Cụm từ web drama đã không còn là xa lạ với cộng đồng mạng. Web drama được hiểu là phim được chiếu thông qua hệ thống mạng internet và hiện đang nở rộ do mạng lưới internet quá phổ biến, tiện lợi với người dân. Một tập phim của web drama Thập tam muội chiếu trên YouTube của nghệ sĩ hài Thu Trang có hơn 40 triệu lượt xem (tổng 3 tập phim này có hơn 100 triệu lượt xem).
Nghệ sĩ Thu Trang cho biết: “Có rất nhiều bộ phim, nhân vật của phim trên mạng được khán giả ủng hộ nhiệt liệt. Chính vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất khi làm phim chiếu rạp đã chọn cách phát triển thêm câu chuyện cho các nhân vật được yêu thích”. Theo đó, Thu Trang đã cùng chồng - nghệ sĩ Tiến Luật, đạo diễn Mr Tô, Khương Ngọc mạnh dạn đầu tư hơn 17 tỉ đồng thực hiện bộ phim chiếu rạp Chị Mười Ba với câu chuyện mới được xem như phần kết, sau thành công quá lớn của Thập tam muội trên mạng.
Phải nói thẳng, từ web drama đến phim điện ảnh còn phải qua rất nhiều bước, là một quá trình đầy khó khăn, nhiêu khê, cần nhiều tâm huyết và cả thực lực, tài năng của đạo diễn, nhà sản xuất chứ không đơn giảnNhà sản xuất Hồng Tú
|
Nhà sản xuất Hồng Tú và diễn viên Huỳnh Lập cũng mạnh dạn đưa web drama Ai chết giơ tay lên màn ảnh rộng với tựa phim Pháp sư mù, sẽ khởi chiếu vào tháng 11 tới. Bộ phim được làm theo thể loại tâm linh - kinh dị - hài hước Pháp sư mù với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên hài tên tuổi như Việt Hương, Đại Nghĩa, Huỳnh Lập, Khả Như, Quang Trung, Lê Giang, ca sĩ Phương Thanh... cũng được xem là phần kết của câu chuyện 8 tập web drama Ai chết giơ tay, tuy nhiên vẫn như một phim độc lập để ai chưa xem phim trên mạng vẫn có thể hiểu được nội dung phim chiếu rạp.
Thành công với doanh thu hơn 60 tỉ đồng tại các phòng vé trên toàn quốc của Chị Mười Ba khiến “mảnh đất” làm phim chiếu rạp từ web drama được nhiều nhà sản xuất nhắm tới để khai thác. Nhiều web drama chiếu trên mạng hiện rất được khán giả yêu thích như câu chuyện về cô Mến chuyển giới ở vùng sông nước miền Tây hồn hậu, nghĩa hiệp... trong Ghe bẹo ghẹo ai (Võ Thanh Hòa đạo diễn - từng làm phim chiếu rạp Ông ngoại tuổi 30, Hoán đổi...; Võ Đăng Khoa sản xuất và đóng vai chính), ngôn tình dài tập 21 ngày yêu em (diễn viên Tuấn Trần đóng và sản xuất), phim thanh xuân học đường Năm đó chúng ta 18 (đạo diễn Lương Gia Huy), phim ma tuổi học trò Cô gái đến từ bên kia (biên kịch Duy Khiêm Ngố, đạo diễn Linh Lan, Pops Music đầu tư sản xuất)... cũng đang manh nha có ý định làm tiếp thành phim chiếu rạp nếu thuận lợi.
Đừng hào hứng quá mức
Lý Minh Thắng, từng thành công với phim Sài Gòn - Anh yêu em, Mẹ chồng..., sẽ đảm nhận vai trò đồng đạo diễn cùng Huỳnh Lập ở phim Pháp sư mù, cho biết: “Việc sản xuất phim điện ảnh là câu chuyện tiếp nối từ web drama được giới làm phim dự đoán sẽ phổ biến trong xu hướng làm phim chiếu rạp sắp tới, và điều này góp phần tạo nên sự đa dạng cho thị trường phim Việt ở các phòng vé”.
Tất nhiên phim chiếu rạp có tiêu chuẩn và quy mô về kỹ thuật, kinh phí đầu tư, ngôn ngữ hình ảnh... khác biệt hoàn toàn so với phim chiếu mạng. Thế nên, cũng có nhiều ý kiến e ngại việc làm phim chiếu rạp từ các web drama sẽ mở đầu cho kiểu làm phim dễ dãi, sơ sài khiến phim chiếu rạp không khác gì phim truyền hình hay phim chiếu mạng.
Chia sẻ về điều này, nhà sản xuất Hồng Tú của Pháp sư mù cho biết: “Nếu kinh phí 8 tập web drama Ai chết giơ tay chỉ là 3,6 tỉ đồng, thì phiên bản điện ảnh hiện đã ngốn của chúng tôi đến 17 tỉ đồng mà vẫn chưa xong khâu hậu kỳ, dự kiến sẽ còn tăng thêm vì phim có màu sắc giả tưởng, nhiều kỹ xảo cần được chăm chút kỹ. Phải nói thẳng, từ web drama đến phim điện ảnh còn phải qua rất nhiều bước, là một quá trình đầy khó khăn, nhiêu khê, cần nhiều tâm huyết và cả thực lực, tài năng của đạo diễn, nhà sản xuất chứ không đơn giản”.
Bộ phim chiếu rạp Thật tuyệt vời khi ở bên em của đạo diễn Luk Vân (từng thành công qua phim Bốn năm hai chàng và một tình yêu) có sự tham gia diễn xuất của Harry Lu, Oanh Kiều, B Trần... vừa ra mắt vào tháng 7 vừa qua cũng được phát triển từ một phim ngắn cùng tên chiếu trên mạng rất được khán giả yêu thích của chính Luk Vân. Tuy nhiên, nữ đạo diễn này chia sẻ: “Hai phim chỉ giống nhau ở cái tựa, giống ở tính cách nhân vật nữ chính đều rất yêu thích hoa Bách Hợp và tôi chỉ lấy vài chi tiết chứ không phải toàn bộ. Với phim chiếu rạp làm từ web drama, tôi nghĩ phim nào có đề tài thật sự hay, thu hút thì mới nên làm tiếp, còn yếu và thiếu thì nên dừng, bởi từ nhiều tập phim kéo dài của web drama mà gói thành 90 phút trên màn ảnh rộng nếu làm không khéo sẽ gãy tính cách các nhân vật, khán giả mới xem sẽ không hiểu hết”.
Luk Vân cũng thẳng thắn cảnh báo về sự khác biệt giữa khán giả xem phim trên mạng và khán giả đến rạp: “Lượng người xem miễn phí trên YouTube khác hoàn toàn khán giả đến rạp. Con số view trên mạng có thể là thật hay ảo tùy cách bộ phim đó lựa chọn quảng bá, nhưng đừng tưởng đó sẽ là số lượng khán giả chịu bỏ tiền ra rạp xem. Các nhà sản xuất hay đạo diễn đừng nên hào hứng quá trước sự thành công của web drama để mà vội vàng bắt tay phát triển thành phim chiếu rạp nếu chưa chuẩn bị thật kỹ cho dự án”.
Bình luận (0)