Xin hãy thôi co cụm!

12/01/2022 04:32 GMT+7

Suốt một tuần qua, người dân ở TP.Hải Dương nói riêng và dư luận cả nước nói chung xôn xao vì một quyết định lạ lùng của chính quyền nơi này.

Cụ thể, kể từ 0 giờ ngày 4.1, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm RT-PCR của khách hàng (có thời hạn trong 72 giờ), kết quả âm tính mới được vào ăn uống.

Như vậy, để được bán một tô phở 30.000 đồng, chủ hộ kinh doanh phải chi khoảng 65.000 - 120.000 đồng/thực khách cho việc mua kit test, chưa kể chi phí thuê nhân viên thực hiện việc test nhanh cho khách.

Còn về phần thực khách, việc phải “ngoáy mũi” rồi chờ khoảng 30 phút để có kết quả xét nghiệm xong mới được vào ăn uống là điều không dễ chịu chút nào và hẳn nhiên những ai có ý định vào quán để ăn uống đều phải chùn lòng.

Được biết, dịch vụ ăn uống của địa phương này đã và đang “chết lâm sàng” vì phải đóng cửa trong suốt một thời gian dài. Người dân Hải Dương đang khát khao từng ngày được mở cửa buôn bán trở lại để mưu sinh. Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh mới của chính quyền dù đã cho phép cửa hàng ăn uống được mở cửa trở lại, bán tại chỗ nhưng lại yêu cầu test nhanh thực khách thì khác gì… đánh đố người dân? Tưởng cho mở đấy nhưng thực ra là vẫn đóng.

Đáng chú ý, quy định trên được thực hiện theo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, ban hành ngày 30.12.2021, trong bối cảnh tỉnh này đang là vùng xanh, tức là vùng bình thường mới với nguy cơ thấp về dịch bệnh.

Tuy nhiên, thay vì tận dụng lợi thế của vùng xanh, áp dụng triệt để các biện pháp “thích ứng linh hoạt, an toàn” theo tinh thần của Nghị quyết 128 để tranh thủ từng bước khôi phục lại kinh tế như một số tỉnh, thành đang làm thì tỉnh này lại đưa ra những quyết sách “tưởng mở mà khép” như trên.

Trên thực tế, không riêng gì ở Hải Dương, tư duy khép kín, co cụm đang hiện diện trong quan điểm chỉ đạo, điều hành chống dịch của không ít địa phương.

Hải Phòng, vị hàng xóm ngay sát bên Hải Dương, thậm chí còn chủ động nâng hẳn cấp độ dịch lên mức cao nhất với lý giải là “cảnh báo để người dân không lơ là, chủ quan”. Người dân có hết lơ là, chủ quan không thì chưa rõ, nhưng với việc “xung phong” thành vùng đỏ, trước mắt Hải Phòng đang tự “ngắt kết nối” với các địa phương khác trong cả nước khi nhiều tỉnh hiện cũng đã chủ động dừng vận chuyển khách đến Hải Phòng. Chưa kể, việc trở thành vùng đỏ cũng khiến người dân thành phố này gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh vì trót mang cái tiếng “dân vùng dịch”.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với chủ đề điều hành năm là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Trải qua 2 năm dịch bệnh liên miên, người dân và doanh nghiệp đã và đang bị tổn thương rất nhiều. Hơn bao giờ hết, người dân đang mong mỏi chính quyền các địa phương thấm nhuần tinh thần trên để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thay vì co cụm lại một cách thụ động bằng những quy định khép kín chỉ để hạn chế các hoạt động của người dân thì hãy chuyển hướng sang thế chủ động phòng dịch, như tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; đầu tư cho trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19 và phủ rộng tiêm vắc xin mũi tăng cường; song song đó là việc nới rộng các hoạt động liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội - dân sinh trong bối cảnh bình thường mới.

Phải luôn xác định rằng, trong bối cảnh này, nếu cứ co cụm để chống dịch một cách duy ý chí, chúng ta sẽ tự cô lập và làm suy yếu chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.