Vượt gần 70 km từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) chúng tôi theo quốc lộ 14 về thôn 1, xã Bình Minh (huyện Bù Đăng), địa danh của một vùng đất mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng cho ra đời bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
|
Gặp chúng tôi, ông Điểu Lên (già làng thôn 1, xã Bình Minh), kể: "Tôi sinh năm 1945 tại cái “bon” này. Người S’tiêng gọi thôn là “bon” và được nhạc sĩ Xuân Hồng đổi thành “sóc” - như cách gọi của người dân tộc Khơme để cho thuận lời bài hát. Năm 1963, vì không chịu nổi chính sách “dồn dân lập ấp” của Mỹ - ngụy, tôi cùng người dân của sóc Bom Bo một lòng theo cách mạng. Trong chuyến đi thực tế để sáng tác, nhạc sĩ Xuân Hồng đã ở tại đây và cho ra đời bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo từ khoảng năm 1965-1967".
Một đêm ở lại với già làng Điểu Lên, chúng tôi nghe ông thổ lộ, điều ông và dân làng trăn trở nhất lúc này không phải có được sức khỏe hay phú quý mà chỉ mong làm sao giữ lại cái tên sóc Bom Bo như ngày trước.
Bởi theo vị già làng, sau ngày giải phóng, ông cùng toàn dân sóc Bom Bo trở về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh sống và qua thời gian, sóc Bom Bo ngày nào đã bị đổi thành thôn 1, xã Bình Minh. "Người dân chúng tôi đã bị tước mất cái tên Bom Bo của mình. Chính quyền có đặt tên xã Bom Bo, nhưng cách ranh giới chúng tôi sinh sống khoảng 10 km, điều này không đúng thực tế” - già làng Điểu Lên bộc bạch.
Ông Điểu Giá (Phó chủ tịch UBND H.Bù Đăng) cho rằng việc người dân sóc Bom Bo đòi lại tên là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc phân chia địa giới do Chính phủ quyết định nên địa phương không thể làm khác. “Sắp tới khi xây dựng xong Bảo tàng Dân tộc S’tiêng tại thôn 1 và thôn 2 xã Bình Minh, chúng tôi sẽ đặt bảng hiệu giới thiệu cho khách thập phương hiểu rõ hơn về lịch sử của sóc Bom Bo, để mọi người luôn nhớ về quá khứ hào hùng của một địa danh cùng bài hát đã đi vào lòng mỗi người Việt Nam” - ông Điểu Giá cho biết thêm.
Xuân Bình
Bình luận (0)