Xóa lỗ hổng trạm dừng nghỉ trên cao tốc

16/04/2024 03:50 GMT+7

Khó khăn về cơ chế đã được gỡ, quy chuẩn về quy mô, hạng mục cũng đã hoàn thiện, các tuyến cao tốc "khiếm khuyết" chỉ còn chờ được đẩy nhanh thủ tục để cấp bách trám lỗ hổng trạm dừng nghỉ.

Có phòng nghỉ tạm, cứu hộ, sơ cứu, trụ sạc điện...

Trong năm nay, nhiều cao tốc mới đưa vào sử dụng sẽ có trạm dừng nghỉ

Trong năm nay, nhiều cao tốc mới đưa vào sử dụng sẽ có trạm dừng nghỉ

NGỌC THẮNG

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 09/2024 sửa đổi QCVN:2012/BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ.

Theo đó, Bộ GTVT chia trạm dừng nghỉ đường bộ thành 4 loại căn cứ vào diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc phải có. Cụ thể, trạm dừng nghỉ loại 1 diện tích tối thiểu là 10.000 m2, loại 2 diện tích tối thiểu 5.000 m2, loại 3 diện tích tối thiểu 3.000 m2 và loại 4 diện tích tối thiểu 1.000 m2. Các trạm dừng nghỉ phải đảm bảo tối thiểu 50% diện tích dành cho khu vực đỗ xe. Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 3% tổng diện tích xây dựng, có nơi vệ sinh phục vụ người khuyết tật. Bên cạnh đó, phải có phòng nghỉ tạm thời cho lái xe (diện tích tối thiểu từ 18 - 36 m2 tùy quy mô loại trạm dừng). Ngoài ra, nơi cung cấp thông tin; khu vực ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu, bán hàng hóa và phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông là những hạng mục bắt buộc.

Với các trạm dừng loại 1 và 2, Bộ GTVT yêu cầu bố trí 10% tổng diện tích đỗ xe cho ô tô vào sạc điện, đồng thời đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. Đường cho xe ra - vào phải bố trí riêng biệt và có trạm cấp nhiên liệu, có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoặc khu vực rửa xe. Các hạng mục này đối với trạm dừng nghỉ loại 3 và 4 không bắt buộc mà chỉ khuyến khích có. Đường xe ra - vào cũng không cần đường riêng mà có thể bố trí chung, rộng tối thiểu 7,5 m.

Sắp tới, nhiều cao tốc mới đưa vào sử dụng sẽ có trạm dừng nghỉ

Sắp tới, nhiều cao tốc mới đưa vào sử dụng sẽ có trạm dừng nghỉ

NAM LONG

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT lý giải không phải đến bây giờ các trạm dừng nghỉ mới có quy chuẩn. Từ năm 2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 48 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm qua, sự phát triển công nghệ mới đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó nổi lên là sự phát triển của ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh đã làm thay đổi phương thức cung cấp năng lượng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện cam kết của VN tại COP26, Bộ GTVT xác định cần nghiên cứu, bổ sung quy định về trụ sạc điện/trạm cung cấp năng lượng xanh vào QCVN về trạm dừng nghỉ đường bộ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng gia tăng nhanh chóng làm thay đổi thói quen dịch chuyển của người dân. Do vậy, quy mô trạm dừng nghỉ, các hạng mục cần thiết khác phải được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng sự phát triển của xã hội là cần thiết.

Sẽ không còn cao tốc khuyết trạm dừng nghỉ

Lãnh đạo Cục Đường cao tốc cho biết, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ GTVT quản lý. Công tác quan trọng nhất là rà soát lại quy chuẩn và tiêu chuẩn của các trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu dài hạn trong tương lai cũng đã hoàn thành. Bộ GTVT chủ trương tìm kiếm những nhà đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Như vậy, giai đoạn tới, các tuyến cao tốc sẽ lần lượt được bổ sung hệ sinh thái trạm dừng nghỉ đồng bộ, có lợi ích lâu dài.

Chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng đánh giá việc bổ sung, xây dựng quy chuẩn mạng lưới trạm dừng nghỉ như vậy là cần thiết bởi đây là hạng mục rất quan trọng đối với hệ thống đường cao tốc. Trong giai đoạn đầu tư phân kỳ, các tuyến cao tốc chưa hoàn chỉnh chỉ có 2 hoặc 4 làn xe vẫn có thể đảm bảo khai thác an toàn bằng cách điều chỉnh tổ chức giao thông dựa theo hiện trạng tuyến đường. Song, trạm dừng nghỉ buộc phải có. 

