Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh không lớn, dân không đông nhưng dường như được thiên nhiên ưu đãi để rồi có đủ cả núi, rừng, sông, biển, đảo. Nhắc đến Bà Rịa-Vũng Tàu là nhắc đến tỉnh có đường bờ biển dài 305 km với rất nhiều bãi biển như Bãi Trước, Bãi Sau, Chí Linh, Hồ Cốc, Hồ Tràm, Long Hải... Nhắc đến những giàn khoan dầu khí đang đỏ lửa ngày đêm, trung tâm điện lực Phú Mỹ từng một thời cung cấp 40% điện năng cả nước, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải có thể đón tàu trên 80.000 tấn vào ra. Là nhắc đến người liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu quê Đất Đỏ trung kiên, đến bến Lộc An đón đoàn tàu "không số" hay Côn Đảo từng một thời là "địa ngục trần gian". Bà Rịa-Vũng Tàu có lễ hội Dinh Cô giao thoa nhiều văn hóa - Cầu ngư, thờ Mẫu của người Kinh kết hợp tục cúng Thần biển của người Chăm; có lễ vía Ông, lễ Trùng Cửu của những người theo đạo Ông Trần nơi nhà lớn Long Sơn; có đình thần Thắng Tam thờ ba vị tiền hiền, bên cạnh là miếu Ngũ Hành, lăng cá Ông Nam Hải.
Em đã bao giờ nghe đến núi Tao Phùng có tượng chúa Kitô dang tay ôm biển, ngọn hải đăng trên đỉnh Tương Kỳ soi tỏ giữa màn đêm, hay dưới tháp nước Nhà Tròn hàng ngàn con chim én đang làm tổ mời xuân?
2. Bà Rịa-Vũng Tàu là một không gian đa dạng sắc màu văn hóa, là sự kết tinh và dung hợp từ nhiều yếu tố, từ những vùng miền. Em sẽ không hề cảm thấy lạc lõng khi ra đường, người bên cạnh em rất có thể là một người cùng quê vào đây sinh sống, giữ cho mình chất giọng quê hương. Bà Rịa-Vũng Tàu muôn phương hội tụ: Từ Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An… cho đến Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp… Nếu đất không hiền liệu người có đến để lập nghiệp, an cư?
Em đừng ngạc nhiên khi mình đi xe máy, có người chạy cùng chiều vượt lên trước, chỉ vào xe. Rất có thể em quên gạt chân chống hay chiếc váy em mang đang sà thấp xuống đường. Cũng đừng thắc mắc khi ghé vào quán nước, thấy em ngồi một mình, có người hỏi: "Từ đâu tới, về đâu?". Không phải họ tò mò hay nhiều chuyện, chẳng qua họ muốn biết em có cùng quê quán với mình.
Những ai đã đến, chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm nơi sinh sống rồi cũng thấm vào người cái mặn mà nơi xứ biển, dễ dàng mở lòng, đón nhận, trao đi.
3. Nhớ có lần, em hỏi anh sao chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm nơi sinh sống. Anh đã trả lời em rằng do duyên nợ giữa cuộc đời đã trói buộc bước chân anh.
Anh về Tân Thành(*) cũng chỉ nghĩ là nơi trú tạm sau những tháng ngày bôn ba qua nhiều vùng đất khác. Nhưng ông trời đã cho anh gặp nhiều người tốt bụng, giúp đỡ lúc ban đầu khi thấy mình hoàn cảnh khó khăn.
Là một anh không phải người thân thích, chỉ gặp gỡ vài lần chưa hiểu rõ về nhau. Vậy mà anh ấy đã cho anh mượn tạm căn nhà cũ mà mình không sử dụng và trong suốt gần 2 năm trời không nhận lấy một xu. Là một cô nhà đối diện, cứ mỗi bữa đi chợ về lại đưa rổ sang cho. Khi dăm con cá, vài ba lạng thịt. Lúc khác lại bó rau hay vài quả táo cho đứa nhỏ con anh. Nói tiếng cảm ơn, cô chỉ cười rồi bảo: "Thấy nhà tụi bây vất vả quá, tao thương". Và còn đó… rất nhiều… Anh không tiện nhắc tên, bởi những người từng giúp anh họ không cần báo đáp, chỉ mong muốn mình có cuộc sống tốt hơn.
Rồi trong những ngày khó khăn vì đại dịch Covid-19, khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giãn cách khá lâu, kéo dài 3 tháng, anh không nhớ nổi mình đã nhận bao ân tình của người ở xứ này đã san sẻ, trao nhau.
Nhiều khi anh nghĩ, nếu không có những ân tình đó chắc giờ này anh đã xuôi về quê cũ hay lại lưu lạc nơi xứ khác mưu sinh, chứ không phải "ở lì" lại nơi đây hơn 14 năm trời để tự biến mình thành cư dân xứ biển.
4. Bà Rịa-Vũng Tàu bây giờ không còn những ngày gian lao như trước, thời cuộc đã đổi thay, cuộc sống cũng đổi thay. Nhưng anh tin chắc rằng dù có thay đổi như thế nào đi nữa thì con người Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn vậy, luôn hào sảng, nghĩa tình. Rồi một ngày em đặt bước đến nơi đây, xứ biển mặn mà sẽ dang rộng vòng tay…
(*) Tân Thành: tên gọi huyện cũ, nay là thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu
120 triệu đồng giải thưởng cho cuộc thi viết Hào khí miền Đông
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (với người nước ngoài) không quá 1.200 chữ, riêng đối với thể loại phóng sự báo chí không quá 1.500 chữ, khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp;
Tác phẩm dự thi phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các website, blog, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter...của các tổ chức, cá nhân. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi;
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo Thanh Niên điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
Mời bạn đọc xem thể lệ chi tiết tại đây.
Bình luận (0)