Xóa định kiến

30/10/2018 04:37 GMT+7

Một cô gái trẻ nhà ở đồng bằng sông Cửu Long có gia cảnh khó khăn, cha bệnh nặng, mẹ một mình gồng gánh không đủ nuôi con. Là con gái lớn, cô nghỉ học, lên TP.HCM tìm việc làm mong giúp mẹ nuôi em.

Cô làm phụ việc cho một tiệm spa ở Q.10.
Qua thời gian học việc, giờ cô đã được trực tiếp làm cho khách. Với thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền “boa” khách cho, cô cảm thấy hài lòng với nghề của mình. Tuy vậy, cô cho biết: “Em không dám nói với ba má là em làm nghề này. Ba má em nghĩ massage là xấu lắm”!
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều cô gái làm nghề massage ở các tiệm spa cho biết cũng thường dè dặt khi nói cho bạn trai biết mình làm nghề gì vì vẫn còn nhiều người nghĩ nghề này không đàng hoàng.
Trong khi đó ngày nay các tiệm spa mở ra khắp nơi phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ và kể cả nam giới. Các dịch vụ này tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động trẻ. Thế nhưng từ trước đến nay đây là một trong những ngành nghề chỉ được đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, nghề truyền nghề hoặc nếu bài bản hơn thì học ở các tiệm, trung tâm dạy nghề. Theo cách này, người học khi hoàn thành khóa học không có bằng cấp chứng nhận, không chuyên nghiệp khi hành nghề, chưa kể còn đối diện nhiều rủi ro khác.
Thực tế cho thấy dịch vụ này đang phát triển nên cần nhân lực lao động được đào tạo lành nghề và chuyên nghiệp hơn. Thực hiện điều này không chỉ có cái lợi là người học được đào tạo nghề mà còn được hướng dẫn về thái độ ứng xử, kỹ năng, tác phong, đạo đức... để khi hành nghề họ biết ứng phó với các tình huống, đủ hiểu biết để vượt qua những cám dỗ hoặc cạm bẫy nếu có trong khi làm dịch vụ. Một vấn đề không kém quan trọng là khi được đào tạo chính thức, chuyên nghiệp sẽ góp phần xóa bỏ định kiến lâu nay trong xã hội rằng các nghề dịch vụ này là không tốt đẹp, không đàng hoàng…
Không thờ ơ trước nhu cầu rất lớn của xã hội, hiện nay đã có trường cao đẳng mở ngành đào tạo từ bậc trung cấp các nghề như massage, phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, móng, tóc... Với sự tỉ mỉ và khéo léo của người VN, việc đào tạo này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho lao động trẻ không những trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.
Điều này cũng giống như nghề giúp việc. Trong xã hội hiện nay, ai cũng thừa nhận rằng giúp việc là một nghề và nghề này ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Vì vậy mà nhiều nước, đặc biệt là Philippines có hẳn các trường đào tạo nghề giúp việc được cơ quan giáo dục của nước này cấp phép. Nguồn lao động này không chỉ phục vụ trong nước mà còn để xuất khẩu.
Có ngành đào tạo chính thức các ngành này mang một ý nghĩa xã hội rất lớn, đồng thời tạo cơ hội để lao động trẻ hành nghề chân chính, chuyên nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.