Xứ An Nam qua mắt người Pháp

26/09/2019 06:08 GMT+7

Buổi tọa đàm Tinh túy xứ An Nam đã cho cái nhìn rộng hơn về cách người Pháp viết về xứ An Nam.

“Sau sự tiếp xúc bằng súng ống, những cuộc xâm lược, thao tác chính trị, vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã bắt đầu bình tâm hơn để nghiên cứu và tìm hiểu VN từ phương diện văn hóa, phong tục, tập quán, tính cách..., từ đó định hình một “biểu khung” về An Nam bằng tiếng Pháp để công chúng, người cai trị, hay chính quyền hiểu về An Nam”, nhà nghiên cứu - TS Mai Anh Tuấn nhìn nhận.
Buổi tọa đàm Tinh túy xứ An Nam (diễn ra ngày 24.9 tại Hà Nội) không chỉ xoay quanh bộ ba cuốn sách viết về xứ An Nam là Tâm lý người An Nam của Paul Giran, Nghệ thuật xứ An Nam của Henri Gourdon và Bắc Kỳ tạp lục của Henri M.Souvignet, mà còn nhìn rộng ra về cách người Pháp viết về xứ An Nam đặt trong bối cảnh lịch sử.

“Khám phá” An Nam ở nhiều phương diện

Xứ An Nam qua mắt người Pháp

Các loại giường sập An Nam

Những cuốn sách đầu tiên người Pháp viết về phương Đông (trong đó có Đông Dương) đã xuất hiện từ thế kỷ 1 - 2. Tuy nhiên, đó hầu như là những cuốn hướng dẫn, cẩm nang, bản đồ phục vụ cho việc bang giao, thương mại, đi lại bằng hàng hải... Phải đến thế kỷ 17 mới có những ghi chép đầy đủ hơn về xứ An Nam. Ông Emmanuel Cerise, chuyên gia kiến trúc, đại diện
Ile-de-France tại Hà Nội, nhắc lại vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes, được coi là người mở đầu cho tiếng nói của phương Tây, của người Pháp với An Nam qua cuốn sách Lịch sử vương quốc đàng ngoài được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1650.
Bên cạnh nhóm các nhà truyền giáo, linh mục, giáo sĩ, có nhiều nhóm tác giả khác viết về An Nam như những ký giả, lữ khách, chính khách, chính trị gia, viên chức trong hệ thống bộ máy thực dân, nhà thám hiểm, thương gia... Họ khám phá An Nam ở nhiều phương diện, từ địa lý, môi trường tự nhiên, cảnh quan, tiếp đó đến thể chế, cấu trúc xã hội, rồi lịch sử, nghệ thuật, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, tính cách, tâm lý...
“Nhu cầu tìm hiểu, khám phá định hình sức hiểu của người Pháp về An Nam liên quan chặt chẽ đến việc người Pháp đô hộ An Nam về mặt chính trị, kinh tế”, ông Tuấn nói. Bắt đầu đầu thế kỷ 20, người Pháp cần hiểu về An Nam để phục vụ cho mục đích cai trị. Cũng từ giai đoạn này, những cuốn sách về An Nam ngày càng được chú ý. Cùng với những học giả, nhà nghiên cứu, hệ thống nghiên cứu của Pháp đã bắt đầu được định hình ở VN với sự hình thành và ảnh hưởng của Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, cùng hệ thống tạp chí nghiên cứu và hệ thống giáo dục Pháp tại VN, mức độ nghiên cứu khảo sát về An Nam trở nên chuyên nghiệp và có tầm vóc hơn.

Nhìn nhận với độ lùi lịch sử

Xứ An Nam qua mắt người Pháp

Nội thất một nhà giàu An Nam

Trong cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam do tổng giám đốc đầu tiên của Nha Học chính Đông Dương Henri Gourdon viết, được Nhà xuất bản Boccard phát hành vào năm 1933, đáng chú ý có những nghiên cứu về mỹ thuật. Henri Gourdon nhận thấy mỹ thuật xứ An Nam gắn chặt với tôn giáo, trong đó đình, đền, chùa miếu là những nơi gắn liền với óc mỹ thuật, óc sáng tạo của người Việt. Henri Gourdon đánh giá cao nghề thủ công mỹ nghệ, chạm trổ điêu khắc của người Việt. Ông cho rằng đây là địa hạt mà những nghệ sĩ quê mùa có thể bộc lộ tài năng của mình. “Không gì có thể sánh được với độ hoàn thiện, tinh xảo trong các họa tiết khảm viền quanh các cánh tủ chè, tráp và khay; cành lá uốn lượn, hình tua cuốn dây nho đạt tới độ tinh tế khiến người ta phải thắc mắc làm sao có thể làm được như thế với một chất liệu dễ gãy vỡ như xà cừ và những công cụ thô mộc...”, ông viết. Theo TS Mai Anh Tuấn, Henri Gourdon đã có những quan sát khá đặc sắc khi cho rằng: vào chùa, muốn đánh giá khả năng sáng tạo mỹ thuật xứ An Nam, đừng xem xét chính điện, tức là nhà tam bảo, mà nên đi lùi vào hậu điện, nơi có chân dung các vị thiền sư đã tạ thế được khắc lại theo cách nhìn, sáng tạo của những người thợ thủ công.
Cùng với việc mô tả bao quát nhiều vấn đề trong đời sống từ ngôn ngữ, giáo dục, văn học, lịch sử, tổ chức xã hội, chế độ thuế khóa, tôn giáo tín ngưỡng, cưới xin, tang lễ... cho đến hệ thực vật, giáo sĩ Henri Emmanuel Souvignet còn khảo cứu về thói hư tật xấu của người Việt trong cuốn Bắc kỳ tạp lục ra đời vào năm 1903. Henri Emmanuel Souvignet viết: “Người An Nam rất trọng việc học hành. Việc người biết chữ được kính trọng và có vai trò nổi trội trong đời sống xã hội và chính trị của xứ sở này đã đủ chứng tỏ điều đó”. Ông cũng cho rằng mục đích theo đuổi học vấn của người An Nam cốt để phục vụ cho việc làm quan, mà không có lý tưởng như hướng đến những phát minh, tiến bộ khoa học...
Bên cạnh những quan sát, phân tích, mô tả khách quan, không tránh khỏi những cái nhìn chưa chính xác, những điểm thiên lệch, thậm chí méo mó, trong nhiều cuốn sách của các tác giả người Pháp. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã “sốc” khi đọc cuốn Tâm lý người An Nam và nhìn nhận cuốn sách mang “những tư tưởng in dấu thời cuộc”. Theo ông, điều đó cũng dễ hiểu bởi tác giả là một viên chức thuộc chính quyền bảo hộ ở Đông Dương. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cũng nhìn nhận, người Pháp đến với An Nam nhằm mục đích đô hộ nên dễ thấy họ mô tả, đối sánh mô tả xứ sở này ở tầm thấp hơn, để tạo cho mình sự tự tin chinh phục.
Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, nên nhìn nhận những quan sát, khảo cứu, nghiên cứu của người Pháp với độ lùi lịch sử, cùng sự khách quan cần có. Thực tế đã có nhiều học giả VN tham khảo nguồn tư liệu này. Chẳng hạn như cuốn Nghệ thuật xứ An Nam đã được Đào Duy Anh dẫn lại trong Việt Nam văn hóa sử cương, hay ngay cả cuốn Tâm lý người An Nam gây tranh cãi cũng đã xuất hiện trong danh mục tham khảo trong cuốn Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.