Xóa 'luật ngầm' ở Bến xe Q.8

12/10/2020 07:38 GMT+7

Từ chứng cứ PV Thanh Niên cung cấp, Công an Q.8 (TP.HCM) nhanh chóng vào cuộc xử lý, đưa 6 người thuộc 2 nhóm ở khu vực Bến xe Q.8 về trụ sở để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Sáng 11.10, từ chứng cứ PV Thanh Niên cung cấp, Công an Q.8 (TP.HCM) nhanh chóng vào cuộc xử lý, đưa 6 người thuộc 2 nhóm ở khu vực Bến xe Q.8 về trụ sở để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, giữa tháng 9, Thanh Niên nhận được đơn bạn đọc tố cáo nạn trấn lột trước cổng Bến xe (BX) Q.8 (QL50, P.5, Q.8). Đơn do nhiều chủ xe buýt hoạt động tại BX Q.8 (nay là Ga hành khách Q.8) nêu đích danh 2 nhóm “giang hồ” cát cứ trước cổng ra, vào của BX ngang nhiên thu tiền của các tiếp viên, chủ xe buýt và người dân gửi hàng hóa qua đây. Những nhóm này lộng hành thời gian dài, người nào bức xúc phản ứng liền bị chúng đe dọa, thậm chí đánh đập... PV Thanh Niên đã vào cuộc, ghi nhận thực tế đúng như người dân tố cáo.
Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8

Đen ngang nhiên lấy tiền của người dân

Chặn cả đầu vào lẫn đầu ra

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nạn thu tiền trấn lột diễn ra cả ở cổng vào và ra của BX. Trấn giữ khu vực cổng vào (đường QL50) là một người tên Đen (khoảng 45 tuổi), phụ giúp việc khiêng hàng hóa, thu tiền có Tùng (khoảng 42 tuổi) và một nam thanh niên (khoảng 25 tuổi).
Nhóm này hoạt động chuyên nghiệp, trang bị cả dù che mưa nắng, thêm bộ bàn ghế nhựa làm nơi cát cứ túc trực nhận hàng. Mỗi khi xe buýt tuyến Cần Giuộc (Long An) - BX Q.8, tuyến Gò Công (Tiền Giang) - BX Q.8 vào bến, nhóm này chạy ra chặn đầu xe, bê hết hàng hóa xuống, tập kết lại đợi khách đến nhận, thu tiền. Nếu khách muốn nhận hàng từ nhân viên xe buýt, nhóm này liền xua tay ngăn cản. Có những món hàng nhỏ bằng nắm tay nhóm này cũng buộc khách phải trả 5.000 - 10.000 đồng/món.
Theo một văn bản của Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) gửi Hợp tác xã xe khách liên tỉnh Miền Tây, hợp đồng đặt hàng thực hiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá (là những nhà xe đã có đơn gửi tòa soạn Báo Thanh Niên) có quy định: “Chở hàng hóa; hành lý cồng kềnh chiếm diện tích không lớn quá (60 x 80 x 120 cm) và trọng lượng không quá 20 kg”. 
Tương tự, trước cổng xe ra (đường Tạ Quang Bửu) có Cu “anh” (khoảng 45 tuổi), Lộc (khoảng 50 tuổi) chốt chặn. Phụ việc cho 2 người này có Tèo (khoảng 40 tuổi). Theo ghi nhận của PV, suốt nhiều ngày liền hàng hóa được tập kết ở đây khá nhiều và diễn ra liên tục. Dường như lúc nào hàng cũng chất thành đống, đợi xe buýt xuất bến sẽ chất lên. Cứ mỗi cục hàng (vừa và nhỏ) khách phải đóng cho nhóm Cu “anh”, Lộc 5.000 đồng phí gửi hàng trước cổng BX; tiếp viên xe buýt muốn chở hàng cũng phải đóng thêm cho nhóm này 5.000 đồng. Vị chi, mỗi cục hàng khách và nhân viên xe buýt bị nhóm Cu “anh”, Lộc ăn chặn 10.000 đồng. Chưa kể, hàng hóa có kích thước lớn, nặng, giá có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8