Theo ông Thắng, khác với đường ô tô sử dụng chung, hoạt động giao thông trên đường cao tốc hoàn toàn cách ly với bên ngoài, khép kín trong phạm vi hàng rào hai bên. Do vậy, dọc đường cao tốc phải bố trí các trạm bán nhiên liệu, các xưởng bảo dưỡng, sửa chữa xe cộ, các trạm dịch vụ thông tin bưu điện, các cửa hàng tạp hóa, nhà ăn, nhà vệ sinh, khách sạn và các khu nghỉ ngơi dọc tuyến để phục vụ lái xe, xe và người đi xe. 

Đặc biệt, trên đường cao tốc xe thường chạy đường dài với tốc độ cao, dẫn đến tâm lý căng thẳng, sức khỏe mệt mỏi cho người đi xe và dễ gây hỏng hóc máy móc xe, nên càng cần bố trí các khu dịch vụ nói trên để khắc phục trạng thái đơn điệu và tăng điều kiện an toàn, thuận lợi khi phương tiện chạy trên đường cao tốc.

Các nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng, xe chạy càng nhanh thì tinh thần người lái xe càng căng thẳng. Nếu tài xế chạy trên 80 km/giờ thì nhịp tim của lái xe có thể lên tới 100 - 110 lần/phút. Ngoài ra, 70% số vụ tai nạn trên đường cao tốc có liên quan đến sự mệt mỏi, căng thẳng của lái xe và 24% số vụ có liên quan đến trục trặc về xe cộ. Do vậy, nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe nên được nghỉ ngơi 15 phút. Vì thế, việc bố trí, thiết kế các cơ sở dịch vụ nói trên luôn là một vấn đề đặc thù cần phải được đề cập ngay từ khi lập dự án đầu tư đường cao tốc.

"Chưa kể, trong nền kinh tế thị trường, nếu xem đường cao tốc là một loại hàng hóa thì hoàn toàn có thể tổ chức kinh doanh thu lợi từ các cơ sở dịch vụ nói trên. Việc kinh doanh thu lợi này có thể do nhà nước, do liên doanh hoặc có thể chuyển hưởng quyền kinh doanh cho các công ty tư nhân, miễn là có luật lệ, quy chế đảm bảo tiền thu lợi chỉ được sử dụng cho bảo trì và phát triển đường cao tốc. Theo kinh nghiệm nước ngoài thì thu lợi do kinh doanh các khu vực dịch vụ có thể bằng 3 - 5% tiền thu phí đường. Ngoài ra, có thể phát triển thêm việc kinh doanh quảng cáo trên đường cao tốc bằng các biển quảng cáo lớn đặt tại khu vực chỗ dừng nghỉ, các khu dịch vụ…", ông Vũ Đức Thắng nói.

Khẩn cấp mở các trạm dừng nghỉ tạm

Theo tiến độ cập nhật từ Cục Đường cao tốc, 8/10 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đã phát hành hồ sơ mời thầu ngày 20.3, dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6 tới. Hiện có 5/8 cặp trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc gồm Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào tháng 6 để triển khai thi công. 

Các trạm còn lại trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo báo cáo đến tháng 8 mới bàn giao được mặt bằng, chậm 2 tháng so với dự kiến. Đến tháng 8, dự kiến sẽ có 5 cặp trạm dừng nghỉ phục vụ trên cao tốc được đưa vào khai thác, và tháng 10 sẽ có thêm 3 cặp trạm. Dự kiến trong tháng 11 sẽ đảm bảo các dự án cao tốc đã thông xe đều có vị trí dừng nghỉ tạm phục vụ người dân.

Tối thiểu 50% tổng diện tích trạm dừng nghỉ dành cho khu vực đỗ xe. Trong ảnh: Trạm dừng nghỉ Dầu Giây (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây)

Tối thiểu 50% tổng diện tích trạm dừng nghỉ dành cho khu vực đỗ xe. Trong ảnh: Trạm dừng nghỉ Dầu Giây (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn nếu để triển khai mạng lưới trạm dừng nghỉ hoàn chỉnh theo quy hoạch, sớm nhất phải đến cuối năm 2025, một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được "xóa trắng" trạm dừng nghỉ, trượt tiến độ hơn 1 năm so với dự kiến hồi năm 2023 của Cục Đường cao tốc.

Ông Lâm Tiến Thành, một tài xế thường chở hàng từ TP.HCM về miền Tây, thẳng thắn cho rằng thời gian triển khai các trạm dừng nghỉ quá lâu. Bỏ qua những bất cập về việc không đồng bộ ngay từ khi xây dựng thì đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi xã hội bức xúc, Thủ tướng thúc giục, vẫn chưa có cao tốc nào bổ sung được trạm dừng nghỉ cho tài xế. 

