Xu hướng bảo lưu kết quả để… khám phá bản thân

22/02/2023 07:29 GMT+7

Hiện nay, không ít sinh viên học được 1, 2 năm hoặc được vài tháng lại quyết xin nghỉ và bảo lưu kết quả một thời gian để có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, hiểu rõ được bản thân thật sự muốn gì, cần gì và đam mê của mình ở đâu…

Trong quá trình học vì kiến thức nhiều và rộng khiến bản thân bị quá tải nên Nguyễn Ngọc Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH FPT TP.HCM, đã đi đến quyết định bảo lưu để có những trải nghiệm thực tế về chuyên ngành học.

Sau khi bảo lưu kết quả, Uyên đăng ký nhiều hội thảo, những chương trình cải thiện kỹ năng mềm để phát triển những kỹ năng còn thiếu. "Những trải nghiệm thực tế quý giá đó đã giúp mình có nhiều góc nhìn đa chiều và hơn hết là hiểu hơn về bản thân", Uyên bày tỏ.

Khi được hỏi: "Có hối hận về quyết định bảo lưu không?", cô nàng liền nói: "Mình chưa bao giờ hối hận vì bản thân đã trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Trước đây, mình luôn tự ti và lo lắng quá nhiều khi đứng trước một vấn đề hoặc tình huống. Sau khi có thời gian tự chữa lành bản thân, mình đã học cách đón nhận mọi chuyện một cách nhẹ nhàng hơn".

Xu hướng bảo lưu kết quả để… khám phá bản thân - Ảnh 1.

Tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm giúp Hạnh trở nên tự tin hơn

NVCC

Giống như Uyên, Lê Sơn, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng chọn cách bảo lưu để được trải nghiệm thực tế: "Thời gian học ở trường cảm giác mình chỉ học để đối phó qua môn vì mất định hướng, không biết mình đang học vì cái gì. Mình muốn có khoảng thời gian nghỉ ngơi để tìm hiểu kỹ hơn về chuyên ngành mình học và hơn hết là mình muốn đi ra ngoài để trải nghiệm nhiều hơn".

Sau khi bảo lưu, Sơn đã tìm ra được định hướng rõ ràng hơn trong tương lai cho bản thân: "Mình đã biết được công việc yêu thích và xây dựng kế hoạch tốt hơn để bản thân không rơi vào tình trạng cũ nữa. Mặc dù cảm thấy hơi tiếc vì phải đi đường vòng để tìm ra đam mê, nhưng mình cảm thấy rất hài lòng với bản thân ở hiện tại".

Thời gian đầu đã lựa chọn sai chuyên ngành, Nguyễn Văn Nhật, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, quyết định bảo lưu để tìm lĩnh vực mình yêu thích. Trên hành trình tìm kiếm đam mê, Nhật đã đăng ký những khóa học ngắn hạn về thiết kế và đi làm quản lý fanpage tại quán cà phê gần nhà.

Cảm thấy khoảng thời gian bảo lưu vô cùng có ích vì bản thân đã nhận ra sở thích của mình, khi quay trở lại trường học, Nhật đã quyết định chuyển chuyên ngành từ Digital Marketing (tiếp thị truyền thông) sang truyền thông đa phương tiện.

"Được làm những điều mình thích vẫn tốt hơn, mình cảm thấy rất vui vì bản thân đã trở nên tích cực hơn rất nhiều sau khoảng thời gian nghỉ ngơi vừa đủ", Nhật cho biết.

Sau khi học ĐH được một thời gian, Phạm Thị Mỹ Hạnh, sinh viên Trường ĐH FPT TP.HCM, nhận ra bản thân không biết thích điều gì, chuyên ngành học có phù hợp hay không… Vì thế Hạnh quyết định nghỉ 1 năm để có cơ hội trải nghiệm thực tế, đồng thời khám phá bản thân xem thực sự mình phù hợp với điều gì.

"Từ nhỏ mình luôn là một đứa trẻ ngoan trong mắt mọi người nên việc đột ngột muốn nghỉ học đã tạo cú sốc lớn đối với ba mẹ và anh trai. Mình gặp khó khăn về tài chính vì gia đình không hỗ trợ, và thời gian đó trôi qua rất kinh khủng. Mình đã trải nghiệm đủ nhiều ngành nghề từ phục vụ đến gia sư để kiếm thu nhập trang trải. Nhưng thời gian đó đã mang đến cho mình nhiều trải nghiệm quý báu, từ một cô gái điều gì cũng e dè, sợ hãi, mình trở nên dạn dĩ và năng động hơn rất nhiều", Hạnh kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.