Đã một thời, chúng ta rất xem thường quá khứ, coi nhẹ môn lịch sử.
Khi tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) năm 1987, tôi đã phát hoảng vì Đông Đức gần như phớt lờ lịch sử của cha ông. Trong khi Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức – nay là nước Đức thống nhất) dạy lịch sử rất căn cơ.
Việt Nam kịp thay đổi nhiều thứ, trong đó có việc nhìn nhận lại lịch sử cha ông, để thích ứng nên không chỉ đứng vững mà còn phát triển đến ngày nay.
Tuy vậy, dấu vết của tư duy xem thường lịch sử vẫn tồn tại trong các hoạt động du lịch. Từ việc thiếu đầu tư cho các bảo tàng, tùy tiện làm mới di tích đến việc lạm dụng tâm linh, nhố nhăng lễ hội. Nguy hại hơn cả là việc cho du khách thuê áo làm vua, chụp hình để khoe khoang, tự sướng.
Tôi không chịu đựng nổi cánh mấy ông Tây ba lô “quần soọc áo thun ba lỗ” xúng xính trong quần áo đại quan của các “Phụ mẫu chi dân” (“Quan chi phụ mẫu”) vênh vang bên những bàn tiệc thừa mứa. Nhân viên ngành du lịch thì trang phục truyền thống trang trọng phục vụ. Việt Nam chưa giàu nhưng không thể đưa cha ông ra để kinh doanh hạ sách như vậy. Tiền thu chẳng được bao nhiêu mà di hại khôn lường.
Trên thế giới chỉ Trung Quốc và Việt Nam có kiểu kinh doanh bôi bác tổ tiên như vậy. Không biết ai bắt chước ai.
Những du khách có lòng tự trọng, họ cũng không bao giờ tham gia vào những hành vi kém văn hóa kiểu đó. Hoàng cung và bảo tàng nhiều nước, đa phần cấm du khách chụp ảnh vì sợ đèn flash làm hỏng vật dụng. Ở điện Elysee (Pháp), khách không được dừng lại vì hơi thở của khách có thể tác hại tới hiện vật.
Bình luận (0)