Xoài keo Campuchia giá rẻ tràn ngập vỉa hè

12/11/2018 11:20 GMT+7

So với giá 27.000 đồng/kg xoài keo miền Tây trong các siêu thị, xoài keo được nhập từ Campuchia giá chỉ gần 1/3, khoảng 10.000 đồng/kg.

Xoài keo Campuchia tràn vỉa hè
Hàng chục chiếc xe đẩy bán xoài keo “ngon giòn ngọt, bao cân đủ”, có nơi ghi thêm chữ “bao muối” chỉ với giá 10.000 đồng/kg dọc các tuyến đường CMT8, Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh, lan sang đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM) vào các ngày cuối tuần. Hỏi nguồn gốc, đa số người bán trả lời là xoài miền Tây vào mùa. Nhưng của tỉnh nào thì "em chịu".  Đáng nói là trong các siêu thị như Co.op Mart - Extra, Auchan… lại không có xoài keo. Nhân viên ở đây giải thích, xoài keo đã hết mùa. Thảng hoặc, còn đôi ba trái giá bán cao gấp 3, lên đến 27.000 đồng/kg tại siêu thị Lotte nhưng hàng cũng không tươi ngon như xoài keo bán ngoài đường. 
Vì hết mùa, xoài keo ngoài vỉa hè khá đắt khách. Người đàn ông bán xoài ở đường CMT8 cho biết, mỗi ngày bán thấp nhất cũng được 50 ký, thường thì cả 100 ký. “Xoài này của Việt Nam, Tây Ninh trồng chở về Sài Gòn gần nên có giá rẻ vậy đó”, người bán cho biết. Cách đó chưa tới 20 mét, chủ một xe đẩy khác lại “rao” xoài keo của Bình Dương ngon giòn ngọt, giá rẻ như cho…
Xoài giòn ngọt của Campuchia chỉ có giá bằng nửa xoài "chua, mềm" của Việt Nam Ng.Ng
Bà H.Hà đang đẩy một xe chất đầy xoài keo bán trên đường Tô Hiến Thành phía trước chợ Tô Hiến Thành thật thà cho biết, xoài keo ngon giòn ngọt này là xoài nhập từ Campuchia. Giá bán lẻ 10.000 đồng/kg là được “định” từ vựa ở chợ đầu mối Thủ Đức. Ở khu vực quanh bến xe Chợ Lớn (Q.6, TP.HCM) giá cao hơn một chút. “Xoài Campuchia về nhiều giá thấp mới dễ bán. Giá như xoài cát trên 50.000 đồng/kg hay xoài xanh sống Tiền Giang ăn chua hơn, mềm hơn, dở hơn nhiều cũng có giá cao gấp đôi, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg khó bán hơn”. Nếu mỗi ngày bán được 1 tạ xoài keo này, chị H.Hà cho biết tiền lãi thu được khoảng 300.000 - 400.000 đồng.
Bên hông bến xe Chợ Lớn có một số điểm bán trái cây số lượng lớn. Theo một chủ cửa hàng bán trái cây ở đây, xoài keo mua sỉ loại 1 bán giá 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng phải cọc tiền trước 70% nếu mua cả tấn. Trên trang web “vựa xoài keo Campuchia” được quảng cáo “xoài keo rất to, da láng mướt hơn Ngọc Trinh”, vào đầu tháng 9 rao giá xoài keo loại quả lớn giá 19.000 đồng/kg, sang tháng 10, giá còn 12.000 đồng/kg, giá bán tháng 11 chưa thấy cập nhật.
Giá mua rẻ + trốn thuế nhập khẩu 25% = giá rẻ?
Thực tế, xoài keo Campuchia được bán tại Việt Nam với giá rẻ bằng 1/2 - 1/3 so với xoài cùng loại trong nước do sản lượng cao. Lý do thứ hai là hàng được nhập chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, trốn thuế. Nếu nhập chính ngạch, mở tờ khai trên hệ thống hải quan tự động, thuế nhập khẩu là 25%.
Thông tin từ hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho thấy, tình hình xoài nhập lậu vào Việt Nam vẫn đang “diễn ra rất nhộn nhịp và rầm rộ”. Chủ yếu được vận chuyển trái phép vào ban đêm qua hai bên cánh gà cửa khẩu để vào Việt Nam. Xoài được tập kết đưa vào các cơ sở kinh doanh trái cây, vựa dọc biên giới hai nước. Tại đây, các vựa có “nhiệm vụ” phân loại đóng gói chuyển lên xe tải phân phối tại các tỉnh.
Vùng ĐBSCL có chiều dài chung đường biên giới với Campuchia lên đến 56 km, đây là một trong những lý do khiến hàng nhập tiểu ngạch từ thị trường này vào Việt Nam ngày khó giải quyết triệt để. Đây cũng là một trong những lý do khiến quả xoài Việt khó "ngóc đầu" lên nổi khi xoài nhập vừa ngon hơn, giá rẻ hơn nhiều.
Người tiêu dùng sợ cam cũng bị bơm thuốc
Không chỉ có xoài keo, cam mật được giới thiệu từ Tiền Giang lên, vào mùa vụ năm nay cũng có giá thấp hơn năm trước gần 1 nửa. Cam mật ruột chín vàng mọng mùa vụ trước có giá 17.000-18.000 đồng/kg, tại một số tuyến đường, cam mật loại ngon cũng được bán giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình) bán giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi tại Co.opMart giá khuyến mãi 19.000 đồng/kg, ngày thường giá bán trong các siêu thị từ 27.000 - 29.000 đồng/kg.
Cam ngọt, tươi giá chỉ 10.000 đồng/kg, thấp hơn cùng thời điểm năm trước Ng.Ng
Theo chủ sạp trái cây trong chợ Tân Phước, từ sau khi có clip trên mạng quay hình ảnh một người bơm thuốc vào gốc cam (không rõ địa phương nào - PV) với giải thích thuốc kích thích tăng trưởng để cam lớn nhanh, nhiều người mua cam mật thường xuyên của sạp về uống quanh năm cũng giảm hẳn. “Họ bảo không còn tin cam Việt nữa vì toàn dùng thuốc bảo vệ thực vật quá liều, sợ như trái cây Trung Quốc”, người bán này cho hay và nói thêm, thông tin trên mạng đôi khi là con dao hai lưỡi, người ta thi nhau chia sẻ và phát tán cho mọi người biết mà không tìm hiểu thực chất từ đâu ra. Làm vậy chỉ hại nhà nông thêm thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.