Xu hướng trường đại học thành đại học

09/12/2024 06:06 GMT+7

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.

Hiện nay, một số trường đang có định hướng và lộ trình phát triển thành ĐH như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Văn Lang...

Xu hướng trường đại học thành đại học- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, khi trở thành ĐH, cơ sở vật chất quy hoạch gắn chặt với từng trường đào tạo; sinh viên được thụ hưởng điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn so với trước đây

ẢNH: MỸ QUYÊN

KHÔNG PHẢI PHÉP CỘNG CƠ HỌC CÁC ĐƠN VỊ

Chia sẻ về lộ trình chuyển đổi từ trường ĐH thành ĐH, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), cho biết từ năm 2013, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có định hướng trở thành ĐH.

"Đây là một quá trình dài phát triển đích thực từ năng lực nội sinh về đội ngũ, chất lượng, uy tín trong nước và quốc tế, văn hóa, quản trị... Các quy định như phải có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH, có 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người... chỉ là những tiêu chí cứng. Vấn đề quan trọng là phải có sự chuyển biến thực chất về mô hình quản trị nhằm phát huy năng lực nội tại, chứ không phải ĐH là phép cộng cơ học của các đơn vị tách biệt không có chung mục tiêu, sứ mạng, tâm huyết...", PGS-TS Bùi Quang Hùng nói.

Theo PGS-TS Bùi Quang Hùng, đến năm 2021, UEH đã tái cấu trúc nội bộ, trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh - quản lý, khoa học xã hội, công nghệ và thiết kế với 3 trường thành viên gồm Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH cùng với hoạt động của Phân hiệu UEH Vĩnh Long tại ĐBSCL... Để vận hành nhịp nhàng và hiệu quả chiến lược mới, mô hình quản trị mới, toàn thể UEH từ cấp ĐH, các trường thành viên, phân viện đến khoa viện đã nỗ lực từng bước làm quen, thấu hiểu và chủ động thực hiện. Đến năm 2023, UEH chính thức thành ĐH thứ 7 của VN.

Những lợi ích và giá trị chỉ có thể đạt được khi ĐH có hệ thống quản trị hiệu quả, mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên. Về phía cơ quan quản lý ngành cũng cần quy định mềm dẻo hơn đối với các ĐH, đặc biệt là giao quyền tự chủ, linh hoạt trong điều kiện mở ngành mới, quy định giảng viên... Nếu ĐH sau khi chuyển đổi mà cơ chế quản lý không có gì thay đổi thì sẽ không tạo được chuyển biến về chất của trường ĐH mà đơn thuần chỉ là sự thay đổi danh xưng.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Trong khi đó, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc ĐH Duy Tân, thông tin sau khi luật Giáo dục ĐH ra đời vào năm 2018, hội đồng trường, Ban giám hiệu Trường ĐH Duy Tân bắt đầu có ý kiến thảo luận về vấn đề trở thành ĐH. "Được thành lập từ năm 1994, đến năm 2020, trường đã phát triển liên tục về quy mô và chất lượng. Mô hình tổ chức quản trị trường đã không còn phát huy hết sức sáng tạo, không còn phù hợp với tốc độ phát triển của trường. Vì thế, sau khi có Nghị định 99, trường đã quyết định xây dựng đề án chuyển thành ĐH", tiến sĩ Hải cho hay.

Quá trình chuyển đổi này, theo tiến sĩ Hải, có không ít khó khăn. Thứ nhất là việc thành lập các trường đào tạo đảm bảo yêu cầu của Nghị định 99. Thứ hai, xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, khoa học và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình sáp nhập, giải thể, bố trí cán bộ và người học. Thứ ba, xây dựng hệ thống quy chế, quy định mới phù hợp với mô hình ĐH. Bên cạnh đó phải chuẩn bị các nguồn lực đảm bảo sự kế thừa, ổn định, phát triển liên tục và cuối cùng là phải tuyên truyền, thay đổi nhận thức về mô hình mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường.

