Xóa quy định cứng nhắc

22/12/2020 04:46 GMT+7

Những rắc rối xung quanh việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trong tuyển dụng lao động hoặc thi đầu vào, đầu ra đã tồn tại lâu nay và ngày càng trở nên bất cập khi có quá nhiều chứng chỉ cùng tồn tại với những quy định cứng nhắc.

Ngoài hệ thống chứng chỉ quốc tế phổ biến, tồn tại lâu đời như TOEFL, TOEIC, IELTS , Cambridge exams… hiện còn có các trình độ theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, các chứng chỉ mang tính chất “nội địa” như VNU-EPT của ĐH Quốc gia TP.HCM, bài thi VSTEP của Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội…
Từng có một thời gian sinh viên, học viên các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM bức xúc khi vừa buộc phải có chứng chỉ VNU-EPT để đủ điều kiện đầu ra đại học hoặc cao học vừa phải lo lấy thêm các chỉ quốc tế để ra trường có thể xin việc vì các đơn vị tuyển dụng hoàn toàn không biết gì đến cái gọi là chứng chỉ VNU-EPT. Tương tự, nhiều sinh viên ra trường, lấy chứng chỉ theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam nhưng khi tuyển dụng vào các doanh nghiệp nước ngoài, họ yêu cầu phải có chứng chỉ quốc tế chứ không chịu quy đổi.
Ngược lại, như trường hợp một số giáo viên nước ngoài đã có IELTS, nhưng khi vào Việt Nam giảng dạy, ngoài những yêu cầu về chứng chỉ/bằng cấp nghiệp vụ sư phạm, còn có thêm khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam?
Những rắc rối này có thể giải quyết nếu xác định rõ phạm vi sử dụng các chứng chỉ. Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, vì thế những chứng chỉ do các tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín cấp đã được thừa nhận trên toàn cầu do đó không nên thêm động tác quy đổi, “phiên ngang” với các chứng chỉ mang tính chất “nội địa” của Việt Nam. Do đó, để không rắc rối cho người học khi ra trường tìm việc trong thời đại toàn cầu hóa, nên quy định chuẩn đầu ra theo chuẩn quốc tế.
Những chứng chỉ trong nước thật sự có cần thiết không cũng là vấn đề đáng để đặt ra. Các chứng chỉ tiếng Anh của riêng 2 ĐH Quốc gia có giá trị như thế nào để cần tồn tại? Đã có khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn châu Âu (CEFR) phiên theo các chứng chỉ quốc tế thì thêm khung đánh giá năng lực ngoại ngữ Việt Nam để làm gì khi khung này được xem là xây dựng tương thích với CEFR? Nên chăng những chứng chỉ này chỉ có giá trị nội bộ khi yêu cầu người học/người lao động có một trình độ tiếng Anh nhất định chứ không quy đổi với chứng chỉ quốc tế.
Những rắc rối trong sử dụng chứng chỉ tiếng Anh còn thể hiện qua việc quy đổi tương đương giữa các trình độ trong đánh giá tiếng Anh khi tuyển dụng viên chức. Chẳng hạn chứng chỉ chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C ban hành theo Quyết định số 177/QĐ.TCBT ngày 30.1.1993 tương đương với khung CEFR. Và những chứng chỉ này do yếu tố lịch sử, lại có giá trị lâu dài. Trong khi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lại chỉ có giá trị trong thời hạn 2 năm. Chất lượng giữa người có chứng chỉ A, B, C của Việt Nam không có sự đồng nhất là điều ai cũng thấy nhưng buồn thay giá trị của nó trong tình huống này lại cao hơn các chứng chỉ quốc tế rất nhiều.
Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá học ngoại ngữ bằng thực chất chứ không phải bằng những quy định cứng nhắc về chứng chỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.