tăng hơn 4% so với đầu tháng 7. Quá “sốt ruột”, mới đây, Tổng LĐLĐ VN cũng đã ra công văn chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà. Đại diện phía người lao động cho rằng, trên địa bàn cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất; nơi tập trung đông công nhân lao động, tuy nhiên tiến độ hỗ trợ tiền nhà trọ tại nhiều địa phương còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở, hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.

Một trong những lý do trước đây được các địa phương đưa ra, đó là không có kinh phí thực hiện. Căn cứ nhu cầu của các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết cấp 100% kinh phí, song tiến độ chậm vẫn hoàn chậm. Trừ 2 địa phương (Lai Châu, Điện Biên) không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ, vẫn còn 29 tỉnh, thành chưa giải ngân cho người lao động. Cá biệt, một số địa phương có số lượng đối tượng thụ hưởng dự kiến lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như: Quảng Ninh; Hải Phòng, Bắc Ninh; Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang…

Có nhiều nguyên nhân được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, song bất kể lý do gì cũng không thể thờ ơ, vô cảm trước sự khó khăn của hàng triệu lao động.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với một chính sách nhân văn, việc cần làm ngay là các cấp ủy, chính quyền phải tăng tốc tháo gỡ khó khăn, kịp thời điều chỉnh, bỏ những thủ tục rườm rà, để tiền hỗ trợ đến tay người lao động sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.