Xóa điểm trường lẻ trên nóc nhà Đông Dương

02/09/2023 08:42 GMT+7

Xã Trà Nam (H.Nam Trà My, Quảng Nam) nằm trên đỉnh núi Ngọc Linh, nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương của dãy Trường Sơn.

Từ năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Trà Nam đã xóa bỏ điểm trường lẻ ở 4 thôn bản, tập trung học sinh (HS) về học điểm trường chính tại trung tâm xã. Điều này vừa giúp HS tiếp cận môi trường học tập tốt hơn vừa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xóa điểm trường lẻ trên nóc nhà Đông Dương - Ảnh 1.

Từ khi xóa bỏ điểm trường lẻ, chất lượng dạy và học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Trà Nam cải thiện rõ rệt

MẠNH CƯỜNG

Cô Phạm Thị Hiệp (26 tuổi) cho biết nhiều thôn, bản cách xa nhau, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn nên việc xóa điểm lẻ sẽ thuận tiện cho việc học tập của HS. Ngoài ra, còn thuận lợi trong thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo cô Hiệp, nhiều thôn, bản cách xa nhau, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn nên việc xóa điểm lẻ sẽ thuận tiện cho việc học tập của các em HS. Ngoài ra, không chỉ tạo điều kiện cho công tác quản lý, mà còn thuận lợi trong thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học. “Khi các em được đưa tập trung về điểm trường chính thì việc dạy và học không những thuận tiện mà chất lượng lượng giáo dục còn được nâng cao. Nhiều em HS rất có ý thức trong việc học cũng như sinh hoạt cá nhân. Có thể nói, việc xóa điểm trường lẻ đã xóa luôn nỗi nhọc nhằn của cô lẫn trò”, cô Hiệp bày tỏ.

Em Hồ Thị Phương Tuệ (HS lớp 4) chia sẻ: "Nhà em ở nóc Long Linh, để đi đến điểm trường chính phải mất hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ. Nhưng em rất vui khi được về đây học vì có nhiều bạn bè, có nhiều trò để chơi, chỗ ăn ngủ cũng sạch sẽ, ấm áp hơn. Ngoài ra, em còn được ăn nhiều món ăn ngon do các thầy cô nấu những món ăn mà khi ở nhà em chưa bao giờ được nhìn thấy".

Cô Lê Thị Thủy (26 tuổi, ở xã Trà Cang, H.Nam Trà My) cho hay việc đưa các HS từ các thôn bản về điểm chính thì việc chăm sóc sức khỏe và học hành của các em được cải thiện rất nhiều. "Từ bán trú, các em sẽ được ăn cả ngày và ngủ lại trường. Ngoài ra, những phụ huynh (PH) lớn tuổi, không thể đi rẫy thì xuống ở cùng với các cháu, phụ giúp nấu nướng rồi sống ở một gian nhà ngay trong trường để tiện bề chăm sóc cháu. Ở đây, không chỉ cháu nội trú mà bà, cháu cùng nội trú", cô cười nói.

Xóa điểm trường lẻ trên nóc nhà Đông Dương - Ảnh 2.

Bữa cơm bán trú đầy đủ chất dinh dưỡng

MẠNH CƯỜNG

Bà Hồ Thị Thắng (60 tuổi, ở thôn 1) cho hay bà có một đứa cháu hiện đang học lớp 1 tại đây. Bà đã già, không còn đi rẫy được nữa nên từ khi cháu xuống đây học đã theo xuống để tiện chăm sóc, rồi phụ các cô nhặt rau, nấu nướng. "Ở đây như ở nhà mình vậy. Mấy thầy cô dễ tính lắm. Các thầy cô thương học trò, thương cả mình. Mình được ăn rất nhiều món ngon mà mình chưa bao giờ được ăn", bà Thắng khẽ cười.

Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Trà Nam, cho biết toàn trường có tất cả 327 HS, đều là bán trú. Việc nhà trường "tiên phong" xóa bỏ các điểm trường lẻ, đưa HS về trường chính học nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện. Đồng thời, sắp xếp lại đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

"Từ khi triển khai mô hình nuôi ăn ở cho PH, số lượng HS ra lớp luôn đạt 100%, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Ngoài học chữ, HS còn được chăm sóc sức khỏe một cách chu đáo, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về tình thương yêu", thầy Chín nói.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Trà My, đánh giá với một huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở, mô hình nuôi ăn ở cho PH như cách làm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Trà Nam là phù hợp. Qua đó góp phần nâng dần chất lượng giáo dục ở miền núi, đồng thời hướng dẫn thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống, phòng bệnh cho PH HS...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.