Xin nghỉ học để đi thực tập

31/01/2015 04:54 GMT+7

Một lá đơn xin nghỉ học tạm thời 6 tháng để đi thực tập của một sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận được những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, nhiều sinh viên cũng đang có lựa chọn này.

Một lá đơn xin nghỉ học tạm thời 6 tháng để đi thực tập của một sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận được những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, nhiều sinh viên cũng đang có lựa chọn này.
 Sinh viên được hướng dẫn thực tập tại một ngân hàng ở TP. HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 Sinh viên được hướng dẫn thực tập tại một ngân hàng ở TP. HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Muốn va chạm thực tế
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên (SV) N.N.T (khóa 27 ngành tài chính) gửi lá đơn này vào ngày 31.12, sau khi được tham vấn kỹ lưỡng. T. xin đi thực tập tại một ngân hàng nước ngoài.
Trên Facebook, một SV nhận xét: “Đánh đổi lớn quá rồi. Thực tập xong mà không có bằng thì cũng như không thôi”. Đồng ý kiến, một SV khác cho biết: “Theo cá nhân mình thì có thể bạn ấy nghĩ rằng sẽ được rèn luyện nhiều trong thời gian thực tập và tạo lập những kinh nghiệm về ngành học trước khi ra trường. Nhưng thời gian như thế là lâu quá. Cần phải đắn đo lại!”. Thậm chí, có người còn khẳng định quyết định này là sai lầm.
Nhưng T. có lý do của mình. Chia sẻ về chuyện này, T. cho biết vì cơ hội vào làm tại ngân hàng này rất khó nên khi xin được vào thực tập, T. quyết định nắm bắt cơ hội ngay. Tuy nhiên, đợt thực tập này của trường dành cho SV chỉ kéo dài 3 tháng, trong khi yêu cầu bắt buộc của ngân hàng là 6 tháng. Cơ hội lớn khiến T. quyết định viết đơn xin nghỉ học. Thậm chí, T. không chỉ bị trễ 3 tháng học mà chậm hơn các bạn cùng lớp đến một năm. Lý do là trong thời gian này, các bạn cùng lớp đang học các môn thay thế tốt nghiệp. Nếu không học lúc này, T. phải học lại khóa sau.
“Khi em kể chuyện này cho các bạn, có một số bạn ủng hộ nhưng đa phần đều nói là cảm thấy tiếc cho em. Nhưng em không hề thấy lo lắng hay hối hận về quyết định này của mình. Em muốn va chạm thực tế, xem thử môi trường làm việc thật sự là như thế nào. Chứ trước đây em chỉ biết qua sách vở. Nhiều bạn thực tập ở một số nơi chỉ đi làm 2 - 3 buổi/tuần, làm những việc lặt vặt, không hề được làm việc thật sự. Làm ở đây để biết mình cần phải phấn đấu những gì, cần làm những gì khi ra trường. Bởi thế, ra trường trễ một năm không có gì quan trọng”.
T. cho biết đã đi thực tập có lương được 2 tháng và thấy rất thích thú vì được tiếp xúc khách hàng nhiều. Với T., làm việc tại đây vẫn luôn là một cơ hội lớn.
Nên cân nhắc kỹ
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, việc này hoàn toàn chấp nhận được vì quy chế của Bộ GD-ĐT có quy định việc xin bảo lưu kết quả học tập và nghỉ học tạm thời. Quy định chia ra 2 dạng. Một là bảo lưu bắt buộc với các trường hợp như đi nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ với trường (thi olympic, thi đấu thể thao quốc tế…) hoặc nghỉ do bệnh tật. Dạng bảo lưu này không tính vào thời gian đào tạo của SV. Dạng bảo lưu vì lý do cá nhân, phải bắt buộc tính vào thời gian đào tạo. Trường hợp này được bảo lưu 2 lần, mỗi lần 6 tháng trong quá trình học.
Trước tới nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng có không ít SV xin nghỉ học để đi thực tập. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, số SV thất bại cũng không ít. Nhiều doanh nghiệp đang chọn cách tuyển thực tập, cộng tác viên trẻ, có trình độ cao nhưng trả lương thấp và không cần lo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Trong khi đó rất khó có cơ hội để được vào làm chính thức ở những nơi này. Nhiều SV sau khi thực tập thời gian dài lại hối hận vì ra trường trễ hơn các bạn trong khi bản thân cũng không có cơ hội làm việc ở doanh nghiệp. Khi nhận được những yêu cầu như vậy, trường tham vấn cho SV rất kỹ, đưa ra những cảnh báo. Tuy nhiên, mỗi SV có một lựa chọn riêng và chịu trách nhiệm về lựa chọn đó.
Ý kiến:
Linh hoạt cho sinh viên
Việc thực tập nên được thiết kế linh hoạt để tạo điều kiện tốt nhất cho SV va chạm thực tế. Nó đáp ứng cả hai nhu cầu. Một là doanh nghiệp cần người thực tập trong khoảng thời gian nào đó trong năm. Hai là SV có điều kiện thực tập, tích lũy kinh nghiệm, có thu nhập nhất định để tiếp tục việc học. SV cũng cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, quá trình thực tập theo kiểu này cần được nhà trường giám sát để bảo đảm các em thực tập thật và không làm việc quá nhiều khiến việc học bê trễ.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình (Trưởng phòng Truyền thông - tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen)
Trường sẽ ủng hộ vì nhu cầu của SV
Mọi thứ đều bắt nguồn từ nhu cầu, nguyện vọng của SV. Nếu SV chưa muốn tốt nghiệp, thấy cần tăng cường thực hành, thực tập, SV xin phép thì sẽ được phê duyệt. Chú ý là SV phải xin phép để khỏi bị cảnh báo học vụ hoặc bị buộc thôi học. Quyết định này cũng có thể đúng, có thể sai nhưng là nhu cầu của bản thân SV thì nhà trường ủng hộ.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.