Xóm 'heo đất' Lái Thiêu

27/04/2015 21:05 GMT+7

Dù chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề làm heo đất, tập trung chủ yếu tại P. Lái Thiêu, TX.Thuận An (Bình Dương) nhưng người ta vẫn quen miệng gọi đây là xóm …'heo đất' để nhớ về một làng nghề truyền thống lâu đời.

Dù chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề làm heo đất, tập trung chủ yếu tại P. Lái Thiêu, TX.Thuận An (Bình Dương) nhưng người ta vẫn quen miệng gọi đây là xóm …“heo đất” để nhớ về một làng nghề truyền thống lâu đời.
Heo đất đang được những nghệ nhân trang trí trước khi đưa ra thị trường tại Cơ sở sản xuất heo đất Năm Tèo - Ảnh: Huy Anh
Theo nhiều người cao tuổi ở xóm “heo đất”, nghề làm heo đất Bình Dương trước đây quy tụ thành nhiều khu vực riêng nhưng những năm gần đây nhiều gia đình đã chuyển sang làm nghề nghề khác. Từ hơn 200 hộ làm heo đất, hiện nay chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề, chủ yếu tập trung tại P.Lái Thiêu.
Duy trì nghề bằng tình yêu
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Chủ cơ sở heo đất Năm Tèo (KP.Hòa Long, P.Lái Thiêu) cũng như nhiều bậc cao khác hoàn toàn không biết nghề thủ công này xuất hiện từ khi nào và lý do vì sao người ta gọi làng nghề là xóm “heo đất” như hiện nay. Họ chỉ biết, sinh ra đã được ngửi mùi sơn, được thấy con heo đủ màu sắc, lớn lên thì được người lớn dạy cho cách nặn đất sét, cách đổ khuôn heo, cách tô màu, vẽ hoa văn…Rồi cứ thế, công việc với con heo đất này cuốn lấy họ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm gì khác ngoài những công việc từ heo đất. Nó như ăn sâu xương, thịt tôi trong hơn 50 năm rồi”, ông Trịnh Ngọc Sơn tâm sự.
Theo ông Sơn, hiện nay bình quân một lao động sống với nghề làm heo đất mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 - 120.000 đồng/12 giờ lao động. Sản phẩm làm ra chủ yếu được giao cho thương lái mang đi tiêu thụ. Số lượng lao động theo nghề cũng giảm đi rất nhiều. “Công việc vất vả, lại đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian mà lương lại thấp nên nhiều người đã bỏ nghề để kiếm việc khác”, ông Sơn cho hay.
Ông Thái Hòa (ngụ P.Lái Thiêu) gia đình từng có 3 đời theo nghề làm heo đất cho biết: “Với một con heo đất sau khi hoàn thành tất cả các khâu thì bán ra thị trường với giá 4.000 đến 6.000 đồng trừ các khoản chi phí (nặn đất, đổ khuôn, nung, sơn màu), người lao động lời được 500 đồng/con. Do đó, việc 20 hộ gia đình ở Lái Thiêu còn làm heo đất ở đây chủ yếu là yêu nghề hoặc do truyền thống của gia đình, chứ rất ít người xác định đây là một nghề để làm giàu”.
Có chứng kiến người thợ làm heo đất ngay từ những khâu đầu tiên, tôi mới hiểu được hết nỗi cực nhọc của họ để tạo ra một con heo đất. Dưới cái nắng gay gắt, người thợ làm heo vẫn phơi mình ngoài trời để “biến” đất thành heo. Chị Lý Thị Mai, một thợ làm heo đã hơn 10 năm gắn bó với nghề cho biết: “Nghề này nhìn thế thôi chứ vất vả lắm và lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu heo được phơi dưới một cái nắng to thì coi như đã thành công và chúng tôi yên tâm lĩnh tiền tính trên sản phẩm. Nếu không may bị trời mưa thì coi như thiếu sản phẩm”.
Khó khăn là vậy, nhọc nhằn là thế nhưng phần lớn những người bám nghề đều mong làng nghề sẽ trở lại thời vàng son, mong ước con heo đất sẽ giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn. Ít ra thì từ con heo đất này con cái họ được ăn học đàng hoàng. Và những ước mơ giản dị ấy hiện tại đã có những tín hiệu lạc quan khi các cơ sở làm nghề được sự giúp đỡ của câu lạc bộ (CLB) heo đất Thuận An, UBND và Ngân hàng chính sách xã hội TX.Thuận An… làng nghề đang có những bước chuyển mình hết sức đáng mừng. Bà Lê Thị Nghiệm, Chủ nhiệm CLB heo đất Thuận An cho biết: “Hiện nay, dù heo đất Bình Dương mới chỉ được xuất qua Lào, Campuchia, Thái Lan thôi nhưng đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy đã có sự hồi sinh của làng nghề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.