Trước đó, ngày 28.3.2001 UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1271 và 1722/QĐ-UB về việc thu hồi 3.745,2m2 tại hai phường trên.
Khu đất này được giao cho Báo Thanh Niên để xây dựng nhà ở cán bộ công nhân viên và đường đi chung; cho thuê thêm 171,5m2 để xây dựng Trung tâm kỹ thuật truyền số liệu của báo.
Ngay sau đó, Báo Thanh Niên đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất và các thủ tục khác, đồng thời liên hệ với UBND Q.Đống Đa để thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, do bị những người lấn chiếm chống đối quyết liệt, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, không thể triển khai được theo tiến độ.
Để tháo gỡ khó khăn, Báo Thanh Niên, với tư cách là chủ đầu tư dự án đã xin chủ trương của thành phố và tiến hành thỏa thuận phương án giải phóng mặt bằng với các hộ dân đang sử dụng đất, trong đó đa phần là các hộ dân đang sử dụng đất lấn chiếm trái phép.
Ngày 1.6.2007, Báo Thanh Niên đã ký Hợp đồng tư vấn giải phóng mặt bằng với đại diện các hộ dân là ông Ngô Văn Quảng (cán bộ Công an Q.Ba Đình, một trong những hộ có công trình xây dựng trên khu đất của Báo Thanh Niên).
Các đối tượng đổ cọc bê tông trên đất lấn chiếm - Ảnh: Lê Nam |
Ngày 7.7.2007, Báo Thanh Niên đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ dân, cùng người đại diện là ông Ngô Văn Quảng. Theo Hợp đồng và biên bản thỏa thuận nói trên, các hộ dân sẽ tự tháo dỡ công trình và bàn giao lại diện tích đang sử dụng cho người đại diện là ông Ngô Văn Quảng trông coi. Ông Ngô Văn Quảng có trách nhiệm nhận tiền đền bù theo phương án đã thống nhất và bàn giao toàn bộ phần diện tích này cho Báo Thanh Niên.
Báo Thanh Niên đã giao đủ số tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận (số tiền đền bù này lên tới hơn 16 tỉ đồng) cho ông Quảng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đền bù của Báo Thanh Niên và nhận đất của các hộ dân, ông Quảng đã nhiều lần trì hoãn việc bàn giao đất cho Bbáo Thanh Niên, và sau đó ngang nhiên không thực hiện việc bàn giao này. Chưa hết, ông Quảng và một số người khác còn có thái độ chống đối quyết liệt, tỏ thái độ coi thường pháp luật.
Từ ngày 20.10.2008 đến nay, ông Quảng đã thể hiện rõ dấu hiệu cố tình không bàn giao mặt bằng để chiếm đất như: Sau ngày 18.10.2008 vẫn để Lê Thu Hà, Nguyễn Hữu Toàn và bà Lê Thị Thanh xây dựng trái phép tại diện tích đất ông Quảng chưa bàn giao cho Báo Thanh Niên. Cụ thể, bà Hà tái lấn chiếm, xây dựng trái phép 137m2 nhà kho, ông Toàn và bà Thanh tái lấn chiếm xây dựng 204m2. Bản thân ông Quảng cũng tái lấn chiếm xây dựng 48m2 nhà khung sắt và để người khác đổ móng bê tông, bổ trụ diện tích 36m2 trên khu đất này.
Ngày 30.3.2009 các cơ quan chức năng của Q.Đống Đa, P.Quang Trung, P.Ô Chợ Dừa đã huy động lực lượng gần 100 người, gồm cả cảnh sát cơ động, cảnh sát kinh tế, cảnh sát hình sự, lực lượng cứu hỏa, thanh tra xây dựng, trật tự phường, cán bộ tổ dân phố... tiến hành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm và tái lấn chiếm nói trên.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời gian ông Quảng nhận tiền đền bù của Báo Thanh Niên, một tòa nhà 6 tầng đồ sộ như một khu chung cư đã được xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật trên đất lấn chiếm trái phép vốn được thành phố giao cho Báo Thanh Niên, thuộc địa bàn P.Ô Chợ Dừa quản lý. Hiện nay, tòa nhà 6 tầng này vẫn sừng sững án ngữ ngay điểm cuối của con đường Võ Văn Dũng (xây dựng giữa lòng đường quy hoạch).
Lê Nam
Bình luận (0)