Trước khi Báo Thanh Niên thực hiện loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? (khởi đăng từ ngày 15.7) và cụm bài tiếp theo Trúng tuyển mà không cần ưu tiên (đăng ngày 19, 20.8), tôi là một trong những người ủng hộ cho chế độ cộng điểm ưu tiên hiện hành.
>> Trúng tuyển mà không cần điểm ưu tiên: Nhất thiết phải thay đổi chính sách
>> Bộ GD-ĐT bãi bỏ cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ VN anh hùng
>> Hộp thư Tư vấn giáo dục (Kỳ 2): Điểm ưu tiên? Chọn phần riêng thích hợp để làm?
>> Xác định địa phương vùng sâu để tính điểm ưu tiên
>> Không nên cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức
>> TP Hồ Chí Minh: Không tính điểm ưu tiên trong xét tuyển vào lớp 6
Như thế, rõ ràng, tôi cũng như số đông đều nghĩ rằng chính sách ưu tiên bằng cách cộng điểm là hợp lý, xóa bỏ khoảng cách vùng miền, tạo sự công bằng cho mọi người. Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, nơi có điều kiện tốt hơn so với các vùng miền; sau này khi đến các địa phương khác của đất nước, tôi lại càng nghĩ cần phải có những chính sách ưu tiên cho đối tượng vùng sâu, vùng xa, thiệt thòi. Vẫn với quan điểm này, chúng tôi bước vào thực hiện loạt bài như đã nêu nhưng với ý thức phản ánh đúng thực tế, không định kiến. Và thực tế khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Thông thường chính sách ưu tiên, nếu có, không thể cho số đông với tỷ lệ khoảng 85% (ưu tiên khu vực và đối tượng), theo thống kê năm 2012 từ tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nếu chỉ nhìn vào số liệu, sao không lo âu với câu hỏi chất lượng đại học (ĐH) sẽ như thế nào khi chỉ có trên 10% thí sinh vào ĐH mà không có điểm ưu tiên gì (may mà điều này chỉ là trên lý thuyết). Trước thực trạng này, ngay cả những người làm công tác chính sách như ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH), cũng thừa nhận với Báo Thanh Niên: “Đối tượng ưu tiên chỉ nên chiếm một số lượng nhỏ nào đó trong tổng số thí sinh dự thi. Để tất cả số lượng này được hưởng ưu đãi giáo dục thì lớn lắm, như vậy mất cân đối và gây thiệt thòi cho các đối tượng khác”.
Các chính sách ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khi thực tế đổi thay thì cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Nhưng bao năm nay dù cuộc sống thay đổi nhưng chính sách cộng điểm ưu tiên chưa điều chỉnh cần thiết, phù hợp. Nhiều địa phương hiện nay đã phát triển, nâng lên thị xã, thậm chí thành phố nhưng vẫn được hưởng ưu tiên khu vực ở mức cao nhất (vùng sâu, vùng xa). Điều này hoàn toàn không hợp lý.
Một trong những mục tiêu của chế độ ưu tiên trong tuyển sinh nhằm củng cố nguồn nhân lực cho các địa phương khó khăn. Thế nhưng, mục tiêu này không hiệu quả trong thực tế, ngược lại còn gây lãng phí. Thực tế cho thấy, sinh viên vùng sâu, vùng xa sau khi được đào tạo thường không quay về địa phương phục vụ mà đi tìm việc làm ở các thành phố lớn.
Chỉ với những luận cứ này đã thấy chính sách ưu tiên bằng cách cộng điểm là không còn phù hợp với thực tế. Nhưng, chúng tôi muốn minh chứng thêm bằng số liệu từ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.
Là người hiểu biết về tuyển sinh, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhận định với Thanh Niên: “Trong những năm gần đây, khoảng cách điểm thi ĐH, CĐ của các thí sinh đã nhích lại gần nhau hơn. Thậm chí hiện nay số thí sinh đạt điểm thi cao nhưng thuộc các khu vực ưu tiên chiếm tỷ lệ khá lớn, có nghĩa là những thí sinh này không cần hưởng chính sách ưu tiên cũng có thể trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ bằng chính năng lực của mình”. Để chứng minh luận điểm này, nhóm phóng viên giáo dục của Báo Thanh Niên đã thực hiện các cuộc thống kê số liệu tuyển sinh nhiều trường ĐH khắp 3 miền đất nước (bài Trúng tuyển mà không cần ưu tiên). Thực tế là, không những đạt điểm cao, dư điều kiện vào ĐH mà nhiều thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực, đối tượng còn là thủ khoa, á khoa nhiều trường ĐH lớn. Theo thống kê này, khoảng 3/4 số thí sinh trúng tuyển vào ĐH là đối tượng ưu tiên (1/4 còn lại đối tượng không ưu tiên) mà không cần điểm cộng.
Vậy thì, cộng điểm để làm gì cho phần đông những người không cần điểm này vẫn có thể trúng tuyển ĐH? Thế nhưng do những thí sinh này xuất thân từ nông thôn, địa phương khó khăn, họ cần những chính sách hỗ trợ khác như chi phí học tập, điều kiện ăn ở, cơ hội hòa nhập với cuộc sống đô thị…
Những bất cập này, lẽ ra Bộ phải là nơi nhận thấy đầu tiên và phải có ý kiến để nhà nước điều chỉnh, thay đổi chính sách phù hợp. Thế nhưng khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên vào tháng 7, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), vẫn lý giải điều này, khoản nọ về chính sách này dù cuối cùng cho rằng sẽ kiến nghị lên Chính phủ xem xét điều chỉnh hợp lý các chính sách thuộc đối tượng ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
Mọi thứ trên đời không bất biến, có những điều hôm nay đúng nhưng chưa chắc ngày mai vẫn đúng. Trong trường hợp này, cần xem xét mọi khía cạnh với tinh thần khoa học, khách quan, không định kiến, không hẹp hòi để tìm ra một chính sách hợp lý vừa ưu tiên cho những đối tượng thiệt thòi vừa đảm bảo công bằng trong xã hội.
Có nhiều cách thể hiện sự ưu tiên, không nhất thiết bằng việc cộng điểm. Nếu Bộ chịu khó mở diễn đàn, lấy ý kiến, chắc chắn sẽ có nhiều kế sách hay từ nhân dân, từ đó hy vọng có được những chính sách thật sự phù hợp với thực tiễn.
Thùy Ngân
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung
>> Chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng ở các trường miền Trung
>> Chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng ở các trường miền Bắc
>> Xét tuyển 168 chỉ tiêu đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt
>> Toàn cảnh chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại TP.HCM
Bình luận (0)