Từ mong muốn thực tế
Từ tháng 10.2019, tỉnh Lào Cai đã cho học sinh (HS) THPT nghỉ học ngày thứ bảy giống như bậc mầm non và cấp tiểu học, THCS. Như vậy, các trường phổ thông của tỉnh này sẽ chỉ học chính khóa 5 ngày/tuần.
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết trước khi thí điểm cho HS nghỉ ngày thứ bảy, ngành GD-ĐT Lào Cai đã tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh HS. Việc cho HS nghỉ học ngày thứ bảy chỉ được áp dụng trên cơ sở đồng thuận của HS, phụ huynh, giáo viên và các cơ sở quản lý giáo dục (các phòng GD-ĐT huyện, thành phố). Nguyên tắc là phải đảm bảo kế hoạch năm học, thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và không được cắt xén chương trình.
Qua xin ý kiến, việc cho HS THPT học chính khóa 5 ngày/tuần đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ sở giáo dục và cũng đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc quản lý, giáo dục HS. Trước khi triển khai đại trà, Sở GD-ĐT cũng tiến hành thực hiện thí điểm ở một số trường để đánh giá tác động của việc cho HS THPT nghỉ cả ngày thứ bảy và chủ nhật.
Ngành giáo dục Lào Cai đã yêu cầu các trường trên địa bàn bố trí giáo viên, cân đối các môn học, hoạt động giáo dục, đảm bảo không quá tải đối với HS; không được thu tiền để dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường; đảm bảo thời lượng quy định cho họp hội đồng giáo dục, sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động khác của nhà trường, các tổ chức trong nhà trường.
Học sinh đi học chuyên cần hơn
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Lào Cai, các trường phải tổ chức giảng dạy linh hoạt, khoa học, không gây xáo trộn lớn; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhà trường như phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS. Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất một số trường trên địa bàn TP.Lào Cai, rút kinh nghiệm và chỉ đạo một số trường đổi mới hình thức tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho HS; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao giữa các tiết học, ca học giảm căng thẳng, tạo sự thoải mái; sắp xếp thời khóa biểu chính khóa trong các ngày học hai buổi, xen kẽ các môn không “dồn ép” gây quá tải, căng thẳng cho HS…
Sẽ giảm nội dung hoặc quá tải nếu nghỉ thứ bảyBộ GD-ĐT cho rằng nếu HS nước ta nghỉ học ngày thứ bảy sẽ dẫn đến 2 khả năng: Một là phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt. Hai là phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc của HS tiểu học là 4.865 tiết (35 phút/tiết), tương đương 2.838 giờ; HS THCS là 4.094 tiết (45 phút/tiết), tương đương 3.071 giờ. Hiện nay, hầu hết HS bậc THCS, THPT đều học 1 buổi/ngày. Nhiều trường không còn quỹ thời gian và biên chế giáo viên để tăng thời lượng môn học…
Nhiều trường cho rằng trên thực tế, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và các trường hoàn toàn có thể căn cứ vào văn bản này để xây dựng thời khóa biểu dạy học phù hợp với điều kiện giảng dạy và năng lực của HS, nếu “khéo co” thì hoàn toàn có thể cho HS nghỉ học ngày thứ bảy.
|
Trước khi triển khai tới cấp THPT, tỉnh Lào Cai đã cho các trường THCS nghỉ thứ bảy để có kinh nghiệm thực tiễn. Theo ông Bùi Ngọc Minh, Phó trưởng phòng GD trung học, Sở GD-ĐT Lào Cai, 187 trường THCS trong tỉnh đã áp dụng học 5 ngày/tuần, trong đó 5 buổi sáng và 2 buổi chiều thực hiện chương trình của Bộ GD-ĐT, các buổi chiều còn lại là hoạt động bổ trợ, ngoại khóa, trên nguyên tắc không gây quá tải cho HS, đồng thời thường xuyên có điều chỉnh cho phù hợp. Với HS ở trường nội trú, nội trú dân nuôi thì việc nghỉ học thứ bảy đặc biệt có ý nghĩa khi các em có thêm một ngày nghỉ để về thăm gia đình, tạo tâm lý thoải mái khi trở lại học tập vào đầu tuần. Nhờ vậy mà tỷ lệ chuyên cần của HS cao hơn so với khi học cả thứ bảy - các em không phải tự ý nghỉ học để có thêm thời gian ở nhà với gia đình.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết lâu nay trường đã áp dụng việc nghỉ học thứ bảy cho HS và tất nhiên để làm được điều này, đòi hỏi hội đồng giáo dục nhà trường phải xây dựng một kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ.
Từng đề xuất đưa vào luật nhưng bất thành
Trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến góp ý sửa luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) cũng chỉ ra rằng, việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó không được hiện thực hóa trong luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp trước.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho rằng: Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như Bộ GD-ĐT không quy định việc HS phải học vào thứ bảy nhưng đúng là thời lượng học tập thì các trường phải đảm bảo đủ. “Chương trình rất khuyến khích các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để rút ngắn số ngày học trong tuần và giảm áp lực học tập cho HS, nhưng điều kiện thực tế ở các nhà trường hiện nay không thể đưa vấn đề đó thành quy định bắt buộc được”, ông Thuyết lý giải.
Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn xây dựng theo hướng HS tiểu học học 2 buổi/ngày và HS trung học vẫn học 1 buổi/ngày. Hiện nay, theo phân phối chương trình khung ở bậc trung học thì thấp nhất là 29 tiết/tuần. 5 tiết (ngày) x 5 buổi (tuần), chỉ mới 25 tiết thì không thể xếp được nếu không học thứ bảy.
Bình luận (0)