|
Cái nghèo đeo đẳng vì tảo hôn
Thôn Tân Quang vốn là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Sông Phan, H.Hàm Tân (Bình Thuận). Thôn có 309 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người dân tộc Rắc lây, K’ho, Chăm... Tập tục sinh hoạt của đồng bào nơi đây là thường xuyên kết hôn, sinh con đẻ cái sớm nên cái nghèo cái khổ , thiếu đói cứ đeo đẳng họ quanh năm suốt tháng.
Trước vấn nạn tảo hôn sớm, chính quyền xã đã ra sức vận động, tuyên truyền và xử phạt nhưng không thể giải quyết triệt để. Bà con dân bản vẫn chưa thông hiểu được hậu quả của việc lấy chồng, sinh con đẻ cái sớm nên tình trạng tảo hôn còn tăng cao, đời sống kinh tế thôn bản càng đói nghèo, lạc hậu.
|
“Bảo bối” hương ước thôn
Trong lúc chính quyền đang “đau đầu” vì chưa tìm ra lời giải cho “bài toán” tảo hôn thì ở địa phương đã có sáng kiến áp dụng hương ước, quy ước của làng để ràng buộc con em mình. Nhờ “bảo bối” hương ước, quy ước mà gần 4 năm nay nạn tạo hôn ở thôn Tân Quang được đẩy lùi.
Chị Nguyễn Thị Chiêu, (40 tuổi, thôn Tân Quang) chia sẻ: “Nghèo khổ lắm rồi, không đẻ nhiều nữa đâu. Vợ chồng tui có 2 đứa con gái lớn hơn 18 tuổi rồi nhưng không gả sớm đâu, để cho nó có công việc ổn định rồi mới cho cưới”.
Tìm gặp lãnh đạo thôn để tìm hiểu về “bảo bối” giúp xóa nạn tảo hôn, ông Lê Xuân Dâm, Bí thư chi bộ thôn Tân Quang cười khà khà: “Ngày trước thôn có nhiều đôi kết hôn trước 18 tuổi, sinh con sớm mà nghèo quá không nuôi nổi nên xảy ra mâu thẫn rồi ly hôn. Nay nhờ thôn áp dụng thêm hương ước,quy ước để giáo dục nên bà con đã tự nhận thức được những tác hại của việc tảo hôn, từ đó loại bỏ dần thói quen lấy vợ, lấy chồng sớm”.
Nói thì dễ nhưng để làm được là cả một sự nỗ lực của toàn thôn. Cán bộ thôn, những người có uy tín trong làng cùng toàn thể bà con đã phải nhiều lần họp bàn để thống nhất xây dựng hương ước, quy ước thôn. “Thôn làng quy định, trai phải đến độ tuổi, biết suy nghĩ, biết làm ăn, biết làm nhà, phát rẫy, tự cất nhà cho mình mà không nhờ đến sự giúp đỡ thì mới được lấy vợ. Nữ phải biết nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc con cái, dệt vải, … thì mới được cưới chồng”, ông Dâm giải thích.
Nếu để xảy ra nạn tảo hôn thì nhà trai hoặc nhà gái phải chịu phạt và đền bù “danh giá” cho người bị bỏ. Những người làm chủ hôn, đứng ra chứng kiến cuộc hôn nhân cũng phải chịu “trách nhiệm liên đới” cho sự tan vỡ trong hôn nhân của hai vợ chồng.
Ngoài ra, những trường hợp ngoại tình, “lăng nhăng” thì làng sẽ phạt vạ rồi mới đưa ra pháp luật xử lý. Do bị phạt vạ nặng nên thanh niên làng cũng “sợ” khiến tình trạng ngoại tình cũng giảm hẳn. Nhờ vậy mà bộ mặt thôn Tân Quang dần dần được đổi mới. Đường giao thông nông thôn được đổ bê tông láng bóng khắp thôn, trẻ em được chăm sóc sức khỏe, được đến trường và học hành đầy đủ. Đời sống kinh tế thôn có nhiều khởi sắc hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Sông Phan chia sẻ: “Đây là một cách làm hay rất cần được nhân rộng để tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ nạn tảo hôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa”.
Tiểu Thiên
Bình luận (0)