Chỉ còn vài ngày nữa năm học 2016-2017 bắt đầu, thế nhưng hàng trăm phụ huynh ở ấp Dên Dên, TT.Tân Phú, H.Đồng Phú (Bình Phước) như đang ngồi trên lửa khi nhận được thông báo con em họ không được học ở điểm trường mà phải chuyển ra trường chính cách xa nhà hàng chục cây số.
Có mặt tại điểm trường tiểu học Tân Phú (ấp Dên Dên, TT. Tân Phú, H.Đồng Phú), trước mắt chúng tôi là 5 phòng học được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng sắp bị bỏ hoang. Còn hàng trăm học sinh thì phải lội bộ hàng chục cây số đi học tại trường chính là Trường tiểu học Tân Phú. Nghịch lý này không chỉ khiến phụ huynh bức xúc mà còn khiến các em học sinh lo lắng bởi con đường đến trường của các em nay đã trở nên xa hơn, thậm chí là phải đối mặt với nguy cơ thất học.
Người dân ở ấp Dên Dên phần lớn là dân nghèo, công việc chủ yếu cạo mủ sao su thuê kiếm sống. Việc hàng ngày phải đưa đón con em đến trường đối với họ gần như là điều không thể. Anh Vương Văn Khoa, một phụ huynh có con học tại điểm trường bức xúc: “Chúng tôi đi làm mướn cách nhà 15-20 cây số, trong đó có khoảng 5-7 cây số là đường rừng. Sáng ra cạo mủ cao su xong thì quay về không kịp đưa đón con đi học. Nếu nhà trường kiên quyết yêu cầu chuyển con em chúng tôi về trường chính thì chúng tôi đành chấp nhận để các cháu nghỉ học chứ không có cách nào khác”.
tin liên quan
Họp phụ huynh 2 trường lấy ý kiến tăng học phí cho... cả tỉnhĐó là cách làm hết sức xuê xoa của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị trong quá trình xây dựng đề án tăng mức học phí toàn tỉnh Quảng Trị năm học 2016-2017, trước khi tham mưu UBND tỉnh, trình ra HĐND để thông qua.
Theo phân tích của hầu hết người dân, việc chuyển ra điểm trường chính không chỉ tạo áp lực cho gia đình học sinh mà còn gây ra sự lãng phí vô cùng lớn. Bởi điểm trường lẻ ấp Dên Dên là điểm trường thuộc Dự án phát triển giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD-ĐT. Điểm trường này cũng đã hoàn thiện các công trình phụ liên quan bằng nguồn tiền xã hội hoá do phụ huynh học sinh đóng góp. Ông Lê Thanh Tứ - Hội phó Hội cha mẹ học sinh Trường tiểu học Tân Phú thắc mắc: “Cái trường này tôi làm hội phó hội cha mẹ học sinh từ 3-4 năm nay, điện nước, nhà vệ sinh…phần lớn do cha mẹ học sinh tham gia đóng góp. Điểm trường này đang hoạt động tốt không hiểu sao người ta lại bỏ”.
Theo giải thích của Ban giám hiệu Trường tiểu học Tân Phú, việc chuyển học sinh từ điểm lẻ sang điểm chính là để tạo cơ hội cho các em tiếp cận với những điều kiện học tập tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho giáo viên tham gia đứng lớp. “Khó khăn khi giữ điểm trường ở ấp Dên Dên là việc điều tiết giáo viên bởi biên chế giáo viên đứng lớp của trường hàng năm chỉ vừa đủ hoặc thiếu, trong khi học sinh của toàn trường năm học 2016 - 2017 lại tăng lên gần 1.200 học sinh. Với số lượng học sinh như hiện nay thì nhà trường còn thiếu ít nhất 3 giáo viên.Vì thiếu giáo viên nên buộc chúng tôi không thể giữ lại điểm trường này”, cô Mai Thị Ngà - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phú nói.
tin liên quan
Có nên nêu tên học sinh yếu kém tại cuộc họp phụ huynh?Trong một năm học, thông thường sẽ có ít nhất 2 - 3 cuộc họp phụ huynh vào đầu năm, cuối học kỳ 1 và cuối năm.
Ấp Dên Dên hiện có khoảng 400 hộ dân với hơn 1.700 nhân khẩu, trong đó có gần 200 học sinh đang trong độ tuổi đến trường. Nếu chủ trương xoá bỏ điểm trường tiểu học Tân Phú tại ấp Dên Dên của ngành GD-ĐT Đồng Phú được triển khai ngay trong năm học này thì nhiều học sinh tại đây đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học.
Bình luận (0)