Thịt heo là thực phẩm được đặt mua nhiều nhất quý III/2021 trên GrabMart |
H.Duyên |
Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng từ 77% năm 2019 lên 88% năm 2020. Dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Số liệu của Tổng cục Thống kê trong những tháng đầu năm 2021 cũng cho thấy nhu cầu sử dụng các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.
Thói quen mua sắm thay đổi
Trong đợt giãn cách kéo dài vừa qua, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành áp dụng chỉ thị nghiêm ngặt đóng cửa các chợ tự phát ở một số vùng dịch, giảm tần suất đi chợ - đi siêu thị theo khung giờ, kiểm soát việc đi lại bằng giấy đi đường, cách ly các khu vực có ca lây nhiễm… Việc này lý giải sự bùng nổ của các nền tảng “đi chợ hộ” nói riêng và mua sắm online nói chung qua các ứng dụng trên điện thoại. Giải pháp mua hàng trực tuyến đã giải quyết đa dạng nhu cầu hàng hóa khi không thể ra ngoài, vừa nhanh chóng, tiện lợi, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, những nền tảng này còn tạo cảm giác “kết nối xã hội”, giải tỏa tâm lý qua việc mua hàng…
Chị Nguyễn Phương Mai (quận 7, TP.HCM) từ một người ngại mua sắm online đã trở thành người dùng thường xuyên của dịch vụ “đi chợ hộ”. “Các chợ gần khu nhà tôi đóng hết từ tháng 7, hạn chế đi lại nên cũng chẳng thể đi đâu. Tôi có phiếu đi siêu thị của phường nhưng tần suất không đủ cho gia đình 10 miệng ăn. Các con thạo công nghệ hướng dẫn tôi dùng app trên điện thoại để đi chợ, lúc đầu lạ lẫm nhưng rồi cũng quen. Nhà tôi vẫn có thực phẩm tươi mới suốt đợt giãn cách, nhiều đồ chẳng kém siêu thị”, chị Phương Mai chia sẻ.
Đi chợ hộ, mua hàng số lượng lớn, thanh toán không tiền mặt trở thành thói quen của nhiều người trong và hậu giãn cách |
H.Duyên |
Mặc dù bị hạn chế đi lại, mua sắm trực tiếp nhưng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân vẫn có, không những vậy, còn tăng mạnh do gần như chỉ có thể ăn uống, sinh hoạt ở nhà. Điều này dẫn đến tình trạng người dân tích trữ các loại thực phẩm thiết yếu, đặt mua hàng một lần với số lượng lớn. Các thực phẩm khô cũng được ưu tiên vì hạn sử dụng lâu, dễ bảo quản như mì tôm, sữa, gạo...
“Nhà trọ của mình nằm trong khu phong tỏa, suốt mấy tuần nhờ hết vào các anh shipper. Một tuần tôi chỉ đặt hàng tối đa 2 lần, mỗi lần mua dư ra cho an tâm. Shipper sẽ đến trước rào chắn, đặt đồ tại bàn chờ ở đó. Ảnh gọi thì mình ra lấy hàng thôi, tiền thì đã thanh toán online lúc đặt hàng luôn rồi”, chị Trần Như Ý (quận 3, TP.HCM) chia sẻ về thói quen tích trữ lương thực đợt giãn cách vừa qua.
Theo quy định, trong quá trình làm việc khi giãn cách, các shipper phải xét nghiệm nhanh đều đặn, tuân thủ 5K, duy trì khoảng cách 1 - 2 mét với người nhận hàng, đặt hàng ở vị trí khác để tránh tiếp xúc… Bên cạnh đó, hình thức cho phép thanh toán không tiền mặt được nhiều nền tảng áp dụng cũng giúp người dùng linh hoạt hơn khi nhận hàng mùa dịch, đảm bảo an toàn khoảng cách - tiếp xúc ở mức tối đa... Đó cũng có lẽ là những nguyên nhân giúp việc mua hàng qua ứng dụng điện thoại được nhiều người lựa chọn.
Theo dữ liệu của Grab, trong quý 3-2021, nền tảng đi chợ hộ dịch vụ GrabMart trên ứng dụng này ghi nhận mặt hàng được đặt mua nhiều nhất là thịt heo, gồm thịt đùi, cốt lết, thịt vai, thịt xay… Ngoài ra, còn có bánh mì không, hành lá, dưa leo. Nền tảng này kết nối với các hệ thống siêu thị như Co.op Xtra, Farmers’ Market, Big C, G Kitchen lẫn các cửa hàng nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa, chợ truyền thống, các nhà bán lẻ trên mạng xã hội. Nhờ đó, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dùng với mức giá hợp lý, không biến động mùa dịch.
Bình luận (0)