"Cấp quản lý đề ra thời gian hoàn thành 1 trạm dừng chân từ 1 năm là rất vô lý, trong khi không hề có một yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao siêu nào để thi công 1 trạm dừng chân. Với trạm dừng chân trên đường cao tốc, hãy xác định nhu cầu khẩn cấp là chỗ đỗ xe, nơi ăn uống, nơi vệ sinh, hãy đặt chúng thành mục tiêu hàng đầu của gói thầu. Những công năng khác như chỗ sửa xe, rửa xe, chỗ nghỉ... hãy đặt chúng vào mục tiêu tiếp theo. Nếu cách thực hiện gói thầu như vậy thì chỉ cần không quá 6 tháng chúng ta sẽ có trạm dừng chân phục vụ nhu cầu cấp bách của hành khách và lái xe. Đừng để sau nhiều năm nữa mới có các trạm dừng chân trên các đường cao tốc", ông Thành đề nghị.

Ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ), cũng cho rằng trong khi chờ các tuyến cao tốc đủ chuẩn hoàn thiện thì hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến đã và đang khai thác là hạng mục cấp bách phải làm. Bối cảnh hiện nay nhu cầu cấp thiết, Bộ GTVT nên rà soát, những tuyến đường nào có thể tận dụng mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân. Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai. Các thủ tục, cơ chế của ta chặt chẽ nhưng theo kiểu máy móc, không áp dụng nhanh được. Đáng ra đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể. 

Các nước tổ chức trạm dừng nghỉ thế nào?

Tại nhiều nước, quá trình lập quy hoạch các tuyến cao tốc được tiến hành song song với kế hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ đảm bảo đồng bộ khi cao tốc đi vào hoạt động.

Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng hệ thống, quy chế trạm dừng nghỉ dọc đường cao tốc. Chính phủ Nhật Bản quy định, các công ty phụ trách đường cao tốc đảm bảo khoảng cách 50 km phải có trạm dừng nghỉ bao gồm trạm xăng và dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi; khoảng cách 20 km phải có một trạm dừng nghỉ để người dân dừng xe và giải quyết nhu cầu vệ sinh. Những trạm nghỉ này có thể đáp ứng nhu cầu không chỉ của lái xe, hành khách đi đường mà cả người dân địa phương. Sau 30 năm phát triển, số trạm dừng nghỉ dọc đường đã lên tới hơn 800 trạm trên hệ thống đường cao tốc.

Tại Hàn Quốc, Bộ Giao thông, Hạ tầng và đường bộ cùng Cơ quan Đường cao tốc lập và công bố quy hoạch, hoạch định và quản lý, đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc trong cả nước. Thông thường, các tuyến đường cao tốc thường quy hoạch, xây dựng 3 loại trạm dừng nghỉ: lớn nhất là những trung tâm dịch vụ đa chức năng, thứ hai là trạm dừng nghỉ cơ bản và thứ ba là các trạm dừng nhỏ chỉ đơn thuần cho phép lái xe dừng chân nghỉ ngơi khoảng 15 - 20 phút, hạn chế tình trạng mệt mỏi do lái xe quá lâu. Trên cơ sở đó, các công ty tư nhân đấu thầu để được vận hành dịch vụ bên trong khu dừng nghỉ, còn Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc sẽ quản lý các tòa nhà nằm trong khu vực, đánh giá mức độ vận hành của các công ty này.

Tại Mỹ, nhiều trạm dừng nghỉ trên cao tốc được vận hành theo mô hình công - tư liên doanh. Chính quyền cho thuê mặt bằng và thu thuế kinh doanh, tư nhân bỏ vốn xây dựng, vận hành quản lý và cung cấp dịch vụ cạnh tranh. Những trạm dừng nghỉ này thường có đủ các dịch vụ từ vệ sinh, ăn nghỉ, bảo dưỡng cho đến xăng xe... trở thành khu liên hợp, cung cấp mọi dịch vụ thiết yếu cho lái xe đường dài mà giá cả lại phải chăng.

Tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc

Trong Công điện số 36 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và cao điểm du lịch hè 2024 mới ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, với đường bộ cao tốc (đặc biệt là đối với tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có 2 làn xe, chưa có làn dừng khẩn cấp) tiến hành kiểm tra, rà soát kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống báo hiệu đường bộ. Đặc biệt, cần tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ. Trường hợp cần thiết, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án tổ chức giao thông trên cao tốc, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao an toàn giao thông.

Theo Thông tư 09/2024, Bộ GTVT lưu ý, căn cứ vào lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua tuyến đường và điều kiện cụ thể của khu vực nơi xây trạm dừng nghỉ để tính toán quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của trạm dừng nghỉ. Trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc xây dựng phải áp dụng quy mô trạm dừng nghỉ loại 1, loại 2 hoặc loại 3 và phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.