Xót của công

23/11/2013 01:52 GMT+7

Phiên tòa sơ thẩm xét xử “đại án” tham nhũng làm thất thoát hàng chục tỉ ở Công ty Vifon của TAND TP.HCM đang diễn ra với những tình tiết rất đáng bàn, đặc biệt là khi có luật sư đã thẳng thắn đề nghị triệu tập Bộ Tài chính tham gia tố tụng.

Vụ án này kéo dài đã gần 7 năm. Đây không phải vụ án bình thường mà được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng xếp vào tốp 10 “đại án” tham nhũng, với con số thiệt hại được cáo trạng xác định lên đến 14 tỉ đồng. Vào những năm 2002 - 2006 thì đây không phải là số tiền nhỏ. Nhưng chuyện đáng nói là khi hai cơ quan của Chính phủ là Bộ Công thương và Bộ Tài chính đùn đẩy nhau không chịu tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự để đòi lại quyền lợi cho nhà nước.

Trong khi đó, xét trong vụ án hình sự thì trách nhiệm của nguyên đơn dân sự không hề nhỏ. Họ là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quan trọng ở chỗ, người bị hại có quyền không yêu cầu bồi thường. Còn nguyên đơn dân sự, nhất là có nguồn vốn nhà nước thì bằng mọi giá phải yêu cầu bồi thường. Phải thu đủ để ngân sách nhà nước không thất thoát, tổ chức không mất tiền.

Trước đây trong vụ án tham nhũng đất đai xảy ra ở H.Hóc Môn (TP.HCM), Ngân hàng Agribank Chợ Lớn bị các bị cáo chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỉ đồng. Nhưng xử sơ thẩm lần đầu, Hội đồng xét xử đã thuyết phục, phân tích cặn kẽ... đại diện của Agribank vì những lý do này lý do khác vẫn từ chối yêu cầu bồi thường, đẩy Hội đồng xét xử... vào thế khó. Với trọng trách nhân danh pháp luật, trách nhiệm của công dân, Hội đồng xét xử đành phải “chữa cháy” bằng cách tuyên tịch thu xung công quỹ số tiền này để tránh thất thoát ngân sách. Nhưng việc “chữa cháy” như vậy không đúng pháp luật và đây cũng là một trong những lý do để cấp phúc thẩm sau đó hủy án. Quanh đi quẩn lại cuối cùng ngân hàng này mới chịu xác định bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

Tương tự, “đại án” tham nhũng tại Vifon lần này cũng vậy. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì có 3 đơn vị được xác định là nguyên đơn dân sự. Ngoài Vifon là Bộ Tài chính và Bộ Công thương nhưng suốt chừng ấy năm hai bộ này không hề có đơn vị nào yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền thất thoát. Thậm chí, luật sư đã nhắc khéo việc hai bộ không thiệt hại về pháp lý sẽ không “buộc” được bị cáo tham ô công quỹ, cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách... nhưng mọi việc vẫn đâu vào đó. Đó là chưa nói đến chuyện bộ này đổ cho bộ kia là cơ quan bị thiệt hại. Chưa dừng lại ở đó, việc có mặt đại diện của Bộ Công thương tại tòa những ngày qua cũng cho thấy việc chưa quyết liệt đòi quyền lợi về cho nhà nước. Trong khi đó, với tư cách là công ty cổ phần không còn vốn nhà nước, đại diện Vifon yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho mình hết khoản này đến khoản nọ. Chẳng lẽ, trách nhiệm đòi quyền lợi của “công” lại theo kiểu “không ai khóc” chăng?

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.