Xu hướng trường đại học thành đại học- Ảnh 2.

ĐH Kinh tế TP.HCM, một trong 9 ĐH của VN hiện nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

THỰC HIỆN ĐƯỢC NHIỀU NHIỆM VỤ MÀ TRƯỜNG ĐH KHÔNG THỂ

Đang là những trường ĐH ổn định, tuyển sinh và đào tạo tốt, tại sao nhiều trường lại muốn chuyển thành ĐH? Liệu sự chuyển đổi này có thực sự mang lại giá trị cho hệ thống, cho người học và cho xã hội hay không?

Khi luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực và nghị định hướng dẫn được ban hành, việc thành lập ĐH được quy định cụ thể, rõ ràng với 2 trường hợp. Thứ nhất, một trường ĐH nếu đủ điều kiện sẽ có thể chuyển thành ĐH, thứ 2, các trường ĐH có thể liên kết với nhau để thành ĐH. Trường hợp thứ 2 tương tự với việc thành lập các ĐH quốc gia và ĐH vùng ở thập niên 1990.

Trong 3 năm gần đây, các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP.HCM, Duy Tân và Kinh tế quốc dân lần lượt là những đơn vị đầu tiên chuyển thành ĐH sau khi luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực, theo cách "tự lớn lên". Lộ trình dài ngắn tuy có khác nhau nhưng điều đó cho thấy việc trở thành ĐH đang là xu hướng của các trường không còn muốn mang một chiếc áo chật chội.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc chuyển đổi những trường ĐH có đủ điều kiện thành ĐH là nhằm đổi mới hệ thống quản trị ĐH, giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên. "Hiện nay phần lớn các trường ĐH đều là trường đa ngành. Trong mỗi khối ngành có các chuyên ngành. Các chuyên ngành trong khối ngành phát triển riêng rẽ, không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Khi chuyển thành ĐH thì các ngành của khối ngành tích hợp lại thành trường thuộc ĐH. Do đó các ngành có thể chia sẻ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thế mạnh của nhau trong từng trường để nâng cao hiệu quả đào tạo", PGS-TS Ga nhìn nhận.

Theo ông Ga, xu thế phát triển của nền kinh tế số đòi hỏi người lao động phải có kiến thức đa dạng. Vì vậy việc đào tạo chuyên sâu, đơn ngành như thế kỷ trước không còn phù hợp. Các trường cần xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành, đưa kiến thức kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực thì sinh viên tốt nghiệp mới thích nghi với môi trường công tác. Các trường thuộc ĐH có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này. Khi phát triển trường ĐH thành ĐH thì người học hưởng lợi nhờ được học với nhiều thầy giỏi, điều kiện thực hành được cải thiện và nhất là được học kiến thức đa ngành để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.

PGS-TS Bùi Quang Hùng cũng cho rằng một trường ĐH đơn ngành, đào tạo hẹp sẽ không dễ đào tạo được những kỹ năng của thời đại. "Trở thành ĐH, vai trò và vị thế cũng khác nên chất lượng cũng phải được nâng cao tương xứng, cam kết, trách nhiệm với xã hội cũng lớn hơn", ông nhận định.

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, khi trở thành ĐH, công tác chuyên sâu về đào tạo từ các trường đào tạo theo lĩnh vực sẽ thuận lợi hơn so với trước. "Đội ngũ giảng viên được đầu tư sẽ chuyên sâu hơn, hệ thống cơ sở vật chất quy hoạch lại gắn chặt với từng trường đào tạo; sinh viên được thụ hưởng điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn so với trước đây do sự phân tán theo chiều rộng; hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo sẽ cụ thể hơn… nên chất lượng đào tạo sẽ tăng lên nhiều hơn", tiến sĩ Hải nói.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định xu thế từ trường ĐH chuyển sang ĐH hướng tới phương pháp tiếp cận đa ngành và liên ngành trong giáo dục ĐH, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế hiện nay. "Nó sẽ giúp giải quyết những thách thức toàn cầu với nhiều vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe… Những điều này không thể giải quyết bằng mô hình giáo dục ĐH truyền thống với đơn ngành", ông Dũng nêu.

