Xin lỗi là tốt nhưng đừng lạm dụng!

20/10/2020 19:47 GMT+7

Khi làm sai, xin lỗi là điều tốt, nhưng nếu bạn lạm dụng lời xin lỗi, không chịu sửa sai sẽ khiến người khác khó chịu.

Lời xin lỗi rất cần!

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), cho biết lời xin lỗi rất cần trong cuộc sống, nhất là những khi phạm lỗi sai. Thế nhưng có một thực tế là vẫn có những người họ lạm dụng lời xin lỗi quá nhiều, xin lỗi liên tục mà không chịu thay đổi những điều sai của bản thân.
"Thay vì hướng bản thân thay đổi theo chiều hướng tích cực, thì có một số người trẻ không thực hiện. Chỉ mặc kệ, có sai thì... xin lỗi", bà Thương nói.
Tự nhận mình là người trong cuộc của vấn đề này, L.P.A, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết bản thân hay dùng từ xin lỗi. "Nhất là mỗi khi vi phạm nội quy của trường, khiến lớp bị khiển trách, mình đã xin lỗi lớp cũng như giáo viên chủ nhiệm. Hay khi bị điểm kém, thì mình hay xin lỗi ba", P.A kể.
Nhưng điều đáng nói ở đây là theo lời P.A thì nhiều lần P.A phải xin lỗi cả lớp. Cũng như khoảng hai, ba ngày, cô gái này phải xin lỗi ba vì kết quả học tập sa sút.
Trường hợp khác, L.T.Q, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết người được cô xin lỗi nhiều nhất là mẹ. "Mẹ có những nội quy trong gia đình, mỗi lần mình vi phạm thì xin lỗi mẹ". Hỏi Q., có khi nào vì một lỗi vi phạm mà xin lỗi lặp đi lặp lại nhiều lần? Nữ sinh này thú thật là 'có'".
Không những học sinh, sinh viên, kể cả những người trẻ đi làm cũng thừa nhận hay nói lời xin lỗi. Anh Trương Hữu Tín, đang làm ở một công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), kể lại trong nửa đầu tháng 10 đã viết tường trình 4 lần vì đi trễ. Tín không ngần ngại kể thêm: "Lần nào tường trình cũng xin lỗi sếp".

Đừng thiếu trách nhiệm với lời xin lỗi

Theo bà Thương, lời xin lỗi thể hiện thành tâm trong các cuộc giao tiếp, nó khiến cho cả người nói lời xin lỗi và người nhận lời xin lỗi cảm thấy được tôn trọng và nhẹ nhàng hơn khi trò chuyện.
Trong trường hợp làm sai thì nhất định phải nói lời xin lỗi, như khi làm người khác bị tổn thương, đến sai giờ hẹn, làm vỡ món đồ của người khác, quên mất một cuộc hẹn… Tất cả những điều đó cần nói lời xin lỗi để chứng tỏ là người văn minh, biết trước biết sau trong các cuộc nói chuyện và hợp tác.

Nếu làm sai, người trẻ cần xin lỗi và sửa sai

Shutterstock

Tuy nhiên, bà Thương cho rằng việc lạm dụng quá nhiều lời xin lỗi sẽ khiến người khác khó chịu, ít tin tưởng và lời xin lỗi sẽ phản tác dụng.
"Nếu cứ thuận miệng nói lời xin lỗi mà không nhận ra được lỗi sai của bản thân và từ đó sửa sai thì người nghe sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng và không còn sự thật tâm ở trong đó nữa", bà Thương phân tích.
Chuyên gia tâm lý này cũng nói thêm, lời xin lỗi thực sự có giá trị khi người xin lỗi nhận thức được họ đã làm sai, đã làm cho người khác bị tổn thương và không muốn lặp lại lỗi lầm thêm một lần nào nữa. "Chứ nếu nói lời xin lỗi hôm nay mà ngày mai vẫn tái diễn điều sai thì không thể chấp nhận được. Hôm nay đi học muộn, đã xin lỗi, đã hứa... mà mai vẫn vậy thì cần nghiêm túc xem xét lại hành vi của bản thân, vì điều đó có thể làm cho người khác không còn tin tưởng bạn và những lời xin lỗi vô tình làm người khác cảm thấy khó chịu", bà Thương khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.