Xử lý án tham nhũng 'tắc' vì giám định

06/09/2019 06:45 GMT+7

Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định một số vụ việc giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng , đất đai... phục vụ giải quyết án tham nhũng , kinh tế còn kéo dài, có vụ tới 5 năm.

Nhiều vụ việc đang phải chờ giám định

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp (UBTP) ngày 5.9, Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Pha dẫn lại một loạt vụ án, như vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank VN, thời gian giám định tới 5 năm; hay vụ án Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng Á Châu chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản..., cho thấy nhiều vụ án tham nhũng bị ách tắc do công tác giám định không đảm bảo yêu cầu.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận, công tác giám định theo vụ việc rất khó khăn; có những vụ tới nay vẫn phải chờ kết quả giám định. “Vừa rồi điều tra các vụ đầu tư liên quan đến Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) của Tập đoàn dầu khí quốc gia, dự án Ethanol Phú Thọ hay vụ đang làm là dự án gang thép Thái Nguyên, có việc mua thiết bị ở nước ngoài nên điều tra xác minh rất khó; phải phối hợp tương trợ tư pháp hình sự”, ông Vương thông tin và nói thêm, một khó khăn khác là nhiều vụ việc phải trưng cầu rất nhiều bộ, ngành và dẫn các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ...
Một trong những khó khăn dẫn đến ách tắc trong công tác giám định, theo kết quả giám sát của UBTP, là việc cử người giám định ở các bộ, ngành thường không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. “Nhiều bộ, ngành có hiện tượng “đùn đẩy” nhau, từ chối không thực hiện quyết định trưng cầu giám định của CQĐT”, ông Pha cho hay. Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu thừa nhận có tình trạng “đùn đẩy” giữa các bộ, ngành và lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chế độ chính sách, thù lao cho giám định viên chưa được đảm bảo và công bằng trong khi chi phí giám định rất cao. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP thì cho rằng, việc công bố danh sách những cán bộ tham gia làm giám định viên là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành theo luật định; còn việc tham gia làm giám định viên của cán bộ là trách nhiệm công vụ nên không thể có chuyện chọn việc dễ, bỏ việc khó.

Chồng chéo giám định pháp y giữa công an và y tế

Một bất cập khác trong công tác giám định được báo cáo giám sát của UBTP nêu ra là sự chồng chéo trong công tác giám định pháp y. Theo Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Pha, hiện nay ở hầu hết các tỉnh, thành, bên cạnh pháp y tử thi của ngành y tế còn có pháp y tử thi của ngành công an. Ở một số địa phương, công tác phối hợp trong việc trưng cầu và tiếp nhận trưng cầu chưa tốt dẫn đến trùng lặp, chồng chéo giữa hai bên. “Trong thực tế, công an một số tỉnh đã có văn bản chỉ đạo CQĐT trưng cầu cơ quan nào giám định pháp y tử thi. Điều này cũng gây những băn khoăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương”, ông Pha cho hay.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quý Vương nói, phải bố trí pháp y tử thi trong lực lượng công an để kịp thời phục vụ điều tra vụ án vì lực lượng pháp y công an khi xuống hiện trường, với tính chất nhạy bén nghề nghiệp, có thể nhận định các dấu vết phục vụ điều tra. Còn việc trưng cầu giám định, ông Vương cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, giám định tập thể phải có 2 giám định viên pháp y nhưng cả bệnh viện tỉnh chỉ có 1 giám định viên thì không thể thực hiện theo đúng quy định.
Chưa đồng tình với giải trình này, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga dẫn lại công văn của Công an tỉnh Bình Định yêu cầu cơ quan CSĐT công an các huyện, TX.An Nhơn, TP.Quy Nhơn khi xảy ra vụ việc có người chết chưa phát hiện thấy dấu hiệu của vụ án giết người, thì trưng cầu giám định pháp y trong ngành công an. Bà Nga cho rằng, ngành công an vừa là người ra quyết định trưng cầu, vừa là người giám định - mà công an lại có chỉ đạo chỉ trưng cầu giám định trong ngành công an - thì ngành y tế “không còn việc làm”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.