Xin 'trả góp' tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

09/04/2022 06:59 GMT+7

Cục Thuế TP.HCM đã nhận được văn bản của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá 2 lô đất khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chia thành 6 đợt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đề xuất này nếu được chấp nhận sẽ tạo tiền lệ xấu.

Hai công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền thuế

Xin phân kỳ nộp tiền đến tháng 9

Theo kết quả đấu giá hôm 10.12.2021, Công ty cổ phần (CP) Dream Republic trúng lô đất số 3-5, diện tích 6.446 m2, phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất (SDĐ) và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 có diện tích hơn 8.500 m2 phải đóng 4.000 tỉ đồng tiền SDĐ và được miễn nộp lệ phí trước bạ với diện tích đất ở.

Ngày 6.1, Cục thuế TP.HCM phát hành thông báo nộp tiền đối với 2 doanh nghiệp (DN) này với số tiền gần 8.000 tỉ đồng. Sau 30 ngày, 2 DN nộp đợt 1 là 50% số tiền, 90 ngày sau nộp 50% còn lại. Thế nhưng qua 90 ngày, cả 2 DN vẫn chưa nộp số tiền SDĐ trên vào ngân sách nhà nước. Hệ thống thuế đã bắt đầu tính tiền chậm nộp số tiền này mỗi ngày 0,03%.

Lý do khiến 2 DN đưa ra đề nghị phân kỳ nộp tiền là do một số diễn biến sau thời điểm đấu giá như sự lây lan của biến thể Omicron và tình hình chiến sự Ukraine tác động đến sự ổn định của nền kinh tế và tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch phát triển dự án khiến họ khó sắp xếp nguồn tài chính.

2 DN Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5) và Sheen Mega (lô 3-8) xin phân kỳ nộp tiền sử dụng đất

Ngọc Dương

Một cán bộ thuế cho biết, quy định hiện nay không có “phân kỳ” số tiền liên quan đến nghĩa vụ thuế mà là nộp dần. Theo Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, DN lập hồ sơ đề nghị nộp dần tiền thuế nợ gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ bao gồm văn bản đề nghị, thư bảo lãnh theo quy định pháp luật và nội dung bắt buộc phải có cam kết của bên bảo lãnh sẽ thực hiện nộp thay cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không thực hiện đúng thời hạn nộp dần tiền thuế nợ; quyết định cưỡng chế thuế. Người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn không quá 12 tháng và trong thời gian thư bảo lãnh có hiệu lực. Người nộp thuế được nộp dần số tiền thuế nợ theo từng tháng đảm bảo số tiền thuế nợ nộp từng lần không thấp hơn số tiền thuế nợ được nộp dần bình quân theo tháng, đồng thời phải tự xác định số tiền chậm nộp phát sinh để nộp cùng với số tiền thuế nợ được nộp dần.

Trong trường hợp hồ sơ đề nghị nộp dần thuế đầy đủ, cơ quan thuế sẽ có quyết định chấp thuận nộp dần tiền thuế trong vòng 10 ngày. Đối với trường hợp 2 DN trúng đấu giá khu đất Thủ Thiêm muốn nộp dần tiền thuế cần phải có giấy bảo lãnh từ ngân hàng, đây là điểm quan trọng nhất trong bộ hồ sơ xin nộp dần thuế. Trong trường hợp DN không thực hiện nghĩa vụ thuế, các ngân hàng phải nộp số tiền này.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng quy định về thuế có cho DN nộp dần, phân kỳ thuế trong trong hợp DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng không phải DN nào muốn đều được cơ quan thuế chấp nhận. Từ trước đến nay chưa có trường hợp DN trúng đấu giá được nộp dần, phân kỳ thuế.

Theo nhận định của ông Trần Xoa, 2 DN tham gia đấu giá lô đất Thủ Thiêm và đưa ra mức giá trúng là đã phải tính đến nguồn lực tài chính trước khi đấu giá. Việc các lô đất ở Thủ Thiêm được đưa ra đấu giá nhằm mang lại nguồn thu cho ngân sách, thực hiện các vấn đề của thành phố. Trong trường hợp cho phép phân kỳ nộp thuế sẽ gây ra tiền lệ xấu cho những cuộc đấu giá sau này, DN cứ xin nộp dần. “Vì sao đã đi đấu giá mà còn xin nộp dần tiền trúng đấu giá, không lẽ không có tiền mà tham gia đấu giá rồi xin trả góp?”, ông Trần Xoa đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng không có lý nào cho DN nộp dần tiền SDĐ trong đấu giá. Nộp dần tiền thuế chỉ được giải quyết trong trường hợp DN gặp phải những tình huống bất khả kháng trong hoạt động kinh doanh như khách hàng giải thể, mất khả năng trả nợ... bị ảnh hưởng đến dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, DN cũng phải chứng minh bị ảnh hưởng như thế nào mới được xem xét.

