Xóm nhà thuyền Hải Phòng thấp thỏm chờ ngày tái định cư

10/07/2020 09:18 GMT+7

46 hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu trên thuyền ở cuối sông Tam Bạc (P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) đang thấp thỏm chờ được hỗ trợ tái định cư, khi thời điểm bị giải tỏa đang cận kề.

Hơn 30 năm nay, đoạn sông Tam Bạc giáp sông Cấm (P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng), người địa phương quen gọi “mom thủy đội”, do ở cạnh Xí nghiệp Thủy Đội của Cảng Hải Phòng, trở thành nơi cư ngụ của nhiều phận đời chìm nổi.
Họ là những người dân chài lưới, dân tứ xứ không còn tài sản, rủ nhau về khu vực này sinh sống. Nhà của họ là những chiếc thuyền bằng bê tông neo cố định sát đường Tam Bạc. “Cuộc sống thiếu thốn, ẩm thấp nhưng tiện cho việc lên bờ kiếm ăn. Con cái cũng được hỗ trợ để đi học, tốt hơn việc lênh đênh sông nước rất nhiều”, ông Lê Văn Thực (65 tuổi), một người dân xóm nhà thuyền, chia sẻ.
Dù không chính thức thừa nhận, nhưng từ lâu, chính quyền địa phương đã coi xóm nhà thuyền là một khu dân cần được quan tâm với nhiều hỗ trợ. Những ngày mưa bão, người dân dưới thuyền đều được đưa lên bờ tránh trú. Điện và nước cũng được kéo xuống thuyền cho dân sinh hoạt từ nhiều năm nay. Chính vì lẽ đó, hơn 150 người ở xóm nhà thuyền đã nghĩ sẽ “an cư” ở đây thêm nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, trong sự phát triển không ngừng của TP.Hải Phòng, sông Tam Bạc và đường hai bên được đầu tư chỉnh trang, xóm nhà thuyền ở mom thủy đội cũng sẽ phải di dời. Giữa tháng 4 vừa qua, UBND P.Minh Khai đã thông báo đến những hộ dân dưới thuyền về việc phải đi khỏi mom thủy đội.

Sẽ báo cáo, xin chủ trương

Ông Lê Văn Huệ (46 tuổi, ở xóm nhà thuyền từ năm 1999) buồn bã: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nghe tin xóm này bị giải tỏa. Mỗi lần gặp lãnh đạo phường, quận, chúng tôi đều tha thiết bày tỏ được chính quyền hỗ trợ lên bờ định cư. Thế nhưng, đến giờ, khi sắp giải tỏa, vẫn chưa có gì cả!”. Ông Huệ cho biết, hầu hết người dân trong xóm đều không có quê quán, hoặc có quê nhưng không còn đất đai, nhà cửa, họ hàng gì ở đó cả. “Từ bé, chúng tôi đã lênh đênh trên sông với bố mẹ, rồi về đây ở. Đây chính là quê chứ đâu nữa!”, ông Huệ ngậm ngùi chia sẻ.
Nhiều lần đến xóm nhà thuyền, chúng tôi được biết, ở đây cũng có những người còn quê, còn nhà cửa ở quê. Họ ngụ cư dưới thuyền để tiện làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, phần lớn trong số hơn 40 gia đình ở xóm này là những người có quê mà như không. Đặc biệt, ở xóm có một số người già neo đơn, sống bằng nghề xin ăn. Bà Ái (74 tuổi) là một trong số đó. Bà cụ già khoèo chân, không biết chữ, lo lắng: “Nếu buộc phải đi, tôi chẳng biết đi đâu, không khéo lại ngủ vỉa hè. Tôi rất mong chính quyền có cách giúp chúng tôi!”.
Cùng tâm trạng thấp thỏm như bà Ái, bà Trần Thị Lan (46 tuổi, mẹ của 7 đứa con) đề nghị: “Tôi biết việc cấp đất là khó, nhưng nếu được, mong thành phố tạo điều kiện cho dân trong xóm chúng tôi được thuê hay mua nhà xã hội với giá ưu đãi”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Đoan, Phó chủ tịch UBND Q.Hồng Bàng, cho biết việc di dời thuyền bè trên mom thủy đội sẽ tiến hành từ ngày 15.7 tới, chậm nhất đến 31.7 phải xong.
Ông Đoan cho biết: “Chiều 17.6, tại UBND P.Minh Khai, UBND Q.Hồng Bàng đã tổ chức họp đối thoại với các hộ dân có tàu, thuyền hiện đang neo đậu. Quận cũng ghi nhận nhiều đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, việc hỗ trợ đất đai hay nhà cửa là rất khó, vì không có căn cứ. Hiện nay, chúng tôi đã lập danh sách các hộ dân, đề nghị họ xin giấy xác nhận ở quê (nếu có) về điều kiện gia đình. Những ai có nhà thì đề nghị về quê sinh sống làm việc. Còn lại, quận sẽ sẽ báo cáo thành phố xin chủ trương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.