CHỈ TẠO GIÁ TRỊ KHI DỰA TRÊN NỘI LỰC THỰC SỰ

"Những lợi ích và giá trị chỉ có thể đạt được khi ĐH có hệ thống quản trị hiệu quả, mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên. Về phía cơ quan quản lý ngành cũng cần quy định mềm dẻo hơn đối với các ĐH, đặc biệt là giao quyền tự chủ, linh hoạt trong điều kiện mở ngành mới, quy định giảng viên... Nếu ĐH sau khi chuyển đổi mà cơ chế quản lý không có gì thay đổi thì sẽ không tạo được chuyển biến về chất của trường ĐH mà đơn thuần chỉ là sự thay đổi danh xưng", GS-TSKH Bùi Văn Ga đánh giá.

Một lãnh đạo ĐH tại TP.HCM cũng lo ngại nếu trong tương lai, các trường "đua nhau" chuyển thành ĐH để có danh xưng mà không căn cứ vào nội lực, điều kiện thực chất, không trải qua một quá trình "thai nghén" cần thiết, thì có thể sẽ phá hỏng hệ thống và tất nhiên không hề tốt cho xã hội.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thừa nhận để chuyển thành ĐH phải có quá trình dài, đầu tư về mọi mặt chứ không hề dễ dàng. "Nếu chỉ chạy theo danh hiệu mà không đảm bảo chất lượng, không có sự thay đổi thực chất từ bên trong thì dù có trở thành ĐH cũng khó tạo được giá trị", tiến sĩ Tuấn khuyến cáo.

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, có thể thấy thực tế hiện nay chỉ những trường ĐH lớn, có kinh nghiệm đào tạo lâu năm ở Hà Nội, TP.HCM và một số ít trường ở các vùng kinh tế trọng điểm mới có đủ điều kiện chuyển đổi thành ĐH. "Điều kiện khó nhất là phải đáp ứng đủ số lượng các ngành đào tạo tiến sĩ. Vì vậy cũng không quá lo lắng trong tương lai sẽ có nhiều trường ĐH chuyển thành ĐH làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung của hệ thống", ông Ga nhận định thêm.

Hướng tới sự phát triển toàn diện

Năm học 2018 - 2019, Trường ĐH Văn Lang bắt đầu xây dựng lộ trình trở thành ĐH. Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết trường dự kiến gom một số ngành trong cùng lĩnh vực để thành lập thành 5 - 6 trường trực thuộc. Hiện đã có Trường VLTech đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ. Sắp tới các trường du lịch, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, sức khỏe dự kiến sẽ được hình thành.

"Việc chuyển đổi từ trường ĐH sang ĐH dù có phức tạp, khó khăn nhưng mang lại lợi ích toàn diện và giá trị tốt cho sinh viên, giảng viên", tiến sĩ Tuấn nhận định.

PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2023 tầm nhìn 2040, trường đặt mục tiêu trở thành ĐH đổi mới sáng tạo, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở phát triển từ các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống kết hợp với phát triển liên ngành với công nghệ, khoa học ứng dụng, xã hội nhân văn. "Trường xác định phát triển năng lực chuyên môn và thu hút các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu là động lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, đảm bảo lợi ích của người học, các cá nhân tổ chức liên quan và đặc biệt luôn quan tâm đến chất lượng", PGS-TS Tuấn thông tin.

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Công nghiệp Hà Nội, thông tin trường đang có lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt đủ các điều kiện để chuyển thành ĐH theo quy định của Chính phủ. Hiện tại trường đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Cơ khí - Ô tô. Theo ông Thực, dự kiến sẽ có thêm 3 trường thuộc lĩnh vực Điện - Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.