Tùng ép người dân phải đưa tiền, sau đó mới cho lấy hàng

Giật hàng trên tay khách rồi thu tiền giữ hàng

Chiều 25.9, một hành khách gửi gói đồ kích cỡ 20 x 30 cm, nặng khoảng 1 kg trên xe buýt tuyến Gò Công - BX Q.8. Xe cập bến, thấy người đến nhận gói hàng này lơ ngơ trước cổng, Đen liền ra hiệu cho đồng bọn tới hỏi: “Lấy hàng hả em trai?”. Khách vừa gật đầu thì được Tùng dẫn vào BX, yêu cầu đọc tên, số điện thoại và buộc đưa 10.000 đồng “tiền giữ hàng”.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, 6 người bị Công an Q.8 đưa về trụ sở để làm rõ những dấu hiệu liên quan hành vi cưỡng đoạt tài sản, gồm Trịnh Quốc Kiệt (tức Đen, 46 tuổi, ngụ Q.4), Đặng Ngọc Tùng (47 tuổi, ngụ Q.8), Lê Trung Hiếu (25 tuổi, ngụ Q.3, thuộc nhóm “trấn giữ” cổng xe vào -PV); Võ Văn Châu (tức Cu “anh”, 47 tuổi), Tô Vân Lộc (49 tuổi, đều ngụ Q.8), Dương Hoàng Trăng (tức Tèo, 39 tuổi, quê Long An, thuộc nhóm “trấn giữ” cổng xe ra - PV)... Đến 20 giờ tối qua, công an vẫn đang xác minh nhân thân, lý lịch của những người này.
Để kiểm chứng nạn trấn lột, ngày 26.9, PV Thanh Niên gửi gói hàng là một hộp nhang muỗi nặng vài gram theo xe buýt từ Gò Công lên BX Q.8. Khoảng 15 giờ, xe cập bến, PV túc trực trước cổng bến và nhận hàng trực tiếp từ tay tiếp viên xe buýt thì Tùng sấn lại, hất hàm: “Tiền gửi hàng.... 10.000 đồng”. PV thắc mắc vì sao phải trả vì tiền gửi hàng đã trả cho nhà xe thì Tùng gằn giọng “luật ở đây là vậy” và buộc đóng 10.000 đồng.
Ngày 3.10, PV tiếp tục gửi gói hàng kích thước 15 x 20 cm, nặng khoảng 0,5 kg từ Gò Công lên BX Q.8 và quyết không đưa tiền để xem phản ứng của nhóm người này ra sao. Khi PV lấy hàng từ tay tiếp viên xe buýt, Tùng lao đến đòi tiền. “Hàng hóa không có cho vô, hiểu không? Tụi tui giữ hàng, bốc xếp ở đây. Hàng hóa xuống đây, bất cứ cái gì cũng phải lấy tiền, không một ai ngoại lệ (!?)”, Tùng nói rồi giật gói đồ trên tay PV, mang thẳng vào đưa Đen đang ngồi ngay cổng BX. PV đành vào đưa tiền cho Đen thì người này tỏ vẻ thông cảm: “Dù giữ 5 - 10 tiếng đồng hồ hay không giữ, cũng lấy 10.000 đồng. Cái này đâu phải làm tầm bậy tầm bạ, công an còng đầu sao. Hiểu không, phải nói cho rõ ràng, thí dụ sinh viên thì lấy 10.000 đồng, chứ bình thường phải trả 15.000 đồng mới cho lấy”.
Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8

Lộc (trái) và Cu “anh” trấn giữ trước cổng xe ra ở Bến xe Q.8

Cùng ngày 3.10, thấy PV chạy xe máy cầm một hộp đồ nhỏ (hộp nhang muỗi) chạy vào cổng xe ra (đường Tạ Quang Bửu), Lộc đang ngồi trước cổng bến liền ngoắc lại. Biết khách muốn gửi gói hàng đi Gò Công, Lộc chốt giá “Tiền giữ hàng 5.000 đồng, phí gửi 20.000 đồng” và yêu cầu khách đóng, xong xé vé đưa khách.
Theo quan sát của PV, vé ghi thông tin “phiếu giữ xe máy”, nhưng số xe 51B - 135xx là biển số xe buýt chở hàng và số 07663268xx là số điện thoại chủ xe buýt, thông tin về ngày, tháng, năm bỏ trống. Lát sau, khi giao gói hàng cho tiếp viên xe buýt, Lộc thu thêm của người này 5.000 đồng tiền… giữ hàng (!?).
Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8

Lộc thu tiền... giữ hàng của người dân trước cổng Bến xe Q.8

Thu tiền triệu mỗi ngày

Những ngày xâm nhập thực tế, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều nạn nhân gửi hàng tại BX Q.8 rất bức xúc vì bị nhóm “giang hồ” ngang nhiên thu tiền phi lý, nhưng họ không dám phản ứng, cự cãi. Anh T.D.M (ngụ Q.Bình Tân), bức xúc: “Tôi nhận 4 bao hàng từ Gò Công gửi lên TP.HCM. Tiền xe là 120.000 đồng/4 bao. Rồi bị tụi “giang hồ” trấn lột thêm 30.000 đồng nữa. Tự nhiên phải tốn tiền phí 2 đầu. Có khi vài can rượu dưới quê (Tiền Giang) gửi lên, xe chưa tới tôi đã tới đứng ở cổng đợi rồi, có ai giữ đồ gì đâu. Vậy mà nhóm này cũng bắt tôi phải đưa 10.000 đồng/can. Tiền xe trả đã đành, còn tiền bốc vác, tiền lưu giữ hàng hóa thì họ có làm gì đâu mà cũng chặn lấy tiền. Giữa ban ngày mà tụi này quá lộng hành, còn đâu luật pháp!?”.
Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8

Công an Q.8 đến Bến xe Q.8, đưa những người cát cứ, thu tiền ở bến xe về trụ sở làm việc

ảnh: trác rin

Tương tự, chị Th. (quê Gò Công, Tiền Giang) phản ánh: “Tôi gửi 2 đòn bánh tét đựng trong hộp nhỏ, nặng khoảng 1,5 kg dưới quê lên cho em tôi. Xe cập bến, em tôi tới lấy mà nhóm “giang hồ” ở BX không cho nhận. Họ nói luật ở BX Q.8 là hàng hóa dù bất cứ thứ gì cũng phải qua tay họ mới được lấy; buộc em tôi phải đưa 10.000 đồng mới chịu trả 2 đòn bánh tét”...
Theo một giám đốc HXT vận tải (xin giấu tên) đang hoạt động trong BX Q.8, mỗi ngày tuyến Cần Giuộc - BX Q.8 có khoảng 44 chuyến (cả đi và về); tuyến Gò Công - BX Q.8 có 120 chuyến, tổng các chuyến xe rời, cập bến của 2 tuyến này ở BX Q.8 mỗi ngày khoảng 164 lượt. Còn theo nhiều chủ xe buýt, mỗi chuyến xe đi, đến bến chở trung bình khoảng 4 cục hàng lớn, nhỏ, mỗi cục hàng hai băng nhóm “giang hồ” thu khoảng 10.000 đồng nên số tiền thu lợi bất chính lên hàng triệu đồng mỗi ngày. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.