"Chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị một thông tin tích cực là hiện nay, toàn bộ sản phẩm quà tặng của Bộ NN-PTNT đều là sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương) được đóng gói rất đẹp. Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp có thương hiệu liên hệ với chúng tôi để cung cấp nguồn quà tặng. Các doanh nghiệp cũng có thể mở rộng hơn bằng cách liên hệ với cơ quan Chính phủ và các bộ ngành khác để cung cấp sản phẩm quà tặng. Đó là một trong những kênh quan trọng và hiệu quả để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm quốc gia", ông Cường mở đầu nội dung phát biểu tại tọa đàm.
Phải "xới" vấn đề này lên
Theo ông Cường: Khi mới ngồi vào bàn Tọa đàm 'Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt', do Báo Thanh Niên tổ chức được 5 phút thì Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gửi hình ảnh hội thảo qua Zalo cho ông. Từ đầu năm nay, Bộ trưởng có giao cho ông nhiệm vụ là phải làm sao tìm cách xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Theo Bộ trưởng, có thể chúng ta chưa làm được ngay, nhưng phải xới vấn đề này lên vì đó là trách nhiệm. Chúng ta phải làm trên tinh thần nếu đi sẽ tới và thà chậm còn hơn không. Nhiệm vụ thứ hai là phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ này.
"Tôi cũng đã trực tiếp liên hệ với Báo Thanh Niên để thực hiện chương trình. Chính vì vậy, tôi cũng muốn cảm ơn Báo Thanh Niên cùng chung tay với Bộ NN-PTNT 'xới' vấn đề này lên. Một vấn đề rất khó và cần nhiều thời gian để thực hiện"- ông Cường nói và thừa nhận, lâu nay Việt Nam chủ yếu xuất thô hoặc sản phẩm thành phẩm dưới thương hiệu của nước ngoài. Hàng có thương hiệu Việt Nam chỉ mới vào các cửa hàng nhỏ lẻ của người Việt Nam ở nước ngoài mà chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn. Ngay cả mấy năm qua chúng ta tập trung xây dựng thương hiệu "Vietnam rice" nhưng vẫn chưa xuất được sản phẩm gạo nào dưới thương hiệu này.
"Câu chuyên xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam chúng tôi biết là đang chậm nhưng theo tôi vẫn chưa muộn", Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.
Bắt đầu từ thị trường 100 triệu dân Việt Nam
Ông Cường cho rằng, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và trên cơ sở thị trường 100 triệu dân nội địa. Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước. Nếu không có nền tảng này, khách hàng quốc tế cũng sẽ thiếu lòng tin với sản phẩm của chúng ta. Đây là đối tượng khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần chăm sóc.
Đồng quan điểm với nhiều diễn giải phát biểu trước đó, ông Cường nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia: Để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam chúng ta cần có đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp có tâm huyết với quốc gia, dân tộc.
Song song, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là vấn đề về mặt chính sách, đang nghiên cứu cải thiện...
Ông Cường tâm huyết: Tôi tin rằng không chỉ Cục Trồng trọt hay Bộ NN-PTNT mà các cơ quan nhà nước cũng sẽ tham gia hỗ trợ hết sức mình những cái đó. "Chúng tôi cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt. Về phần mình, sau hội thảo này tôi sẽ soạn thảo báo cáo, tập hợp các ý kiến của các diễn giả để báo cáo Bộ trưởng. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong Bộ và giữa các bộ với nhau cũng như giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp...", ông Cường nhấn mạnh.
"Chúng ta phải có khát vọng xóa lời nguyền nông sản xuất khẩu không có thương hiệu, bán dưới danh nghĩa người khác", ông Cường tâm huyết.
Bình luận (0)