Thậm chí, một số ý kiến trong dư luận Thái Lan còn bàn tán việc Malaysia cố tình không hạn chế chiều cao của cỏ ở sân Bukit Jalil với mục đích cản trở lối chơi ban bật của “Voi chiến”. Đây cũng được xem là lời giải thích vì sao Malaysia không còn thua Thái Lan tại “chảo lửa” Bukit Jalil kể từ năm 2015 đến nay.
|
Hiện tại, sân Bukit Jalil đang sử dụng loại cỏ bò (được biết đến với tên khoa học Axonopus) sau khi được đưa vào trồng thay thế cho loại cỏ Bermuda (loại phổ biến và tốt nhất hiện nay) kể từ năm 2015.
Theo tờ New Straits Times (Malaysia), việc thay đổi để sử dụng cỏ thân bò nhằm phù hợp với điều kiện môi trường và ánh sáng của sân Bukit Jalil do Bermuda sinh trưởng tệ ở Bukit Jalil. Theo đó, với việc thiết kế một số mái che vòm, sân này chỉ nhận được ánh sáng mặt trời 4 giờ mỗi ngày nên chỉ có chỉ có loại cỏ bò mới có thể đủ sức chịu đựng và sinh trưởng dưới điều kiện này.
Tuy nhiên, nếu sử dụng cho mặt sân bóng đá, khác với “họ hàng” Bermuda, loại cỏ bò lại có nhược điểm rất lớn là cản trở tốc độ của trái bóng khi có thân dày hơn và rễ cắm sâu… Trong đó, nếu gặp mưa trước hoặc sau trận đấu, mặt sân rất dễ sũng nước, trơn trượt, tốc độ trái bóng giảm thiểu.
|
Vì vậy, trong một bài viết của Siam Sport sau trận thua Malaysia 1-2 vừa qua, tờ báo này đã đề cập đến việc lối chơi ban bật (một kiểu như Tiqui-Taca) của tuyển Thái Lan đã thực sự gặp khó vì chủng loại lẫn chiều cao cỏ (25mm) ở Bukit Jalil dẫn đến đoàn quân của HLV Nishino chơi rời rạc. Màn trình diễn mờ nhạt của Thái Lan khiến người hâm mộ khá bất ngờ khi sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 của “Voi chiến” và chủ động kiểm soát bóng đã vận hành rất tốt ở 2 trận thắng trước Indonesia (3-0) và UAE (2-1).
Tờ Siam Sport dẫn một bài viết của New Straits Times cho rằng việc sử dụng cỏ và chiều cao cỏ đã được Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) đặt hàng nên phải thay đổi vào năm 2015. Việc thay đổi từ loại cỏ Bermuda sang cỏ thân bò được cho là phù hợp với lối chơi bóng dài của tuyển Malaysia sau khi FAM và HLV Tan Cheng Hoe đã yêu cầu phải cắt cỏ với chiều cao 25mm.
“Chiều cao này dù không vi phạm luật FIFA (cho phép chiều cao của cỏ mặt sân từ 20 - 30mm), nhưng tốc độ của bóng sẽ nhanh hơn nếu chiều cao càng được cắt ngắn hơn”, Razeen Adam Daud - giám đốc điều hành đơn vị quản lý sân Bukit Jalil, cho biết.
|
Tác động chiều cao của cỏ từng được nhắc đến không ít lần trong bóng đá thế giới. Trong đó, Pep Guardiola được cho là HLV luôn đặc biệt chú ý đến chiều cao của cỏ khi đội bóng được ông dẫn dắt luôn hướng đến lối chơi Tiqui-Taca và kiểm soát bóng. Khi còn làm HLV của CLB Barcelona và Bayern Munich, nhà cầm quân người Tây Ban Nha luôn yêu cầu chiều cao chính xác của cỏ trên mặt sân nhà là 19 mm. Sau khi đến Man City, Guardiola yêu cầu chiều cao của cỏ sân Etihad và các sân tập là 23mm (cao hơn 2 đội bóng trước đó do điều kiện thời tiết nước Anh).
Vì vậy, Thái Lan chắc chắn sẽ an tâm hơn trong chuyến hành quân đến sân Mỹ Đình để đụng độ Việt Nam ở trận đấu có ý nghĩa quan trọng thuộc khuôn khổ bảng G vào ngày 19.11 tới. Bởi hiện nay, sân Mỹ Đình đang được trồng loại cỏ Bermuda tốt nhất thế giới.
Bình luận (0)