Tây Bắc gói biết bao điều kỳ thú trong các món ăn dân tộc ở từng mường, từng bản, từ cơm lam, măng đắng đến thịt hun khói, nậm bịa... Nhưng thứ không thể thiếu trong các ngày lễ tết, hội hè phải kể đến xôi nếp ngũ sắc.
>> Xôi ngon hơn nửa thế kỷ
>> 'Huyền thoại' xôi cadé ở Sài Gòn
Trong một lần đi công tác trên miền Tây Bắc ấy, xe bất chợt hỏng nên chúng tôi đành rẽ vào bản xin ngủ qua đêm. Đón chúng tôi là ông trưởng bản tươi cười khoe rằng ông vừa cưới vợ cho con trai. Thế rồi chú rể ra mời chúng tôi vào nhà ăn cơm cùng gia đình trong bộ quần áo của dân tộc Thái thật đẹp. Trên sàn nhà, hũ rượu cần đặt ở giữa mâm để mọi người cung thưởng thức, cạnh đó là cơm lam, thịt lợn nướng, măng xào, thịt gà. Còn có món cơm nếp rất ấn tượng, là đặc trưng của vùng đất này: xôi năm màu hay còn gọi là xôi nếp ngũ sắc.
|
Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về loại xôi này, nhấp ngụm rượu cần, cụ trưởng bản cười khà khà rồi bắt đầu kể. Đại ngàn núi rừng Tây Bắc với sự khắt khe của thời tiết quanh năm mây mù bao phủ, địa hình hiểm trở, núi cao đất đai cằn cọc nên chỉ thích hợp với trồng lúa nếp. Giống lúa nếp nương này một năm chỉ trồng được một vụ bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 đến tận tháng 10 âm lịch mới được gặt. Sau khi thu hoạch về mọi người tuốt bằng tay đem phơi khô và dùng cho cả năm.
Vào các ngày tết, hội hè “bươn chiêng”, “síp xí” người Thái thường sử dụng nước lá cây nhuộm màu cơm nếp ở rừng. Để có món “xôi nếp ngũ sắc” tuyệt vời này người ta phải dùng gạo nếp được làm cẩn thận ngâm với các loại lá, hoa, củ truyền thống trong khoảng 4 đến 5 tiếng để có các màu như: đỏ, đen, xanh, vàng và màu trắng nguyên thủy của gạo.
Các mế, các chị có thể đồ xôi riêng từng chõ hoặc dùng lá dong, lá chuối ngăn không cho gạo nếp bị lẫn màu, sau đó ghép xôi năm màu trên đĩa, bên dưới đáy có lót thêm lá dong cho mùi thêm đậm đà. Đĩa xôi nếp ngũ sắc như đất trời thu nhỏ của núi rừng Tây Bắc, đẹp tựa cầu vồng, ngào ngạt hương hoa như bông hoa ban huyền thoại. Mỗi màu có một “tiếng nói” riêng của nó: màu đen của đất đai trù phú, màu vàng của ước muốn luôn được no ấm phồn thịnh, màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, màu xanh là màu của núi rừng, màu tím tượng trưng cho sự thủy chung và màu trắng là của tình yêu trắng trong.
Người Thái có cách đồ xôi riêng của mình. Gạo sau khi ngâm được cho vào chiếc chõ làm bằng gỗ mềm, khoét rỗng ruột bên trong, có một đầu to hơn để đậy vung, một đầu nhỏ để đồ xôi. Các mẹ, các chị luôn giữ đều lửa, xôi chín bằng hơi, thơm dẻo, không dính tay. Khi xôi chín lấy ra mâm, quạt cho bớt hơi nóng rồi gói bằng lá dong bánh tẻ cho xôi dẻo, giữ mùi thơm lâu. Những hạt nếp nương tỏa hương thơm riêng của thung lũng quanh năm mây mù, nếu nhai kỹ và cảm nhận sẽ thấy đươc vị ngọt thanh khiết.
Chúng tôi cứ thế ngồi nhâm nhi thứ xôi nếp đặc biệt ấy và nghe gia chủ kể về miền đất tuyệt đẹp Tây Bắc. Màn đêm buông xuống. Tôi bồng bềnh trong giấc ngủ thơm dịu dàng từng hạt nếp nương rực rỡ.
Bùi Việt Phương
Bình luận (0)