Nhiều bạn đọc cho rằng phải xóa bỏ ngay định kiến này, và phải căn cứ vào luật để xử lý.
Như Thanh Niên đã thông tin, đầu tháng 3.2022, anh N.V.Th (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) điều khiển ô tô trên QL22 (đoạn qua địa bàn H.Trảng Bàng, Tây Ninh). Khi xe của anh Th. đang đi đúng tốc độ, làn đường quy định thì bất ngờ bị một người đàn ông điều khiển xe máy tông từ phía sau. Va chạm mạnh khiến người điều khiển xe máy trong tình trạng nồng nặc mùi bia ngã ra đường bất tỉnh, ô tô bị hư hỏng nặng phần đuôi. Sau tai nạn, anh Th. dừng xe và đưa người điều khiển xe máy đi cấp cứu, liên lạc gia đình người này để đến hỗ trợ.
Xe máy chạy vào làn ô tô, tông vào đuôi container trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) rạng sáng 21.5 |
TRẦN DUY KHÁNH |
Tại bệnh viện, người điều khiển xe máy được xác định gãy chân phải, chấn thương phần mềm. Gia đình người điều khiển xe máy giữ anh Th. lại và yêu cầu bồi thường, nếu không sẽ gọi CSGT đến giải quyết. Anh Th. cho người nhà xem ảnh hiện trường tai nạn và giải thích người điều khiển xe máy chạy vào làn ô tô, say xỉn tự tông vào đuôi ô tô dẫn đến chấn thương. Người làm chứng vụ việc cũng đã giải thích rõ, nhưng phía gia đình người điều khiển xe máy vẫn “bắt đền” đủ 50 triệu đồng, nếu không “đền” sẽ làm lớn chuyện.
Sau một lúc trao đổi qua lại, anh Th. đành chấp nhận hỗ trợ gia đình người điều khiển xe máy 20 triệu đồng, ô tô thì anh Th. tự sửa chữa. Theo anh Th., việc dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu là đúng luật, và nhất là thể hiện tình cảm con người.
“Tôi khẳng định không sai luật khi lái xe, nhưng vì không muốn rắc rối khi CSGT ra làm hiện trường, giữ xe thời gian dài ảnh hưởng việc đi lại nên tôi chấp nhận giá hỗ trợ 20 triệu đồng”, anh Th. cho biết.
Cứ lớn là phải đền cho nhỏ, cứ nắm người có tóc ?
Rất bức xúc trước định kiến trên, bạn đọc (BĐ) [email protected] cho rằng: “Cái mặc định rằng “xe lớn phải đền xe nhỏ” mà không hề xem xét đến tác nhân gây tai nạn đã tồn tại trong đời sống hàng nửa thế kỷ rồi. Đã đến lúc phải trả lại sự công bằng và đúng đắn cho người giao thông trên đường: Ai gây ra lỗi, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Cùng ý kiến, BĐ Trung nhấn mạnh: “Cần nói rõ ràng trong luật: Ai sai phải chịu trách nhiệm. Bỏ cái tư duy vô lý “xe lớn đền xe nhỏ” đi!”. BĐ Phúc An House thẳng thắn: “Xin hãy công bằng. Dù là xe nhỏ hay đi bộ, nhưng nếu vi phạm luật GTĐB và gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho bất kỳ phương tiện giao thông nào khác thì cũng phải đền bù và truy cứu”.
Ở ta nhiều người cứ nghĩ như vậy nên nhiều xe nhỏ ra đường có sợ xe lớn nào đâu. Không chịu đền thì ăn vạ… Bó tay!
Ông đảo
Cứ theo quy định của pháp luật. Ai sai chịu trách nhiệm, thế thôi.
Tuanqngai81
Xe máy sai rành rành nhưng nhiều khi họ “thách thức” gọi CSGT, vì biết ô tô sợ giam xe, giam bằng. Thông tư 63/2020/TT-BCA đã quy định rõ, mong CSGT làm đúng.
“Tất cả phải căn cứ vào pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không thể có chuyện cứ xe lớn là phải đền xe nhỏ, xe máy đền cho người đi bộ... bất chấp đúng sai, luật lệ. Một số người rất vô lý, cứ cho mình là “trọc đầu” nên “người có tóc” là phải đền, không đền thì ăn vạ”, BĐ Tính ý kiến.
Phạt người vi phạm, không giữ xe người đi đúng luật
Đó là mong muốn của nhiều người khi chẳng may gặp phải sự cố về giao thông. BĐ Phong Do mong mỏi: “Tôi nghĩ trong luật cần phải nói rõ là không được giữ xe nếu xe đó đi đúng luật, còn bên vi phạm phải chịu toàn bộ chi phí”. BĐ Giang Hoàng cũng cho rằng: “Cứ theo thông lệ thì khi có tai nạn giao thông, CSGT giữ xe của cả hai bên, cả bằng lái, mà thời gian giải quyết có khi cả năm. Nên người ta cứ thế mà ăn vạ”.
Trong khi đó, để đối phó với hiện tượng ăn vạ vô lý của “xe nhỏ”, BĐ dothanhsang03061976 nêu gợi ý: “Không vì e ngại chuyện giam giữ phương tiện mà chấp nhận bồi thường cho hành vi không vi phạm luật giao thông. Cứ gọi CSGT đến để xử lý theo quy định của pháp luật. Sau đó chuyển sang tòa án xét xử. Bên nào sai thì phải bồi thường tất cả thiệt hại cho bị hại. Có như thế thì mới nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông”.
Bình luận (0)