Xu hướng ra đề thi không chỉ để kiểm tra kiến thức

07/01/2021 08:44 GMT+7

Học sinh không còn bắt buộc phải làm những bài kiểm tra với yêu cầu viết đúng, viết đủ những nội dung trong sách giáo khoa mà thay vào đó là các trò chơi hay bài thể hiện năng lực bản thân.

Đề mở theo hướng cho học sinh lựa chọn

Học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 là học kỳ đầu tiên các trường chính thức thực hiện những quy định mới trong kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh (HS) theo Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT.
Theo đó, các trường có thể sử dụng đa dạng hình thức kiểm tra như bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, bài thực hành, dự án học tập… Giáo viên (GV) đánh giá năng lực HS thông qua quá trình học tập, thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học quy định.

Chúng em không còn sợ hãi vì phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ những khái niệm hay định nghĩa của bài học. Mà thay vào đó việc kiểm tra theo yêu cầu hiểu và vận dụng sẽ giúp việc học nhẹ nhàng và giảm áp lực khi có thể chủ động thể hiện hiểu biết theo cách của mình

NGUYỄN THẢO ANH (HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM)

Vì vậy, đề kiểm tra trong học kỳ này đã không còn đơn thuần là những bài kiểm tra kiến thức, yêu cầu HS viết đúng viết đủ từng nội dung ghi nhớ, định nghĩa được in đậm trong sách giáo khoa (SGK). Mà thay vào đó, HS có điều kiện để lựa chọn những đề thi mà bản thân hứng thú, từ đó thể hiện năng lực, tư duy vận dụng và sáng tạo…
Chẳng hạn Phòng Giáo dục Q.1 (TP.HCM) ra đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 8 yêu cầu HS đưa ra lời khuyên với người thân để họ dần từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Một câu khác trong đề thi có yêu cầu: “Tình cảm đẹp nhất trên đời là tình thân. Muôn đời muôn kiếp, ruột thịt là thân thuộc nhất”, em hãy kể lại một câu chuyện mà em đã trải qua hoặc xem từ sách báo, phim ảnh hoặc được nghe, được chứng kiến trong đời sống về tình cảm gia đình… Đối với HS lớp 9, đề thi môn ngữ văn của Q.1 yêu cầu HS kể lại một trải nghiệm đáng nhớ để từ đó trưởng thành thông qua câu nói của William Arthur Ward “Mục đích của đời người là trưởng thành”…
Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), so sánh những năm trước đề kiểm tra thường yêu cầu cụ thể, HS làm trong phạm vi nhất định. Năm nay đề ra theo hướng mở, HS có thể kể bất kỳ câu chuyện nào để thể hiện trải nghiệm của mình. Thầy Kim Bảo cũng cho biết ngay cả ở khối 6 và 7 mọi năm chỉ có 1 đề thì năm nay có 2 đề để HS lựa chọn đề thi nào phù hợp, thích thú nhất để làm bài. Với những yêu cầu có tính mở trong đề thi, thầy Kim Bảo cho rằng: “Học trò không bị ràng buộc trong một giới hạn nhỏ mà thể hiện bài làm từ chính trải nghiệm của bản thân. Vì vậy, GV thay đổi yêu cầu môn ngữ văn từ viết hay sang viết đúng, có kỹ năng. HS nào viết hay được cộng thêm điểm năng khiếu trong bài kiểm tra để đảm bảo tính công bằng”.

Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá

Cũng theo hướng mở, không bó hẹp kiểm tra những kiến thức trong SGK và không còn là bài kiểm tra viết truyền thống là cách ra đề của nhiều trường hiện nay.
Chẳng hạn Trường THCS Nguyễn Du đã cho HS sử dụng điện thoại thông minh trong tiết học và thực hiện bài kiểm tra thường xuyên môn sinh học. Dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó nhà trường, mỗi nhóm HS lớp 9 nhận mã QR để quét và truy cập vào kho tài liệu về kiến thức liên quan protein. Mỗi nhóm sẽ có 25 phút để tự tìm hiểu kiến thức bài học từ mã QR, thực hiện sơ đồ hóa nội dung kiến thức thông qua sơ đồ tư duy, hoàn thành phiếu học tập cá nhân. Sau đó, đại diện mỗi nhóm sẽ trình bày, GV sẽ điều chỉnh kiến thức bài học chung cho HS. Hoạt động cuối cùng của giờ học là trò chơi được thiết kế trên ứng dụng Kahoot để củng cố lại kiến thức. Kết quả khi tham gia trò chơi cùng với điểm trình bày qua sơ đồ tư duy sẽ là điểm kiểm tra thường xuyên của HS.
Chia sẻ về tiết học kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá HS thông qua ứng dụng công nghệ, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh cho hay điều này đã tạo tâm thế chủ động cho HS trong tìm kiếm thông tin bài học. GV có thể đánh giá toàn diện và bao quát HS từ thái độ, kỹ năng học tập chứ không chỉ là kiến thức.
Với hình thức học và kiểm tra mới này, Nguyễn Thảo Anh, HS lớp 9 của trường, cho biết: “Chúng em không còn sợ hãi vì phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ những khái niệm hay định nghĩa của bài học. Mà thay vào đó việc kiểm tra theo yêu cầu hiểu và vận dụng sẽ giúp việc học nhẹ nhàng và giảm áp lực khi có thể chủ động thể hiện hiểu biết theo cách của mình”.
Học kỳ này, lần đầu tiên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã tổ chức cho khoảng 700 HS lớp 12 thực hiện bài kiểm tra các môn toán, vật lý, hóa học bằng điện thoại thông minh hoặc trên máy tính có kết nối internet. Ngay sau khi kết thúc bài làm, bấm nút nộp bài thì mỗi HS nhận kết quả kiểm tra ngay lập tức.
Cũng trong lộ trình thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết nhà trường đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chỉ một số môn tự nhiên có bài kiểm tra một tiết ứng dụng trên máy tính hoặc điện thoại di động. Tuy nhiên, đến học kỳ 2, nhà trường sẽ mạnh dạn tổ chức cho HS kiểm tra các môn trên máy tính hay các ứng dụng công nghệ. Đặc biệt ông Phú cho hay sẽ chú trọng với HS lớp 10 và lớp 11 để làm quen dần những thay đổi của các kỳ thi trong những năm sắp tới. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.