Gây hệ lụy xấu đấu giá đất công sau này

Theo hợp đồng mà DN ký với UBND TP.HCM, trong thời hạn 180 ngày mà không đóng đủ tiền thì mới bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Khi đó, 2 DN nói trên sẽ không được nhận lại tổng cộng 319,2 tỉ đồng tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá (20% so với giá khởi điểm).

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, việc xử lý các vấn đề liên quan sẽ phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và hợp đồng đấu giá đã ký giữa bên trúng đấu giá, cơ quan liên quan cũng như quy chế đấu giá đã ban hành. Hiện nay căn cứ các lý do mà 2 DN trình bày, cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét các lý do có phù hợp với quy định về thuế để được gia hạn hoặc chậm nộp hay không. Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý thì các DN nêu trên bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền theo đúng hợp đồng đã ký kết, trường hợp nộp chậm thì sẽ phải chịu số tiền chậm nộp theo hợp đồng đã ký. Nếu quá thời hạn 180 ngày, 2 DN trên không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá, Trung tâm phát triển quỹ đất (đại diện chủ sở hữu) sẽ báo cáo Sở TN-MT trình UBND TP hủy kết quả đấu giá. Tiền đặt cọc sẽ thuộc về ngân sách, các lô đất sẽ được Nhà nước đưa ra đấu giá lại hoặc giao đất theo quy định.

“Việc này trước đây hầu như chưa có tiền lệ, vì trước khi quyết định đấu giá, các đơn vị đã được nghiên cứu đầy đủ quy định, chế tài khi tham gia đấu giá, trong đó việc chuẩn bị tài chính là một trong những vấn đề cơ bản khi tham gia đấu giá. Do đó, việc đưa ra nhiều lý do để chậm nộp cần phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét đánh giá đầy đủ và khách quan trên cơ sở quy định pháp luật để xem có cho phép việc này hay không”, luật sư Cường cho biết thêm.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên viên tư vấn cấp cao thuộc Công ty GIBC, cho rằng việc 2 DN này đã có đơn nêu lý do chưa nộp tiền trúng đấu giá theo thời gian quy định cũng đã thể hiện thiện chí hợp tác mà không im lìm bỏ cọc. Nhưng hiện nay hầu như không có cơ sở pháp lý nào để cơ quan quản lý nhà nước có thể chấp nhận gia hạn thời gian thanh toán tiền trúng đấu giá đất công. Nếu có việc này thì phải xem xét chỉnh sửa trong các luật liên quan. Vì vậy, việc quyết định này cũng đã vượt tầm của chính TP.HCM nên khả năng được chấp thuận theo đơn đề xuất của 2 DN là rất khó. Hiện tại, DN vẫn còn thời gian để xoay xở và nộp tiền nếu vẫn muốn tiếp tục triển khai dự án tại Thủ Thiêm như ý định tham gia đấu giá đất ban đầu, chỉ khi nào quá 180 ngày mà không nộp tiền thì mới bị hủy bỏ hợp đồng.

Ông Nghĩa cho rằng đây có thể là một nghệ thuật “đàm phán” trong thời gian DN có phương án huy động đủ nguồn vốn. Giả sử nếu như đề xuất chia nhỏ số tiền và nộp thành nhiều đợt được thông qua thì sẽ trở thành tiền lệ không tốt cho các đợt đấu giá đất, tài sản công sau này.

Công ty CP Dream Republic thành lập vào tháng 10.2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỉ đồng, trong khi Công ty CP Sheen Mega thành lập tháng 11.2019 với vốn điều lệ 500 tỉ đồng.

Hai công ty khác trúng đấu giá 2 lô đất Thủ Thiêm đã bỏ cọc là: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với lô số 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 đã gửi tâm thư xin bỏ cọc vào cuối tháng 1 vừa qua. Sau đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9 với diện tích 5.009,1 m2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.