Xin lỗi giếng làng!

10/09/2015 11:10 GMT+7

Giếng làng Thanh Phước (xã Hương Phong, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) được xem như di tích đặc biệt của làng, được cả làng gìn giữ hàng trăm năm nay.

Giếng làng Thanh Phước (xã Hương Phong, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) được xem như di tích đặc biệt của làng, được cả làng gìn giữ hàng trăm năm nay.

Xin lỗi giếng làng!Giếng làng Thanh Phước nằm ngay đầu làng, được dân làng gìn giữ với nhiều điều lệ khắt khe - Ảnh: Tuyết Khoa
Niềm tự hào của làng - giếng làng Thanh Phước nằm ngay đầu làng, phía sau điện thờ ngài khai canh. Giếng có hình vuông, rộng chừng 2.500 m2 , sâu chừng 4-5 m. Ở giữa giếng, một cù lao nhỏ nổi lên cây cối xanh tươi.
Nhiều người cho rằng, với hình dạng đó, phải gọi đây là hồ nước mới phù hợp. Song, hàng trăm năm nay dân làng vẫn gọi với cái tên gắn liền hồn quê là giếng làng Thanh Phước. Giếng không chỉ có hai cái bến với những tầng cấp phủ đầy rêu phong mà còn có cây cổ thụ và am thờ trang nghiêm bên cạnh.
Theo cụ Phan Văn Lệ, 83 tuổi, Trưởng làng Thanh Phước, không rõ cụ thể giếng có từ bao giờ nhưng có làng là có giếng. Làng Thanh Phước có lịch sử gần 500 năm.
Ngày xưa, khi chưa có đập Thảo Long ngăn nước mặn, sông quanh vùng đều bị nhiễm mặn, nhất là từ tháng 3 - 8 âm lịch. Trong khi giếng chỉ cách sông Sình chưa tới 50 m nhưng nước rất ngon ngọt, trong veo quanh năm.
Từ xưa, dù dân làng Thanh Phước hay các làng khác đến giếng lấy nước đều phải tuân thủ những quy định đó. Vì thế, đến nay, dù làng không còn dùng nước giếng để uống nhưng giếng vẫn như xưa 
Ông Phan Đồng (thành viên Ban điều hành làng Thanh Phước
Đặc biệt, nước chưa bao giờ cạn dù có nhiều năm khô hạn kéo dài. Giếng, sông, ao, hồ quanh vùng khô cằn thì giếng làng Thanh Phước vẫn trong và đầy.
Cũng theo cụ Lệ, ngày trước, không chỉ người làng mà người các làng quanh vùng như Thủy Tú, Triều Sơn, An Thành, Tây Thành, Bao Vinh… cũng đến lấy nước. Trong ký ức của dân làng, giếng làng là niềm tự hào bao đời.
“Tôi còn nhớ mãi cảnh người dân các xóm gọi nhau í ới đi gánh nước vào sáng sớm và chiều tối. Nhất là mấy o, lúc nào cũng đi vài ba o, nhiều khi gánh cả năm bảy lượt gánh nhưng vẫn cười đùa, nói chuyện vui vẻ với nhau. Người làng khác cũng sang gánh nước. Làng Thanh Phước luôn sẵn sàng. Bởi, giếng làng múc bao nhiêu cũng không vơi”, cụ Lệ nhớ lại.
Giờ đây khi hệ thống nước sạch đã có, chiếc giếng không còn đóng vai trò cung cấp nước uống cho làng như trước. Nhưng với dân làng Thanh Phước, chiếc giếng vẫn hiện hữu và trở thành di tích của làng. Giếng vẫn được gìn giữ với nhiều quy định khắt khe như lệ làng đã đặt.
“Lệ giếng” Ông Phan Đồng (83 tuổi), thành viên Ban điều hành làng Thanh Phước cho biết: “Hiếm có làng nào có chiếc giếng đặc biệt như làng này. Từ xưa, dù dân làng Thanh Phước hay các làng khác đến giếng lấy nước đều phải tuân thủ những quy định đó. Vì thế, đến nay, dù làng không còn dùng nước giếng để uống nhưng giếng vẫn như xưa”.
Theo ông Đồng, giếng làng tuy có hai bến nước nhưng chỉ dành cho người dân xuống gánh nước và nghiêm cấm việc tắm rửa, giặt áo quần hay vui chơi, xả rác bừa bãi... Đặc biệt, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt không được đến giếng gánh nước.
Tương truyền, thời xưa, có một lần giếng nước đỏ ngầu. Cả làng hoang mang nghĩ có điềm không lành. Dân làng không có nước sạch để uống. Sau, làng tìm hiểu và kết luận nguyên nhân do một phụ nữ trong làng đến kỳ kinh nguyệt nhưng lại đến giếng gánh nước. Từ đó về sau, con gái trong làng từ nhỏ đã được ba mẹ căn dặn cẩn thận.
Trong làng, hầu như chẳng ai vi phạm điều này, ai vi phạm phải xin lỗi làng và “xin lỗi giếng”. Việc “xin lỗi giếng” được người vi phạm đưa lễ vật đến giếng thắp hương, cầu nguyện xin tha thứ.
Lễ vật thường cau trầu, bánh trái hay hoa quả. Với dân làng Thanh Phước, giếng làng là chốn linh thiêng. Hàng trăm năm nay, đến ngày rằm hay cuối tháng, dân làng vẫn có hương đèn, bánh ở am thờ của giếng.
Theo ông Phan Xanh (69 tuổi), nhà nằm bên cạnh giếng, dân làng này vẫn còn truyền miệng câu chuyện về người lính Pháp chết ở giếng làng do tắm. Dân làng cho rằng, giếng làng là chốn thiêng, không được mạo phạm. Đợt đó, người dân cả làng phải làm lễ, làm vệ sinh giếng để nước lại xanh, sạch và thần linh không nổi giận.
“Câu chuyện thực hư như thế nào không rõ. Nhưng nó vẫn như lời răn để cảnh báo hậu bối. Không phải ai thích làm gì thì làm, luôn được cả làng gìn giữ trong sạch. Bởi đây là nguồn nước uống duy nhất của làng. Có lẽ vì vai trò quan trọng ấy nên tổ tiên rất nghiêm khắc trong việc bảo vệ, giữ gìn giếng”, ông Xanh nói.
Hằng năm, mỗi lần làng tổ chức cúng tế, giếng làng cũng được đặt vật lễ trang trọng. Làng luôn cất cử người quét dọn vệ sinh giếng thường xuyên. Dân làng có thể ra chơi hóng mát nhưng nghiêm cấm xả rác, phóng uế... Riêng cuối năm, thanh niên và nông dân trong làng sẽ ra quân làm vệ sinh, nạo vét bùn và chỉnh trang lại cây cối để giếng luôn trong xanh dù nguồn nước đã không còn dùng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.